Cải chính giấy khai sinh cho con là không sai luật
Bà Huỳnh Thị Lệ Trinh có con chung với Thiếu tướng N.V.O - nguyên Giám đốc Công an tỉnh Tiền Giang, sau đó ông O đứng ra làm thủ tục cải chính khai sinh cho con gái năm nay 6 tuổi.
Liên quan đến sự việc này, trao đổi với chúng tôi, luật sư Trương Quốc Hòe, Trưởng Văn phòng Luật sư Interla (Hà Nội) cho rằng, việc tướng O. khi đang là Giám đốc Công an tỉnh Tiền Giang, đã có gia đình mà vẫn có con ngoài giá thú là hành vi có vi phạm.
Việc này không những ảnh hưởng đến hạnh phúc gia đình, chuẩn mực đạo đức xã hội mà còn vi phạm những điều Đảng viên không được làm theo Điều lệ của Đảng; vi phạm quy chế đạo đức của ngành công an.
Với cương vị từng là người đứng đầu ngành công an Tiền Giang, những vi phạm này sẽ khiến dư luận bức xúc. Bên cạnh đó, hành vi trên đã vi phạm chế độ hôn nhân một vợ, một chồng theo quy định của Luật Hôn nhân và Gia đình và có thể cấu thành tội phạm nếu gây hậu quả nghiêm trọng.
Tuy nhiên, theo luật sư Hòe ở đây, khi tướng O. còn đương chức và có vợ con đề huề nhưng không ai phát hiện ra việc ông có con riêng ngoài giá thú nên khó có thể quy chiếu hành vi vi phạm đạo đức của vị tướng này.
"Nếu mọi người phát hiện, tố giác ở giai đoạn tướng O. còn đương chức thì sẽ áp dụng các quy định của pháp luật là Luật hôn nhân và gia đình, quy định của Điều lệ Đảng để xử lý và nặng nhất có thể tiến hành kỷ luật Đảng cũng như miễn nhiệm chức vụ.
Nếu gây hậu quả nghiêm trọng thì xử lý hình sự. Nhưng ở đây, tướng O. đã về hưu nên căn cứ theo nội dung sự việc, Điều lệ Đảng thì chi bộ Đảng nơi vị tướng này đang sinh hoạt có thể tiến hành họp, xem xét xử lý theo hình thức thích hợp", luật sư Hòe nói.
Luật sư Trương Quốc Hòe.
Tuy nhiên, đối với việc tướng O. tiến hành nhận và cải chính tên cho con ngoài giá thú thì theo luật sư Hòe, đây là quy trình nhận cha cho con mà Bộ Luật Dân sự cho phép.
"Trong trường hợp không có mâu thuẫn, sự phản ứng của người mẹ hoặc người cha (đủ căn cứ chứng minh là con của người cha - PV) thì cơ quan pháp luật sẽ công nhận yêu cầu của đương sự.
Có nghĩa là, cha hoặc mẹ ruột khi không gặp có bất cứ phản ứng, cản trở nào của cha hoặc mẹ thì có thể đề nghị cơ quan nhà nước có thẩm quyền đăng ký hoặc đính chính giấy khai sinh.
Đối với trường hợp có sự cản trở của cha hoặc mẹ nuôi thì tòa án sẽ phải xem xét, cụ thể là giám định ADN, nếu ADN trùng với cha đẻ thì tòa sẽ công nhận đó là cha đẻ của đứa bé", luật sư Hòe nói.
Áp dụng vào trường hợp của Thiếu tướng O., theo luật sư Hòe, thì khi tiến hành cải chính lại giấy khai sinh của con gái 6 tuổi ngoài giá thú, tướng O. không có sự phản ứng, cản trở của mẹ ruột hay cha nuôi của cháu thì cơ quan chức năng hoàn toàn có quyền công nhận yêu cầu của ông.
"Theo như thông tin, bà Trinh đã ra UBND phường 5, thành phố Mỹ Tho làm giấy đăng ký kết hôn với ông N. và khi bà Trinh sinh con, ông N là cha trong giấy khai sinh.
Đến năm 2010, Thiếu tướng N.V.O nghỉ hưu, bà Trinh và ông N. làm thủ tục ly hôn.
Sau đó, tướng O. ra UBND phường 5. nơi bà Trinh sinh sống tiến hành làm thủ tục cải chính tên cho con mà không có sự cản trở, phản ứng của bà Trinh hay ông N. thì việc cơ quan có thẩm quyền xác nhận là hoàn toàn đúng với các quy định của pháp luật hiện hành", luật sư Hòe nêu rõ.
Đồng quan điểm đó, luật sư Nguyễn Đức Long (Hà Nội) cũng cho rằng, việc tiến hành các thủ tục cải chính giấy khai sinh hay nhận cha cho con được pháp luật cho phép.
Với trường hợp này, yêu cầu của tướng O. là công khai và không hề có phản ứng, cản trở của người cha nuôi trong giấy khai sinh đầu hay của mẹ đẻ cháu bé thì việc UBND phường 5 nơi mẹ cháu bé sinh sống xác nhận là hoàn toàn đúng luật.
Việc làm đáng hoan nghênh
Tuy nhiên, ở khía cạnh đạo đức, luật sư Hòe nhấn mạnh, hành động thừa nhận, cải chính tên cho con ngoài giá thú của tướng O. là rất đáng hoan nghênh.
Bởi, thực tế, trong xã hội, đã có nhiều trường hợp, sau khi khiến người phụ nữ mang thai, sinh con ra đã có không ít người đàn ông đã chối bỏ trách nhiệm của mình.
"Nếu xét về mặt đạo đức, quyền của cháu bé thì hành động của tướng O. là dũng cảm, rất đáng hoan nghênh. Có thể vì một số lý do nào đó nên khi còn đương chức ông chưa nhận nhưng sau khi nghỉ hưu ông đã nhận lại con của mình, đó là điều đúng đắn.
Ở đây, theo luật trẻ em thì cháu bé này có quyền được nhận cha đẻ của mình và đương nhiên, không ai cản trở, cháu bé chắc chắn cũng mong điều này.
Việc làm này của tướng O. cũng sẽ tránh được những tình huống không hay có thể xảy ra", luật sư Hòe nói.
Còn chuyên gia tâm lý Lê Thị Túy cũng cho hay, xét về mặt đạo đức thì việc nhận cũng như làm các thủ tục cải chính tên cho con của tướng O. là đáng ghi nhận.
"Ở đây, xét về mặt đạo đức thì việc ông là một vị tướng, có địa vị trong xã hội, có gia đình, vợ con đề huề nhưng lại mắc lỗi có con ngoài giá thú. Tuy nhiên, sau khi về hưu, ông đã nhận ra lỗi và nhận lại con ruột của mình, làm thủ tục cải chính tên cho con, đó là điều đáng ghi nhận.
Bởi thực tế, trong xã hội đã có rất nhiều người đàn ông không dám đứng lên thừa nhận con ruột của mình. Tuy nhiên, điều quan trọng hơn cả là cần theo dõi thêm quá trình ông chăm sóc, quan tâm đến đứa con này như thế nào", bà Túy chia sẻ.
Theo bà Túy, người lớn mắc lỗi đến đâu thì pháp luật sẽ có những quy định nhưng trẻ em thì vô tội nên việc đảm bảo quyền chính đáng của con trẻ là điều rất đáng nên làm.
Trước đó, trao đổi với chúng tôi, một cán bộ làm công tác tổ chức của Đảng cho rằng, tướng O. là Đảng viên và việc có con riêng mà không báo cáo của tướng O. thể hiện sự chưa trung thực đối với Đảng. Thêm vào đó, việc này cũng sẽ gây ra những dư luận không tốt trong xã hội.
Vì tướng O. nguyên là Thường vụ Tỉnh ủy, nguyên Giám đốc Công an tỉnh Tiền Giang, nên cơ quan Đảng của tỉnh Tiền Giang cần phải làm rõ sự việc. Căn cứ vào nội dung sự việc thì sẽ có hình thức xử lý phù hợp.
Trả lời trên báo Dân Việt, tướng O. khẳng định, ông và bà Trinh không còn liên quan gì kể từ năm 2011.
Nói về việc có con chung với bà Trinh, tướng O. chia sẻ: "Việc tôi làm, tôi chịu. Nhưng con gái của tôi thì tôi phải có trách nhiệm. Tôi công khai nhận con vì tôi phải có đạo đức với con của mình".
Tướng O cũng tâm sự thêm: "Thời chiến tranh, tôi vào sinh ra tử nhiều, là Anh hùng Lực lượng vũ trang, giờ cũng không còn gì để mất.
Lúc tôi đương chức, Công an Tiền Giang kéo dài chuỗi 9 năm liên tục nhận Cờ thi đua của Chính phủ, trước đó là tướng Nguyễn Việt Thành liên tục 5 năm, sau tôi kế nhiệm 4 năm. Nhưng vẫn có những việc mình làm kiểu "đi đêm có ngày gặp ma".