"Số phận" các dự luật này kỳ tới có trình hay không là do Chính phủ quyết định
Theo kết quả thăm dò, đa số các ĐBQH chọn phương án không đồng ý tách Luật giao thông đường bộ thành 2 là dự Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi) và dự Luật Bảo đảm an toàn trật tự giao thông đường bộ (Bộ Công an soạn thảo).
Cùng đó, nhiều ĐBQH cho rằng, chưa cần thiết có Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở do Bộ Công an soạn thảo.
Tại họp báo sau bế mạc kỳ họp Quốc hội chiều 17/11, phóng viên đã đặt câu hỏi với Tổng Thư ký, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội về "số phận" của 2 dự luật do Bộ Công an soạn thảo này sẽ ra sao khi đa số ý kiến các ĐBQH như vậy?
Trả lời câu hỏi trên, ông Phúc cho biết, các dự án luật đã được trình đúng với quy trình, thủ tục được pháp luật quy định. Ủy ban Thường vụ Quốc hội thấy đảm bảo đủ điều kiện trình ra Quốc hội. Khi ra Quốc hội sẽ thuộc thẩm quyền của Quốc hội.
"Chúng tôi rất cầu thị, xin ý kiến đại biểu Quốc hội, làm cơ sở cho ban soạn thảo, Chính phủ tiếp thu, hoàn chỉnh dự án luật này", ông Phúc nói.
Ông Nguyễn Hạnh Phúc.
Ông Phúc giải thích, đây mới là bước cho ý kiến, chưa phải bước thông qua nên chỉ lấy ý kiến xem xét đề xuất ĐBQH thế nào. Ngoài việc đồng ý hay không đồng ý, đại biểu còn có những ý kiến rất cụ thể.
"Chúng tôi đã chuyển kết quả này cho Chính phủ, cơ quan soạn thảo để chuẩn bị cho lần sau", ông Phúc nói.
Khi được đề nghị nói rõ về "số phận" của các luật nói trên, Luật Giao thông đường bộ sẽ trình 1 luật hay 2 luật, ông Phúc cho biết, "kỳ tới Chính phủ trình 1 luật hay tách làm 2 luật là do Chính phủ quyết định".
Trước câu hỏi, đa số đại biểu không đồng ý "tách" Luật Giao thông đường bộ thành 2, vậy đây là bước tiến hay bước lùi trong hoạt động lập pháp? Ông Phúc khẳng định “đây là cả tiến, cả lùi”.
Trả lời thêm câu hỏi này, Thiếu tướng Nguyễn Thanh Hồng, Uỷ viên Thường trực Uỷ ban Quốc phòng - An ninh của Quốc hội cho rằng, cũng có những nhìn nhận lùi - tiến khác nhau và việc các ĐB tranh luận là rất bình thường.
"Lùi ở chỗ lâu nay khi một dự án luật được đưa vào chương trình, được thẩm tra, cho ý kiến, tiếp thu, giải trình và sẽ được thông qua. Nhưng lần này không như vậy, nên nếu so với trước đây là lùi.
Nhưng tiến ở chỗ, trong hoạt động lập pháp có tồn tại câu chuyện về chất lượng dự án luật. Tiến ở chỗ thái độ của các ĐBQH tranh luận, thảo luận để đi đến thống nhất xin ý kiến ĐBQH thể hiện trách nhiệm, cách làm việc thực hiện đổi mới của Quốc hội.
Sau này trách nhiệm liên quan đến hoạt động này phải rút kinh nghiệm", Thiếu tướng Nguyễn Thanh Hồng nói.
Báo chí tiếp tục đặt câu hỏi đến tướng Hồng về cảm xúc của ông khi gặp phản ứng của nhiều ĐBQH qua việc lấy ý kiến thăm dò khi tách 2 Luật từ luật giao thông đường bộ. Ông có gặp khó khăn khi vừa thực hiện nhiệm vụ của ĐBQH và vừa là một cán bộ công an biệt phái hay không?
Tướng Hồng cho rằng, đa số đại biểu phát biểu ý kiến tạo dấu ấn với báo chí, nhiều đại biểu sử dụng hình ảnh rất tốt để so sánh, rất ấn tượng.
"Tôi đã bày tỏ quan điểm của mình trên hội trường và tôi phát biểu không phải với tư tưởng "ăn cây nào rào cây ấy". Tôi từng nhiều năm làm cảnh sát giao thông nên tôi có thực tiễn trong vấn đề này.
Về các dự án luật, tài liệu rất nhiều và có thực tế, có những đại biểu tiếp cận chỉ một vài nội dung, chứ chưa quan tâm nhiều đến các nội dung khác.
Như thảo luận hôm qua nhiều đại biểu chỉ quan tâm đến việc tách hay nhập và giấy phép lái xe thôi. Cảm xúc tôi hơi tiếc là các ĐB chưa bao quát hết được nội dung 2 dự án luật", tướng Hồng nói.
Xuất thân từ công an mà phản biện luật Bộ Công an chủ trì soạn thảo cũng “xót xa”
Trước đó, phát biểu tại phiên thảo luận dự án Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở, đại biểu Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) cho hay, bản thân ông xuất thân từ sĩ quan công an nhưng từ hôm qua đến hôm nay, ông lại phản biện lại hai dự án Luật của Bộ Công an.
"Tôi cảm thấy rất nao nao. Lúc ra ngoài hội trường, một số đại biểu nói là anh xuất thân từ lực lượng công an, không bảo vệ mà lại phản biện, tôi cũng thấy xót xa", đại biểu Hòa nói.
Tuy nhiên, theo đại biểu Hòa, ông sống ở cơ sở nên cũng biết ít nhiều do đó, ông mong muốn trình bày với Bộ trưởng Bộ Công an, phản biện lại 2 dự án luật này.
"Như tôi và các đại biểu đã nói, không thể gọi là gom lại 3 lực lượng, ở phường chỉ có ban bảo vệ dân phố mà không có đội dân phòng, ngược lại ở xã có đội dân phòng không có ban bảo vệ dân phố.
Đang rành mạch xã có đội dân phòng, phường có ban bảo vệ dân phố, tự nhiên gom 3 lực lượng này thành một lực lượng thì thấy chưa hợp lý.
Cho nên, tôi không đồng ý về chuyện gom 3 lực lượng này. Hiện nay, 3 lực lượng này ở dưới cơ sở, họ làm rất tốt, tại sao chúng ta phải gom lại?", đại biểu Hòa nêu.
ĐB Phạm Văn Hòa.
Ông cho rằng, dự kiến ban hành luật này "quá vội vàng, chưa đánh giá tác động ở cơ sở cụ thể" và lực lượng công an xã hiện nay đã nghỉ gần 1/3, không còn là con số 126.000 như tờ trình của Chính phủ.
"Số liệu trong tờ trình của Ban soạn thảo đưa ra, tôi cho rằng chưa phù hợp. Điều tôi muốn nói ở đây, bộ phận tham mưu giúp việc cho Bộ trưởng chưa chuẩn xác con số trình cho Quốc hội, để người ta không hiểu, tin con số này. Do dó, tôi muốn nêu ra để chúng ta đánh giá cho phù hợp và thực tiễn", ông Hòa nói thêm.
Đại biểu Hòa cho rằng, sau khi đánh giá tác động, tổng kết, sơ kết, lấy ý kiến ở cơ sở, lúc đó ban hành luật cũng không muộn.