Thiếu tướng Hồ Sỹ Tiến và duyên nợ với nghề đánh án

T. Hòa |

Thiếu tướng Hồ Sỹ Tiến lớn lên ở vùng quê nghèo Quỳnh Lưu (Nghệ An). Tuổi thơ của anh là chuỗi những ngày vất vả, gian khó. Anh kể rằng, bố hy sinh từ năm anh 4 tuổi, cuộc sống của 3 mẹ con rất thiếu thốn. Cứ cuối tuần, sau buổi học chiều thứ 7 là anh và mẹ lại đẩy xe cải tiến đến khu rừng cách xa nhà 25km để lấy củi. Hai mẹ con mang cơm nắm ăn và ngủ đêm ở rừng để hôm sau kiếm củi đủ xe đẩy về bán.

Năm 1975 khi sắp tốt nghiệp THPT, anh có nguyện vọng đi bộ đội, nhưng vì thuộc diện gia đình liệt sĩ, lại là con trai một nên nguyện vọng đó không được chấp nhận. Anh đăng ký thi vào Trường Ðại học Thủy sản và Ðại học Y khoa.

Vậy nhưng, cơ duyên lại đưa anh vào ngành Công an khi thời điểm đó Trường Sĩ quan An ninh (nay là Học viện An ninh) không phải thi đầu vào, cán bộ tuyển sinh đến tận trường để tuyển và anh đã trúng tuyển.

Sau khi tốt nghiệp khóa D7 Học viện An ninh, anh Tiến về công tác tại một đơn vị của Bộ Công an rồi về Phòng Cảnh sát điều tra Công an TP Hà Nội.

Thời gian làm việc ở Phòng Cảnh sát điều tra Công an TP Hà Nội, nhiều năm liền, anh làm công tác tham mưu, anh làm rất trách nhiệm, là người tham mưu các cấp lãnh đạo ra Kế hoạch 05 đưa điều tra viên về công tác tại Công an phường, từ đó tại Công an các phường mới hình thành các tổ Cảnh sát hình sự.

“Nhưng trong sâu thẳm tôi vẫn đam mê với việc trực tiếp điều tra án”- Anh nhớ lại những ngày ấy, khi từ Quyền Đội trưởng Đội Tham mưu (đang được cất nhắc lên Đội trưởng), anh lại xin được về Đội Điều tra án để làm… Đội phó.

Với sự đam mê và tố chất làm việc, anh Tiến đã khẳng định mình ở vị trí mới và một thời gian sau anh được bổ nhiệm Phó Trưởng phòng Cảnh sát điều tra phụ trách mảng án trị an.

Khi được phân công về làm Phó Trưởng, Quyền Trưởng, rồi Trưởng Công an quận Cầu Giấy, cái duyên phá án của vị lãnh đạo này đã gắn với nhiều vụ án nghiêm trọng được khám phá ở Hà Nội, từng gây xôn xao dư luận.

Đó là việc triệt phá băng cướp dùng gậy cướp xe Spacy của người đi đường; vụ bắt cóc trẻ em ở Trung Hòa (Nhân Chính); vụ đối tượng người Hàn Quốc giết bạn gái rồi đốt xác…

Nhưng phải đến khi chuyển lên công tác tại Cục Cảnh sát hình sự thì anh mới được thỏa sức thể hiện sự đam mê nghề nghiệp, được ứng dụng tất cả những kiến thức nghiệp vụ, bản lĩnh, kinh nghiệm làm án của mình.

Có thể nói, ở thời của Thiếu tướng Hồ Sỹ Tiến, thương hiệu Cục Cảnh sát hình sự đã tạo ấn tượng tốt đẹp trong lòng người dân sau một số “cơn bão” mà đơn vị này đã phải trải qua.

Rất nhiều lĩnh vực, rất nhiều chuyên án lớn đã được lính của Cục Cảnh sát hình sự chủ công khám phá.

Từ việc chỉ đạo Công an Hải Dương, Hải Phòng, Quảng Ninh lập chuyên án bắt giữ các băng nhóm sử dụng súng hoa cải bắn nhau để tranh giành lãnh địa; phối hợp với Công an tỉnh Quảng Ninh chặn đứng bàn tay tội ác của băng nhóm giang hồ đường biên Phương “Ninh Hột”…. đến hàng loạt các vụ án bắt cóc tống tiền, án lừa đảo công nghệ cao, đánh bạc qua mạng… đều được khám phá thành công.

Những sới bạc có tiếng “bất khả xâm phạm” ở miền Bắc như sới bạc ở Chùa Dận (Bắc Ninh); Chợ Đường Cái (Hưng Yên); Sóc Sơn (Hà Nội); Lương Sơn (Hòa Bình)… đã lần lượt bị “ lính ông Tiến” triệt phá, hàng trăm đối tượng bị bắt gọn với các tang chứng, vật chứng rõ ràng…

Trong những năm gần đây, tên tuổi của vị Tư lệnh Cảnh sát hình sự này thực sự nổi lên ở các vụ thảm án, gây sự chú ý đặc biệt của dư luận. Cứ thấy vụ thảm án nào xảy ra, người dân lại mong ngóng vị tướng này xuất hiện.

Thậm chí ở vụ giết 4 người tại bản Phồng, xã Tam Hợp (Tương Dương, Nghệ An), khi anh Tiến chưa kịp về Nghệ An (tuy đã có một tổ công tác của Cục Cảnh sát hình sự lúc nào cũng thường trực tại hiện trường), đã có một cô gái gửi tâm thư đến Thiếu tướng với nguyện vọng tha thiết mong anh về điều tra vụ án nghiêm trọng quê cô. Không phải ngẫu nhiên người dân mong anh về!

Trong những vụ án nghiêm trọng, hễ anh có mặt, là sau đó hầu hết các vụ án đều được khám phá. Dù việc phá án là trí tuệ của cả một tập thể, nhưng ở đó vẫn thấy có những dấu ấn của Hồ Sỹ Tiến!

Không nhiều người chỉ huy, đặc biệt ở vị trí Cục trưởng như Thiếu tướng Hồ Sỹ Tiến lại hầu như vụ án nghiêm trọng nào cũng có mặt ở hiện trường. Bản tính anh xuề xòa, đôi khi chỉ kịp vớ cái quần cộc để sẵn ở cơ quan mang theo là lên đường.

Thế mới có câu chuyện, khi điều tra vụ án Lê Văn Luyện sát hại cả gia đình chủ tiệm vàng ở Bắc Giang, mấy ngày trời từ Bắc Giang lên vùng biên giới Lạng Sơn truy lùng tung tích đối tượng Lê Văn Luyện, anh Tiến chỉ độc bộ quần áo trên người, nặng mùi mồ hôi trong cái nắng vẫn còn gay gắt cuối tháng 8.

Khi điều tra vụ thảm sát 4 người trong một gia đình ở bản Phồng, Tương Dương, Nghệ An cũng thế, anh cũng chỉ cái áo phông, quần cộc lội suối, trèo đèo… vào tận hiện trường như cánh lính trẻ. Nóng quá, bị ruồi vàng tấn công, mấy thầy trò đành cất gọn quần áo trên bờ để nhảy xuống suối tắm cho các vết đốt đỡ sưng tấy…

“Muốn khám phá được các vụ án, đặc biệt là các vụ trọng án thì nhất thiết người chỉ huy phải có mặt ở hiện trường để biết và cảm nhận từng chi tiết nhỏ nhất từ hiện trường.

Từ đó, chúng ta mới có những nhận định đúng về tính chất vụ án, về đối tượng và hướng điều tra” -Thiếu tướng Hồ Sỹ Tiến cho biết.

Chính vì điều này mà tướng Tiến đã luôn có mặt ở hiện trường các vụ án, kể cả những nơi vất vả trong việc lội suối băng rừng như bản Phồng. Từ hiện trường của vụ Bình Phước, Thiếu tướng Hồ Sỹ Tiến nhận định chắc chắn kẻ gây án là người quen và phải có “nội gián” mở cửa cho đối tượng.

Từ đó, cùng với các nhận định và chứng cứ thu thập khác, Ban chuyên án đã phát hiện ra đối tượng gây án là Nguyễn Hải Dương và “nội gián” bị Dương mua chuộc mở cửa và sau đó cũng bị hắn sát hại là em Vỹ.

Khi đi qua cây chanh rất sai quả tại hiện trường nơi cả nhà nạn nhân Lô Văn Thọ ở bản Phồng bị sát hại (trong khi các cây chanh khác trong khu vực không hề có quả), anh Tiến cũng ghi nhớ rất kỹ, sau đó đã liên tưởng đến lời kể của một số nhân chứng rằng khi đang ăn liên hoan tên Vi Văn Hai bỏ đi khoảng một tiếng rồi quay lại với mấy quả chanh tươi và quần áo ướt sũng.

Đó là điểm mấu chốt giúp tướng Tiến và tổ công tác nhận định đối tượng, từ đó củng cố chứng cứ để đấu tranh và bắt giữ hắn…

Phát hiện ra đối tượng, nhưng quá trình bắt giữ chúng cũng là một nghệ thuật. Mà tướng Tiến và các cán bộ của mình là những diễn viên chính, họ rất linh hoạt và sáng tạo trong các phương án bắt giữ đối tượng. Anh Tiến vẫn thường nói với các trinh sát, bắt tội phạm phải bằng cái đầu chứ không phải bằng đôi tay.

Từ việc phát hiện ra tin nhắn nhờ mua thuốc ngủ tử tự của tên Doãn Trung Dũng, thủ phạm vụ sát hại 4 bà cháu ở Quảng Ninh với người quen, các anh đã “dàn dựng” và bắt giữ thành công đối tượng tại một quán cà phê ở gần cầu Bính (Hải Phòng)…

Sau này, khi ra trước tòa, tên sát nhân máu lạnh đã cảm ơn “chú Tiến” vì chú đã bắt sớm nếu không hắn đã tử tự chết!

Thiếu tướng Hồ Sỹ Tiến có người cha hy sinh ở khu vực biên giới Việt-Lào khi đang làm nhiệm vụ tiễu phỉ.

Sau này, mộ cha anh được chuyển từ Nghĩa trang Nậm Cắn về Nghĩa trang liệt sỹ Quốc tế Việt-Lào, nhưng là một loạt mộ ông cùng đồng đội nên việc nhận mộ ông chỉ là linh tính, cảm nhận của người con trai.

“Tôi có cảm giác cha tôi luôn ủng hộ cho tôi trong công việc loại trừ cái ác” - anh Tiến chia sẻ.

Khi vào điều tra vụ án tại bản Phồng, đường đi ngang qua Nghĩa trang liệt sỹ Quốc tế Việt- Lào, anh Tiến đã vào thắp hương trên mộ cha.

“Con và đồng đội trên đường điều tra tội phạm gây ra vụ thảm án kinh hoàng ở bản Phồng, mong cha và các Anh hùng liệt sỹ linh thiêng phù hộ cho chúng con khám phá nhanh vụ án, bắt kẻ ác phải đền tội.

Phá được vụ án này, con sẽ đưa anh em về báo công với cha”.

Và 4 ngày sau, với sự phán đoán tình huống cực kỳ sắc sảo và sử dụng các biện pháp nghiệp vụ, Thiếu tướng Hồ Sỹ Tiến đã cùng tổ công tác bắt giữ được đối tượng Vi Văn Hai (tức Mằn) là kẻ gây ra tội ác trong một vụ án tưởng bế tắc nơi thâm sơn cùng cốc.

Trên đường về Hà Nội, thực hiện lời hứa với cha, anh Tiến đưa anh em vào báo công trước mộ ông!

Trong những ngày tháng này, dù không còn nhiều thời gian công tác nhưng Thiếu tướng Hồ Sỹ Tiến vẫn có mặt, không mệt mỏi ở những vụ án trọng điểm.

Lúc anh đang chỉ đạo vụ bắt sới bạc lớn ở tỉnh Đắk Lắk, lúc lại về TP Hồ Chí Minh chỉ đạo vụ bắt cờ bạc dưới hình thức đá gà.

Ngay những ngày tháng 8 này, ngồi tại phòng làm việc với anh, tôi cũng chưa thấy anh rảnh quá 10 phút. Chốc lại có báo cáo án, chốc lại có cán bộ xin ý kiến, xin ký nhận…

Niềm đam mê công việc vẫn tràn trong những câu chuyện phá án, những băn khoăn về tội phạm trong xã hội. Ngoài xã hội vẫn có cái ác, vẫn có tội phạm thì lòng người đàn ông xứ Nghệ ấy vẫn chưa thấy yên. Duyên nghiệp là ở chỗ đó!


Muốn khám phá được các vụ án, đặc biệt là các vụ trọng án thì nhất thiết người chỉ huy trực tiếp phải có mặt ở hiện trường để biết và cảm nhận từng chi tiết nhỏ nhất từ hiện trường.

Từ đó, chúng ta mới có những nhận định đúng về tính chất vụ án, về đối tượng và hướng điều tra”. - Thiếu tướng Hồ Sỹ Tiến

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại