Ngày hôm nay, 14/3/2018, thế giới thêm lần nữa phải chứng kiến sự ra đi của một trong những bộ óc vĩ đại nhất nhân loại, Stephen Hawking đã qua đời tại nhà tại Cambridge. Đây thực sự là một tổn thất nặng nề cho nhiều ngành, trong đó có vật lý lý thuyết, vũ trụ học lý thuyết...
Để hiểu thêm về thiên tài này, chúng ta sẽ cùng đến với một số giai đoạn quan trọng đã hình thành nên thiên tài vật lý ngày nay.
Stephen Hawking - Thiên tài nhưng gặp nhiều trắc trở
Stephen Hawking sinh ngày 8/1/1942, đúng 300 năm ngày mất của nhà bác học vĩ đại Galileo Galile. Cha mẹ ông đều là những sinh viên nghèo nhưng họ đã cố hết sức để có thể theo học tại trường đại học danh giá Oxford. Không cần giải thích quá nhiều cũng có thể hiểu, ông được sinh ra trong một môi trường coi trọng việc học đến như thế nào.
Stephen Hawking lúc bé (bên trái). Ảnh minh họa
Khi theo học tại trường St Albans vào lúc 8 tuổi, Stephen lại nằm trong nhóm ba học sinh kém nhất lớp. Stephen Hawking thường xuyên mài rũa trong những trò chơi trí tuệ. Đến năm 1958, ông cùng nhóm bạn thân đã chế tạo thành công máy tính dựa trên linh kiện từ đồng hồ, điện thoại cũ...
Không có thành tích học quá xuất sắc nhưng Stephen lại tỏ ra đặc biệt nổi trội trong lĩnh vực khoa học. Khi mới 17 tuổi, ông đã là sinh viên của trường Oxford. Sau những tháng năm cố gắng, ông đạt giải nhất trong 1 bài thi phân hạng và theo đuổi chương trình tiến sĩ tại Cambridge - đại học hàng đầu nước Anh.
Tuy nhiên, đúng lúc này, cuộc sống lại trở nên đen tối khi Stephen Hawking bị chẩn đoán mắc bệnh xơ cứng teo cơ và chỉ có thể sống thêm 2 năm.
Stephen Hawking tham gia đội chèo thuyền của trường Oxford năm 19 tuổi. (đội mũ)
Đối với bất cứ ai, nhất là một anh chàng trẻ tuổi đang tràn đầy tham vọng, đây là một cú sốc lớn và nó khiến Stephen suy sụp hoàn toàn. Ông phải vật lộn với căn bệnh quái ác, cũng chính nó khiến ông hoàng vật lý tương lai trở nên gầy gò, chỉ còn da bọc xương, toàn thân tê liệt ngoại trừ hai ngón của bàn tay trái.
Hơn thế nữa, với dây thanh quản bị cắt mất, ông chỉ có thể giao tiếp thông qua chiếc máy tổng hợp giọng nói. Quả thật, những triệu chứng trên có thể đánh sập vĩnh viễn một người trưởng thành, khiến họ chìm trong u uất, suy sụp.
Nhưng đó không phải Stephen Hawking
Dần dần, Stephen lấy lại nghị lực sống, tiếp tục đắm mình trong đam mê khoa học. Ông tiến hành nghiên cứu vật lý học lý thuyết rồi trở thành "anh hùng" khi trả lời được các câu hỏi: Vũ trụ có từ đâu, Con người từ đâu tới hay những phạm trù cao siêu về không-thời gian, lỗ đen...
Năm 1966, ông đoạt giải Adams cho bài luận về "Những điểm kỳ dị và Hình học thời gian-Không gian".
Stephen chuyển đến Viện Thiên văn học (1968), sau đó chuyển về DAMTP (1973), làm trợ lý nghiên cứu và xuất bản cuốn sách đầu tiên của mình cùng George Ellis về Cấu trúc Quy mô lớn của Không thời gian.
Căn bệnh quái ác khiến ông hoàng vật lý phải gắn liền với xe đẩy.
Trong những năm tiếp theo, Stephen được bầu làm Uỷ viên Hội Hoàng gia (1974) và Học giả nổi tiếng Sherman Fairchild tại Học viện Công nghệ California (1974). Ông trở thành giảng viên về vật lý hấp dẫn tại DAMTP (1975), rồi tới Giáo sư Vật lý Hơi (1977). Sau đó ông giữ vị trí Giáo sư Toán học Lucasian (1979-2009).
Stephen Hawking đã nghiên cứu về các luật cơ bản điều khiển vũ trụ. Cùng với Roger Penrose, ông đã chỉ ra rằng thuyết tương đối tổng quát của Einstein bao gồm không gian và thời gian sẽ có một khởi đầu trong Big Bang và chấm dứt tại lỗ đen (1970).
Những kết quả này chỉ ra rằng cần phải thống nhất thuyết tương đối rộng với lý thuyết lượng tử, một trong những sự phát triển khoa học vĩ đại nửa đầu thế kỷ 20.
Sau hàng loạt các công trình khoa học cùng vô số chức danh cao quý, sức khỏe của Stephen chuyển nặng vào năm 2009. Ông được dự đoán là rất yếu và có thể ra đi bất cứ lúc nào.
Ông có rất nhiều đóng góp cho nền khoa học vũ trụ thế giới.
Nhưng rồi, một lần nữa, Stephen Hawking lại chứng tỏ là những điều kỳ diệu có thật. Ông chống trọi quyết liệt với căn bệnh nan y và dần dần hồi phục. Bởi phần lớn những người mắc căn bệnh xơ cứng teo cơ này hiếm ai sống thêm được 20 năm (Stephen mắc bệnh năm 1963, tính đến 2009 đã 46 năm).
Sau khoảng thời gian này, ông vẫn tiếp tục có nhiều cống hiến, nhiều các phát biểu đóng góp có giá trị cho nền khoa học thế giới.
Nhưng rồi ngày định mệnh đó cũng tới, 14/3/2018, gia đình của Stephen Hawking chính thức xác nhận thiên tài vật lý, người có những đóng góp quan trọng hàng đầu cho vật lý học, vật lý vũ trụ đã qua đời ở tuổi 76.
Tuy mất đi ở tuổi 76 nhưng đó có thể coi là chiến thắng vang dội của nhà vật lý tài ba. Stephen Hawking đã kiên cường chiến đấu và chiến thắng căn bệnh hiểm nghèo quái ác trong suốt 55 năm (hiếm ai mắc xơ cứng teo cơ mà có thể sống quá 20 năm). Không những thế, trong suốt thời gian đó, Stephen vẫn làm việc, đóng góp những giá trị khổng lồ cho thế giới.
Tham khảo nhiều nguồn