Làm một động tác tìm kiếm đơn giản trên Youtube có thể thấy: Một video nhiều người xem nhất về Raul lên tới 2,2 triệu, Figo tới 1,1 triệu và là clip ném đầu lợn kinh điển. Còn Guti? 2 clip nhiều người xem nhất về cựu tiền vệ này đều xấp xỉ 5 triệu lượt xem.
Đơn giản, so với Raul hay Figo, những pha xử lý của Guti bắt mắt hơn nhiều lần. Raul đa số dứt điểm một chạm, Figo đảo đảo chân, lắc người rồi tạt. Guti thì đủ kiểu phô diễn, chọc khe, sục bóng, qua người và nhất là giật gót. Thật quá ư bắt mắt.
Thế là nhờ Youtube, Guti đi vào huyền sử túc cầu, y hệt câu chuyện Quan Vũ trong Tam Quốc Chí uy vũ vừa đủ nhưng sang Tam Quốc Diễn Nghĩa lại qua 5 ải chém 6 tướng. Nói chung, công nghệ đằng trời phải mắt thấy tai nghe mới cảm nhận hết.
Thế nên qua những video tổng hợp thì chỉ cưỡi ngựa xem hoa còn nhìn thông số rồi đánh giá một tài năng lại càng thiên lệch. Trở lại với Guti, đồng ý rằng thi thoảng chàng tiền vệ này có vài pha xử lý xuất thần nhưng về cơ bản, Guti thiếu quá nhiều thứ để trở thành ngôi sao.
Video tổng hợp với gần 5 triệu lượt xem của Guti trên Youtube
Thứ nhất là thể chất. Tốc độ, sức rướn, khả năng va đập đều ở mức trung bình. Thứ hai là tâm lý. Đã dễ nổi nóng lại thiếu bản lĩnh. Không ít lần Guti sửng cồ với đối thủ lẫn đồng đội nhưng hiếm khi tỏa sáng trong các trận cầu đinh.
Thế nên cả sự nghiệp Guti chỉ 13 lần được triệu tập vào ĐT Tây Ban Nha và mài đũng quần trên băng ghế dự bị Real hơn 10 năm mới có suất đá chính, sau khi Zidane giải nghệ vào năm 2006. Thế nên chính Chủ tịch Florentino Perez từng so sánh: "Cùng độ tuổi mà Raul đã có mọi thứ còn Guti thì chẳng có gì".
Mesut Ozil có thể xem là truyền nhân của Guti. Cả hai đều thuận chân trái, cũng trông khéo léo, xử lý điệu đà, cũng chuyền những đường chuyền mãn nhãn đậm chất mỹ học. Ozil thậm chí khéo tới nỗi nhả kẹo cao su ra rồi lại tâng vào miệng như bỡn. Nhưng xét về sự hiệu quả, Ozil không xứng đáng ngồi mâm đẳng cấp thế giới như truyền thông xưng tụng.
Đơn giản, Ozil chỉ gây ấn tượng ở những trận đấu dễ thở. Đơn cử gặp các đội dưới cơ hay những trận đấu đầy rẫy lỗi lầm. Những trận đấu như vậy Ozil mới có nhiều không gian và thời gian để phô diễn. Nhưng dạng trận đấu này ở bóng đá đỉnh cao rất ít, Premier League lại càng ít.
Tại nơi mà tốc độ và sự đồng bộ các vị trí được đề cao như vậy, Ozil hoàn toàn lạc nhịp. Tiền vệ này chỉ bùng nổ khi được đồng đội hỗ trợ còn không thể trở thành mắt xích trọng yếu của dây chuyền như De Bruyne. Vì vậy, khi đụng những trận căng như dây đàn, thường Ozil là người đứt đầu tiên.
Có giai đoạn, giới quan sát con số Ozil di chuyển cực nhiều chứ không hề lười di chuyển như cảm giác của nhiều người. Vậy con số đúng hay cảm giác đúng? Nó cũng giống như chuyện thế nào là chạy nhanh. Chạy nhanh trong bóng đá không phải đo vận tốc lúc cực đại mà quan trọng là sự nhạy cảm. Chuẩn bị tốt, xuất phát trước là ăn đứt đối phương, Cruyff từng phân tích như vậy.
Ở trận hòa 5-5 của Liverpool và Arsenal, một dạng trận đấu đầy rẫy lỗi lầm, chẳng có gì bất ngờ khi Ozil tỏa sáng. Đó là 90 phút của vô khối kẽ hở mà đôi bên để lộ, chỉ cần một pha xử lý thay vì tổ chức phối hợp đồng bộ và lớp lang cũng đủ tạo đột biến.
Tại một trận đấu khác, khi sự toan tính được đặt nặng, Ozil sẽ lại bị bóp nghẹt vì lạc lõng. Đó là cái chết của Ozil, một tài năng được đề cao quá mức chứ chẳng phải cái chết của số 10 như nhiều người vẫn kêu ca than khóc.
Tất nhiên, có thể 10 năm sau, Ozil lại đi vào huyền sử túc cầu nhờ Youtube, với các clip tổng hợp những cú chọc khe hay giật gót trác tuyệt như đã thực hiện ở trận đấu với Liverpool. Nhưng Ozil thiên tài ư, chẳng có đâu bao giờ!
Dễ hiểu, thiên tài phải là cái then cài của hệ thống chiến thuật chứ không phải chỉ vài cú phất bóng linh tinh. Muốn vậy, ngoài tài năng, ý chí, nỗ lực còn cần cả sự am tường về trận đấu, chiến thuật và con người. Những phẩm chất ấy, Ozil hoàn toàn thiếu.