Mới mở một nhà hàng nhỏ chuyên đồ Thái được vài tháng, H. - một người bạn của tôi, đăng tin tuyển dụng mỗi ngày trên Facebook. Ai không biết tưởng nhà hàng cỡ vài chục nhân viên hay mở thêm chi nhánh, tuyển dụng liên tục. Tôi hỏi sao tuyển nhiều thế, H. than thở:
“Nhân viên nhảy việc nhiều nên cứ phải tuyển đi tuyển lại, training đi training lại. Nhảy việc mà báo trước cũng không sao để mình túc tắc tuyển người mới, nhiều em 19, 20 tuổi làm được vài tuần rồi nghỉ luôn, cũng không thấy báo gì, sáng ra nhận tin nhắn xin nghỉ luôn mà đừ người, cả ngày quay như chong chóng.”
Trong tháng 12/2022, LinkedIn và CensusWide tiến hành một khảo sát với hơn 2.000 nhân sự Mỹ về thay đổi định hướng nghề nghiệp trong năm mới. Kết quả khảo sát thu được cho thấy khoảng 72% nhân sự trong nhóm gen Z và 66% nhân sự trong nhóm Millennials có kế hoạch thay đổi việc trong vòng 12 tháng tới, so với con số 55% của gen Z và 30% của thế hệ Baby Boomers.
Tuy số lượng người tham gia khảo sát không quá lớn nhưng tỷ lệ trên tương thích với kết quả của nhiều nghiên cứu khác trong ngành tuyển dụng khi chỉ ra thế hệ Z và Millennials có xu hướng thay đổi công việc nhiều trong thời gian tới. Đây không phải một kết quả mới mẻ khi câu chuyện “Đại nghỉ việc" tại Mỹ lan đến toàn thế giới đã được nhắc tới nhiều từ sau khi dịch bệnh lắng xuống.
Nhân viên nghỉ việc không phải vấn đề lớn khi các doanh nghiệp luôn có những kế hoạch tuyển dụng phù hợp để lấp đầy các chỗ trống nhanh chóng. Vấn đề khiến nhiều người phải suy nghĩ nằm ở thái độ khi nghỉ việc của không ít nhân viên, đa phần trong các câu chuyện được chia sẻ rơi vào thế hệ Z. Không thể nhìn nhận việc nghỉ việc vô kỷ luật của nhiều người trẻ là đặc điểm chung của thế hệ nhưng có thể thấy, tư tưởng này đang được “bình thường hoá" trên mạng xã hội với đông đảo người trẻ hưởng ứng.
Chỉ cần lướt qua các nhóm cộng đồng, Fanpage của người trẻ, bạn có thể bắt gặp rất nhiều meme với nội dung như:
“Nín ngay mỏ lại cho chị, mai chị nghỉ"
“Lương có tăng không mà nói nhiều quá vậy?”
“Làm thì làm, không làm thì nghỉ, gì căng?”
Dẫu biết là đùa cợt, nhưng từ khi nào những quan điểm nghỉ việc có phần vô kỷ luật như vậy - nhìn xa hơn là cách hành xử thiếu chuyên nghiệp khi làm, lại được nhiều người trẻ hưởng ứng đến như vậy?
Nếu như ứng tuyển công việc cần có quy trình, nghỉ việc cũng vậy. Khi tôi nghỉ việc ở một công ty cũ, quy trình sẽ luôn bao gồm việc báo trước trong một khoảng thời gian nhất định (tuỳ quy định của công ty theo điều khoản hợp đồng), bàn giao lại công việc cho công ty hoặc cho người kế nhiệm, giải quyết hết các thủ tục giấy tờ cần thiết.
Ngoài ra, tôi còn có một buổi “exit interview" - đơn giản coi đó như một buổi phỏng vấn nghỉ việc khi quản lý sẽ ngồi lại cùng bạn, nhìn xem trong quá trình làm việc có vấn đề gì khúc mắc, chưa hài lòng, quan tâm xem trong thời gian làm việc nhân sự đã đạt được những mục tiêu cá nhân chưa, việc nghỉ việc có phải do công ty hay do cá nhân. Không ít nhân sự giữ mối quan hệ tốt đẹp với công ty cũ sẽ hỗ trợ công ty trong việc tìm kiếm người thay thế mình. Với tôi, đó là một quy trình nghỉ việc “hợp lòng" cả người đi và người ở lại.
Không thể phủ nhận đôi khi mối quan hệ không tốt giữa nhân viên với công ty là lý do khiến nhiều người nhân sự nghỉ việc một cách đột ngột. Tuy nhiên, hãy coi sự chuyên nghiệp trong công việc là một phẩm chất cá nhân, không phải một yếu tố bởi chi phối bởi tác nhân bên ngoài.
Kể cả khi một công ty có những thái độ không tốt, một nhân sự chuyên nghiệp sẽ không hạ thấp bản thân ngang hàng với công ty bằng cách nghỉ việc đột ngột hay có những hành vi bồng bột. Việc nghỉ việc thiếu văn minh cũng sẽ là một điểm trừ trong hồ sơ ứng tuyển của bạn ở những công việc sau khi nhân sự ở các công ty mới hoàn toàn có thể kiểm tra chéo lại với nhân sự ở công ty cũ tìm hiểu lý do bạn nghỉ việc.
Không phải gen Z nào cũng giữ những thái độ như vậy - thế hệ nào cũng có rất nhiều người trẻ cầu thị chăm chỉ và nỗ lực không ngừng, nhưng một vài cá nhân vô tình đẩy cả gen Z vào chung một chiếc “khuôn" với những đặc tính xấu khi đi làm.
Trong khi nhiều công ty vẫn đang được quản lý bởi thế hệ Millennials hay thế hệ X, những định kiến về Gen Z vô tình tạo xung đột giữa thế hệ đi trước và nhân sự thế hệ mới. Không phải công ty nào cũng sẵn sàng thích ứng với lực lượng lao động trẻ - hoặc kể cả đã sẵn sàng cũng chưa chắc muốn chấp nhận thái độ “thích làm là làm, thích nghỉ là nghỉ".
Tại sao những tư tưởng như vậy lại nở rộ trong thế giới quan công việc của nhiều người trẻ? Người trẻ trong xã hội hiện đại cũng chịu ảnh hưởng nhiều bởi những công việc kiếm tiền nhanh. Điều này vốn khá xa lạ với những thế hệ đi trước.
Khi không chịu được áp lực trong môi trường công sở, nhiều người sẵn sàng lựa chọn nghỉ việc luôn với niềm tin rằng, việc kiềm tiền trong thời đại Internet này dễ dàng hơn bao giờ hết: Ai cũng có thể trở thành các Tiktoker review quảng cáo thu nhập hàng chục triệu dễ dàng, ai cũng trở thành Youtube vlogger, các khái niệm tiền số tiền ảo ra đời với những công việc trong mơ kiếm tiền đơn giản….
Theo một báo cáo của Microsoft tiến hành vào tháng 09/2022 khảo sát hơn 20.000 người tại 11 quốc gia, tỷ lệ người trẻ không muốn đi làm thuê, tự làm chủ cao hơn so với thế hệ đi trước với 76% gen Z và Millennials muốn “khởi nghiệp" trong khi con số đó ở thế hệ X hay Baby Boomer chỉ đạt 63%.
Những con số trong mơ từ công việc dạng “việc nhẹ, lương cao" không phải không tồn tại nhưng đó chỉ là một phần rất nhỏ trong đại bộ phận người lao động Gen Z. Với phần lớn người trẻ, khi đã quyết định “nói nhiều thế, mai tôi nghỉ”, họ sẽ phải tiếp tục bươn chải để tìm một công việc khác và tiếp tục bất mãn khi nhận ra môi trường công việc không phải lúc nào cũng như mơ.
Đừng vin vào những chiếc meme “tư bản bóc lột' hay “không làm nô lệ cho tư bản" để biện hộ cho những cư xử kém trong môi trường công việc. Trước khi quan tâm xem tư bản đã bóc lột chúng ta chưa hay thực sự hiểu tư bản đang vận hành như nào, hãy hỏi bản thân xem nếu không có công việc này, chúng ta có lựa chọn nào khác không? Có phải phụ thuộc vào gia đình không? Chúng ta có để tư bản chi phối đạo đức cá nhân không khi nghỉ việc một cách vô tổ chức? Việc bạn nghỉ việc như vậy có khiến cho những bất mãn với thế giới “tư bản" thay đổi gì không?
Trong một thế giới tư bản như nước Mỹ, khi không hài lòng với công việc và mức lương thưởng, giới biên kịch và nhiều nhân sự trong ngành điện ảnh Mỹ quyết định nghỉ việc, biểu tình sau hàng tháng, hàng năm ròng thương thảo không thu lại kết quả.
Đó cũng không phải hành vi vô tổ chức khi đồng loạt hàng chục nghìn người cùng nghỉ việc, nỗ lực vì những đãi ngộ tốt hơn trong công việc, thay đổi vấn đề “bóc lột" của tư bản - như cách không ít bạn trẻ vẫn dùng để bao biện cho việc nghỉ việc vô tổ chức của bản thân. Với tôi, đó mới là một trong nhiều cách thiết thực nếu bạn thực sự muốn đả phá quan điểm tư bản bóc lột hay thay đổi tương lai nghề nghiệp, chứ không phải tiếp tục nằm dề ở nhà, lướt Tiktok học cách làm giàu nhanh chóng và bỉ bôi những người đang làm “nô lệ tư bản".
Chúng ta hoàn toàn ủng hộ việc người trẻ tìm cơ hội mới tốt hơn cho bản thân nhưng việc giữ những tư tưởng “thích làm thì làm, thích nghỉ thì nghỉ" sẽ ảnh hưởng nhiều hơn tới con đường sự nghiệp và tính cách của chính những người trẻ khi vẫn đang chập chững bước vào thế giới việc làm.
Giống như người ta vẫn nói tình yêu trưởng thành là khi chia tay vẫn có thể làm bạn với người yêu cũ, hay ta chỉ biết tường tận chân dung một con người sau khi họ chia tay - người trưởng thành nghỉ việc một cách chuyên nghiệp và để công ty hay quản lý tôn trọng quyết định của mình. Nghỉ việc một cách vô tổ chức không khiến bạn trở nên “cool ngầu" hơn hay những vấn đề của thế giới tư bản sẽ được khắc phục.