Vào ngày 30/5/2006, thị xã Sơn Tây được công nhận là đô thị loại 3. Sau đó, vào ngày 2/8/2007, Chính phủ ban hành quyết định thành lập thành lập thành phố Sơn Tây trực thuộc tỉnh Hà Tây. Tuy nhiên, sau gần 2 năm được "thăng cấp", ngày 8/5/2009, Sơn Tây lại trở thành thị xã trực thuộc Hà Nội sau khi Hà Tây được nhập về thủ đô. Gần đây, Sơn Tây lại được đề xuất tái lập thành phố.
Sơn Tây có hệ thống giao thông thuận lợi, các tuyến quốc lộ đi ngang qua (Quốc lộ 21, Quốc lộ 32). Đây là lợi thế để thị xã đẩy mạnh giao thương, kết nối các điểm du lịch, phát triển kinh tế, cơ sở hạ tầng.
Trung tâm hành chính của thị xã nằm tại các tuyến phố trung tâm như Trưng Vương, Lê Lợi, Phó Đức Chính. Trong ảnh là trụ sở Ủy ban nhân dân thị xã Sơn Tây nằm tại số 1 phố Phó Đức Chính.
Cơ cấu kinh tế Sơn Tây tiếp tục chuyển biến theo hướng tích cực, cụ thể, công nghiệp - xây dựng chiếm 42,5%, dịch vụ chiếm 47,1%. Trong ảnh là dự án nhà máy điện rác Seraphin của Công ty CP Công nghệ Môi trường Xanh Seraphin thuộc tập đoàn AMACAO đang thi công tại xã Xuân Sơn. Nhà máy được đầu tư xây dựng nhằm mục tiêu biến hàng nghìn tấn rác mỗi ngày trở thành điện năng, tạo nguồn năng lượng xanh, giảm thiểu các vấn đề môi trường.
Sơn Tây hiện có hơn 900 doanh nghiệp, hợp tác xã hoạt động sản xuất, kinh doanh trong các lĩnh vực công nghiệp - xây dựng, thương mại - dịch vụ. Trong đó có nhiều doanh nghiệp hoạt động lâu năm và ngày càng phát triển.
Sơn Tây cũng là địa bàn tập trung nhiều cơ quan, doanh nghiệp, bệnh viện (bệnh viện Quân y 105, bệnh viện Đa khoa Sơn Tây…), các đơn vị quân đội. Trong ảnh là bệnh viện Quân y 105 tại địa chỉ số 2 phố Chùa Thông.
Thị xã Sơn Tây là nơi tập trung nhiều cơ sở đào tạo từ trung cấp đến cao đẳng, đại học (Đại học Ngân hàng, Đại học Lao động - Xã hội, . Đặc biệt, nơi đây có rất nhiều trường quân sự như Học viện Biên phòng, Học viện Phòng không không quân, Trường Sĩ quan Pháo binh, Trường Sĩ quan Phòng hóa, ĐH Trần Quốc Tuấn... ) nên Sơn Tây được mệnh danh "Thủ đô của lính". Trong ảnh là Học viện biên phòng thuộc phường Sơn Lộc.
Trong quá trình phát triển cơ sở hạ tầng, Sơn Tây thu hút nhiều nhà đầu tư, doanh nghiệp triển khai nhiều dự án. Kết quả, nhiều khu đô thị cao cấp được hình thành tại Sơn Tây, có thể kể đến Khu đô thị HUD - Sơn Tây (giữa 3 phường Trung Hưng, Quang Trung và Sơn Lộc) rộng 23 ha, khu đô thị Thiên (xã Cổ Đông) rộng 12 ha. Theo Quy hoạch chung Thủ đô đến năm 2030 và tầm nhìn 2050, thị xã Sơn Tây đã được định hướng là 1 trong 5 đô thị vệ tinh của Thủ đô (cùng Xuân Mai, Hoà Lạc, Sóc Sơn, Phú Xuyên).
Sơn Tây nổi tiếng là địa danh có nhiều di tích lịch sử, văn hóa. Trong ảnh là thành cổ Sơn Tây, công trình kiến trúc quân sự cổ được xây dựng từ năm 1822 (triều vua Minh Mạng) và được công nhận là di tích quốc gia vào năm 1984.
Nhằm kích cầu du lịch Sơn Tây - xứ Đoài, tuyến phố đi bộ Sơn Tây được khai trương vào ngày 30/4. Đây là tuyến phố đi bộ đầu tiên của thị xã và tuyến đi bộ thứ 4 của Hà Nội. Tuyến phố đi bộ quanh Thành cổ Sơn Tây nhanh chóng thu hút 25 vạn khách du lịch sau 4 tháng hoạt động. Tại khu vực trung tâm thị xã, nhà thi đấu thể thao, nhà thiếu nhi với không gian rộng cũng đáp ứng nhu cầu sinh hoạt ngoài trời, giải trí của người dân và khách du lịch.
Làng cổ Đường Lâm cách trung tâm thị xã khoảng 4 km, được gọi "đất hai vua" vì là làng, xã duy nhất của cả nước sinh ra hai vị vua - Phùng Hưng và Ngô Quyền.
Ngày nay, đến với làng cổ Đường Lâm, du khách được đắm chìm trong không gian văn hóa làng quê Bắc Bộ với cây đa, giếng nước, sân đình. Người dân làng cổ Đường Lâm vẫn gìn giữ văn hóa truyền thống, nổi tiếng trong số đó là nghề làm tương, chè lam, bánh tẻ hấp dẫn du khách. Đây là lợi thế để làng cổ Đường Lâm trở thành điểm du lịch cộng đồng, du lịch làng nghề đặc sắc gần thủ đô Hà Nội.
Bản đồ thị xã Sơn Tây gồm 15 đơn vị hành chính cấp xã trực thuộc, bao gồm 9 phường: Lê Lợi, Ngô Quyền, Phú Thịnh, Quang Trung, Sơn Lộc, Trung Hưng, Trung Sơn Trầm, Viên Sơn, Xuân Khanh và 6 xã: Cổ Đông, Đường Lâm, Kim Sơn, Sơn Đông, Thanh Mỹ, Xuân Sơn.