Giá bán hầu hết mẫu xe của toàn bộ các hãng xe đang kinh doanh trên thị trường Việt Nam cứ thế giảm trong suốt 10 tháng qua và chắc chắn đà giảm này còn chưa dừng lại. Thủ phạm bị vạch mặt chỉ tên trong câu chuyện nói trên là việc thuế nhập khẩu nội khối Asean đối với xe nguyên chiếc giảm về 0% vào năm 2018.
Câu hỏi đặt ra là, chỉ hơn một tháng nữa là đến năm 2018, rồi thì các hãng xe ở Việt Nam có giảm giá nữa hay là lấy đà tăng lại? Chẳng nói thì ai cũng hiểu, kinh doanh mà đãi khách hàng như Tào Tháo đãi Quan Công, năm ngày một tiệc lớn ba ngày một tiệc nhỏ, thì chỉ có nước "ra đê mà ở".
Giảm giá thì vui đấy, nhưng...
Kịch bản của các hãng xe rất đơn giản. Cầu cao hơn cung, nên giảm giá là bán chạy. Đợt giảm đầu tiên trong năm đúng như kịch bản, doanh số các hãng tăng ào ào. Thế nhưng khôn hơn hãng xe tưởng, khách hàng sau đó quyết định "ngồi im xem sao" khiến các hãng sốt ruột giảm tiếp.
Sau vài lần hãng giảm giá và khách hàng "bắt đáy" trượt, tháng 10 vừa rồi thị trường xe trong nước chững hẳn lại do nhiều khách hàng quyết định chờ hẳn sang năm mới rồi tính. Tới tháng 11, cơn bão giảm giá xe hơi lại được thổi bùng, mạnh chưa từng thấy, đặc biệt căng thẳng trên dòng SUV, crossover vốn là những chủng loại đang được ưa chuộng.
Audi là cú nổ đầu tiên trong cơn bão giảm giá xe ở Việt Nam
Cũng là thời điểm đã gần cuối năm, vả lại một số mẫu xe ưa thích được giảm giá mạnh nên thị trường xe trong nước ấm trở lại đôi chút. Hãng xe và đại lý rõ ràng hỉ hả vì giải quyết được không ít hàng tồn.
Khách mua được xe thì vui, còn khách quyết "mai phục" chờ năm 2018 thì vững tin với kịch bản rằng đến lúc thuế nhập khẩu về 0%, xe các nước lũ lượt nhập về Việt Nam thì giá còn giảm sâu như thả câu ở sông Hồng ấy chứ. Giá mà đời tươi đẹp đến thế!
...còn một thủ phạm khác
Phát biểu tại Nhật Bản nhân chuyến công du Đông Á vừa qua, Tổng thống Mỹ Donald Trump từng thể hiện sự ấm ức khi chỉ ra thực tế có sự không công bằng khi xe Nhật bán đầy ở Mỹ trong khi không thấy bóng dáng xe Mỹ ở Nhật. Ông đổ lỗi cho người Nhật rằng họ đã dựng các rào cản thương mại và chính sách bảo hộ quá mạnh, quá chắc chắn, quá dày đặc để ngăn xe Mỹ vào Nhật.
Thực tế đúng là xe Mỹ rất khó bán tại Nhật. Các thương hiệu xe hơi Nhật Bản chiếm tới 90% thị phần tại quốc gia mặt trời mọc và xây dựng được mối quan hệ cực kỳ mật thiết giữa khách hàng - đại lý. Ford đã rút khỏi thị trường Nhật Bản bởi chỉ bán được 5.000 chiếc mỗi năm tại thị trường xe hơi lớn thứ ba thế giới này. General Motors còn tệ hơn thế, với 28 đại lý ở Nhật và bán được chưa tới 1.000 xe vào năm 2016, một con số có lẽ khiến Chevrolet Việt Nam phải cười tủm tỉm.
Những rào cản hữu hình hay vô hình ở Nhật khiến công nghiệp xe hơi Nhật Bản có chỗ đứng vững chắc ngay tại nhà mình, đồng thời khách hàng Nhật cũng chẳng thiếu cơ hội chọn lựa. Câu trả lời quá rõ ràng: họ đã chọn xe Nhật thay vì xe Mỹ.
Trong khi đó bức tranh thị trường xe hơi ở Việt Nam khác hẳn. Một mặt thị trường Việt Nam mở cửa đón tất tật, từ xe sang đến xe giá bèo, bất kể thương hiệu. Mặt khác, hàng rào thuế, phí ở Việt Nam luôn trong top cao và khá dày đặc nhất khu vực.
Lý do là chúng ta chưa có công nghiệp sản xuất xe hơi, hàng rào thuế dựng lên không chỉ đem lại nguồn thu mà sâu xa hơn, còn có tác dụng hạn chế việc sở hữu xe hơi. Với tốc độ phát triển hạ tầng giao thông chỉ tính ở các thành phố lớn trong hai thập kỷ qua, giả sử không có các sắc thuế khiến việc tiếp cận xe hơi của người dân khó khăn hơn thì có lẽ giờ đây, bước chân ra khỏi cơ quan vào giờ tan tầm thì về đến nhà có lẽ cũng đúng lúc ăn sáng.
Trong các phương thức định giá bán phổ biến, có một phương thức định giá mang tên gọi nôm na là "giá mà thị trường chịu được" (What The Market Will Bear Price). Nguyên tắc thiết lập dựa trên mức giá tối đa mà thị trường sẽ trả cho sản phẩm. Loại giá này thường được sử dụng ở những thị trường có ít hoặc không có sự cạnh tranh, với lớp người mua còn ít nhạy cảm về sự thay đổi giá. Trên thực tế, các hãng xe ở Việt Nam ít nhiều đều áp dụng kiểu định giá này, cộng thêm với các sắc thuế khiến giá xe hơi cao chót vót.
Cơ chế định giá này cùng với các biện pháp tài chính chắc chắn sẽ song hành tiếp với thị trường xe hơi Việt Nam vào năm 2018, vẽ lại cả tương lai tưởng như tích cực mà "thuế nhập khẩu về 0%" từng vẽ ra.
"Thủ phạm" này sẽ một lần nữa kìm hãm đà giảm giá, thậm chí đẩy giá xe tăng trở lại. Dĩ nhiên các hãng chẳng mặt mũi nào mà vẫn xe ấy hậu giảm giá lại tăng giá. Họ còn có nhiều cách phong phú hơn thế. Ví như tung ra các mẫu xe nâng cấp nhẹ (xe facelift) hoặc thêm thắt một số tùy chọn (option) – là yếu tố vốn bị các hãng coi nhẹ ở một thị trường xe hơi còn chưa có quyền lựa chọn nhiều như Việt Nam.