Giá xe khó giảm
Thống kê mới nhất từ Tổng cục Hải quan cho biết, năm 2017, cả nước nhập khẩu 97.213 ô tô nguyên chiếc các loại, tổng giá trị kim ngạch đạt gần 2,2 tỷ USD, giảm 13,6% về lượng và giảm 6,1% về trị giá so với năm 2016.
Do tác động của các chính sách thuế nhập khẩu và cuộc đua giảm giá của các nhà sản xuất, lắp ráp trong nước, lượng ô tô con (xe dưới 9 chỗ ngồi) giảm mạnh. Theo thống kê, cả năm, chỉ có 38.832 xe được nhập khẩu về Việt Nam, trị giá kim ngạch đạt gần 718 triệu USD.
Như vậy, so với năm 2016, số lượng ôtô dưới 9 chỗ ngồi giảm tới 9.916 xe, tuy nhiên trị giá kim ngạch lại tăng thêm khoảng 30 triệu USD. Tính bình quân năm 2017, một xe ôtô dưới 9 chỗ ngồi có giá gần 18.500 USD/xe (chưa tính các khoản thuế), trong khi năm 2016 mức giá bình quân chỉ trên 14.100 USD/xe.
Câu hỏi đặt ra là sang năm 2018 giá xe ô tô sẽ đi theo chiều hướng nào với hàng loạt chính sách cũng như quy định được đưa ra đối với xe ôtô. Không chỉ là thuế nhập khẩu ô tô từ ASEAN về 0% (với tỷ lệ nội địa hóa sản phẩm trong khối từ 40% trở lên)?
Bên cạnh đó, Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt có hiệu lực kể từ ngày 1/1/2018 cũng có nhiều điểm mới tác động đến thị trường ô tô. Theo đó, sắc thuế này sẽ giảm đối với các dòng xe cỡ nhỏ và tăng với các dòng xe có dung tích lớn hơn. Cụ thể, các dòng xe sử dụng động cơ có dung tích xy-lanh trên 2.5-3L sẽ áp dụng thuế suất 60%, so với mức hiện hành là 55%. Như vậy những dòng xe hạng sang sẽ tăng có khi cả trăm triệu đồng mỗi chiếc.
Ở chiều ngược lại, các mẫu xe du lịch từ 9 chỗ trở xuống sử dụng động cơ có dung tích xy-lanh từ 2.0L trở xuống sẽ được giảm thuế tiêu thụ đặc biệt.
Chẳng hạn, các loại ô tô sử dụng động cơ có dung tích xy-lanh từ 1.5L trở xuống áp dụng mức thuế tiêu thụ đặc biệt 35%, giảm 5% so với hiện hành. Nhờ mức điều chỉnh này, những người mua các dòng xe cỡ nhỏ sẽ được hưởng lợi.
Với tất cả những yếu tố trên đã khiến người dân có tâm lý chờ đợi giá xe giảm để mua xe chạy Tết nhưng thực tế không như mong đợi.
Trưởng phòng kinh doanh một showroom ô tô trên đường Nguyễn Văn Cừ (Hà Nội) cho biết, đối với các mẫu xe nhập khẩu từ ASEAN vốn được kỳ vọng giảm giá mạnh nhất nhưng hiện tất cả xe phân phối trên thị trường đều là xe làm thủ tục nhập khẩu, thông quan trước ngày 1/1/2018.
Vì vậy, các loại xe này vẫn phải chịu mức thuế nhập khẩu cũ ở mức 30% chưa được hưởng thuế 0% như quy định mới có hiệu lực.
Để đảm bảo nguồn cung dịp Tết Nguyên đán, phía doanh nghiệp đều phải lên kế hoạch nhập khẩu và thông quan trước năm 2018. Vì vậy, toàn bộ xe bán ra thời điểm này là xe không được ưu đãi thuế 0%.
Ông Trần Tấn Trung, Tổng giám đốc Audi Việt Nam từng phân tích, thực tế chỉ có khoảng 20 chủng loại xe được sản xuất, lắp ráp trong khu vực ASEAN, tuy nhiên, mẫu xe đạt tỷ lệ nội địa hóa nội khối (40%) và có đủ sản lượng để được hưởng thuế suất ưu đãi theo những điều kiện kinh doanh, nhập khẩu ô tô của Việt Nam không nhiều.
Hơn nữa, các mẫu xe cao cấp được sản xuất, lắp ráp trong khu vực không nhiều, chủ yếu vẫn đến từ châu Âu. Do vậy, sẽ không có nhiều biến động khi cạnh tranh vào thời điểm thuế nhập khẩu ô tô nguyên chiếc từ ASEAN về 0% đầu năm 2018.
Đáng lưu ý nhất, Nghị định 116/2017/NĐ-CP (Nghị định 116) thắt chặt các quy định về điều kiện sản xuất lắp ráp, nhập khẩu và kinh doanh dịch vụ bảo hành, bảo dưỡng ôtô của Chính phủ có hiệu lực từ ngày 17/10/2017 sẽ khiến giá xe khó lòng giảm tại thị trường Việt Nam.
Cụ thể, Nghị định 116 quy định các hãng xe nhập khẩu phải cung cấp cho các cơ quan quản lý chất lượng các loại giấy tờ như: bản sao giấy chứng nhận chất lượng, kiểu loại xe ôtô nhập khẩu cấp bởi cơ quan có thẩm quyền nước ngoài; bản chính phiếu kiểm tra chất lượng xuất xưởng của doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô ở nước ngoài; tài liệu về kết quả đánh giá điều kiện đảm bảo chất lượng của doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp nước ngoài đối với nhà máy sản xuất ra kiểu loại ô tô đó…
Đặc biệt là việc kiểm tra theo quy định với từng lô xe về cảng (kiểm tra khí thải và chất lượng an toàn kỹ thuật)…
Hàng sẽ khan hiếm
Ở một động thái mới nhất, liên doanh Honda Việt Nam vừa chính thức công bố mức giá bán lẻ dành cho mẫu xe CR-V thế hệ mới.
Cụ thể, phiên bản cao cấp CR-V L có mức giá bán lẻ đề xuất 1,256 tỷ đồng và phiên bản CR-V E có giá bán lẻ đề xuất 1,136 tỷ đồng. Như vậy, giá bán lẻ của CR-V đã cao hơn so với dự kiến ban đầu của Honda Việt Nam.
Honda Việt Nam cho biết, do Nghị định 116 của Chính phủ có một số quy định gây khó khăn cho hoạt động nhập khẩu của doanh nghiệp nên cho đến thời điểm này, Honda Việt Nam vẫn chưa thể nhập khẩu xe CR-V mới với mức thuế suất 0%. Do đó, giá bán lẻ của CR-V đã cao hơn dự kiến.
Theo Honda Việt Nam, các mức giá bán lẻ chính thức được áp dụng đối với mẫu xe CR-V dựa trên thuế suất thuế nhập khẩu 30% đối với lô 750 chiếc được nhập khẩu trước thời điểm tháng 1/2018.
Trong khi đó, do vướng mắc trong quy định của Nghị định 116 về những quy định ngặt nghèo trong nhập khẩu ôtô, nhiều mẫu xe của Toyota, Ford, Chevrolet chưa thể nhập vào Việt Nam từ tháng 1/2018.
Hay hãng Toyota Việt Nam (TMV), toàn bộ những mẫu xe nhập khẩu trong năm 2018 sẽ đều bị ảnh hưởng, đáng kể nhất là Fortuner, Yaris và Wigo. Toyota Fortuner chỉ còn số lượng ít xe đã nhập về Việt Nam để bán từ giờ đến tháng 4/2018.
Hàng loạt mẫu xe nhập khẩu ăn khách của hãng như Fortuner, Yaris hay Wigo sắp tới chưa thể đem về đại lý để bàn giao cho khách hàng trước Tết Nguyên đán Mậu Tuất do mỗi lô xe nhập khẩu về cần được lấy mẫu cho Cục Đăng kiểm Việt Nam thử nghiệm và kiểm tra trong 1-2 tháng.
Nhiều hãng xe khác cũng cho biết, chắc chắn hàng sẽ khan hiếm ngay trong quý I năm 2018. Khi hàng khan, dự báo sẽ có những biến động khó lường về giá.
Về lý do khiến xe nhập khẩu khan hàng, một số chuyên gia kinh tế cho rằng trước thời điểm Nghị định 116 được ban hành, nhiều hãng xe có ôtô nhập khẩu từ ASEAN đã lên kế hoạch dừng nhập khẩu xe từ khoảng tháng 10 để chờ sang thời điểm 1/1/2018, hưởng ưu đãi thuế nhập khẩu về 0% mới tiếp tục đặt hàng.
Vì vậy mới có tình trạng xe nhập khan hàng như hiện nay đặc biệt vào thời điểm sát Tết.