Thị trường nhà đất Trung Quốc đang đứng giữa ranh giới phá sản và bùng nổ - Ảnh: DAXUE CONSULTING
Theo báo cáo từ Hội nghị công tác kinh tế trung ương gần đây của Trung Quốc, một sự thay đổi đáng kể sẽ xảy ra với thị trường nhà đất nước này vào năm 2023.
Các đại biểu một mặt nhấn mạnh "nhà là để ở chứ không phải đầu cơ". Mặt khác, nhấn mạnh tầm thiết yếu của bất động sản đối với tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc.
Tuyên bố này đã khiến cổ phiếu của các nhà phát triển bất động sản tăng lên gấp bội. Các nhà đầu tư trong nước cũng như toàn cầu tỏ ra hài lòng.
Bong bóng vẫn ẩn hiện
Theo nhận định của báo Financial Times, thời điểm tồi tệ nhất với bất động sản Trung Quốc đã qua. Song, bong bóng nhà ở đất nước này vẫn là một vấn đề nghiêm trọng.
Chỉ trong tuần này, một phương tiện tài chính của chính quyền địa phương ở tỉnh Quý Châu được phê duyệt đặc biệt, để trì hoãn việc trả nợ cho các ngân hàng trong 20 năm.
Cách đây hai năm, chính quyền Bắc Kinh buộc phải đưa ra chính sách "ba lằn ranh đỏ" để giảm vay nợ.
Trước đó, các công ty bất động sản ở Trung Quốc được hưởng các đòn bẩy kích thích phát triển bất động sản, như lãi suất thấp, bán nhà trước khi xây, mua nhà không cần tiền đặt cọc lớn...
Bắc Kinh và Thượng Hải trở thành những thành phố đắt đỏ nhất thế giới. Tỉ lệ giá nhà trên thu nhập ngày càng lớn, những người trẻ tuổi không thể tham gia thị trường.
Các phương tiện truyền thông thậm chí còn đặt ra một thuật ngữ mới - "sáu ví", để mô tả các cặp vợ chồng trẻ phải dùng hai ví của họ và cả bốn ví của cha mẹ để mua một bất động sản.
Tuy nhiên, các hộ gia đình Trung Quốc vẫn sẵn sàng đổ tiền tiết kiệm cả đời vào bất động sản, miễn giá nhà tiếp tục tăng.
Nghệ thuật quản lý, quyết định thị trường
Quản lý kỳ vọng của các nhà đầu tư trong thời kỳ nhạy cảm là cả một nghệ thuật. Nếu thông điệp quá thẳng thừng và cứng nhắc, nguy cơ khiến thị trường sợ hãi và vỡ bong bóng.
Tuy nhiên, nếu không đủ nghiêm khắc hoặc rõ ràng, thị trường bỏ qua cảnh báo và tiếp tục mua. Đây là tình thế tiến thoái lưỡng nan của Chính phủ Trung Quốc.
Để hạ nhiệt đầu cơ nhà ở, 15 năm qua chính quyền thực hiện một loạt biện pháp kiềm chế. Song, cuối cùng tất cả đều bị bãi bỏ.
Xét cho cùng, lĩnh vực nhà ở của Trung Quốc đã trở nên "quá lớn để sụp đổ". Sau một vài chu kỳ nới lỏng kiềm chế như vậy, ngay cả những người hoài nghi ban đầu cũng bị thuyết phục rằng giá nhà đất sẽ không bao giờ giảm và sự hỗ trợ của chính phủ sẽ không thay đổi.
Nhà đầu tư cho rằng lĩnh vực nhà ở mang lại doanh thu tài chính quan trọng cho chính quyền địa phương và tăng trưởng tổng sản phẩm quốc nội cho Bắc Kinh. Do đó, chừng nào chính quyền còn theo đuổi tốc độ tăng trưởng cao, họ không thể rút hỗ trợ cho thị trường nhà ở.
Nhưng điều đó đã thay đổi. Tốc độ tăng trưởng vẫn là một mục tiêu chính sách quan trọng. Nhưng, nó không còn là mục tiêu duy nhất nữa.
Suy thoái kinh tế, phép thử thị trường nhà đất
Trong vài năm qua, Trung Quốc đã bắt đầu quá trình chuyển đổi sang một nền tăng trưởng bền vững hơn về tài chính, thân thiện với môi trường và toàn diện hơn về mặt xã hội.
Suy thoái kinh tế vào năm 2022 đưa ra một số phép thử thực sự đối với chính quyền. Sự kiện này, không chỉ liên quan đến lĩnh vực bất động sản mà còn cả mô hình tăng trưởng trong tương lai của Trung Quốc.
Các chính sách mở gần đây nhằm mục tiêu ổn định thị trường nhà ở. Nó có thể hấp dẫn đến mức nào, chưa rõ nét. Tuy nhiên, việc quay lại với suy nghĩ coi bất động sản là động cơ đầu tư và tăng trưởng sẽ rất nguy hiểm.