Thông tin trước khi Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2022 diễn ra, Bộ GDĐT cho biết, Kỳ thi năm nay giữ ổn định về phương thức như năm 2021, được tổ chức vào các ngày 07 và 08/7/2022. Dự kiến, các Hội đồng thi sẽ công bố kết quả thi đồng thời vào ngày 24/7; công tác xét công nhận tốt nghiệp THPT hoàn thành chậm nhất ngày 26/7.
Bộ GDĐT cho hay, đây là lần đầu tiên Bộ GDĐT triển khai thực hiện đăng ký dự thi trực tuyến. Theo đó, thí sinh đang học lớp 12 năm học 2021-2022 thực hiện đăng ký dự thi trực tuyến trên Hệ thống Quản lý thi; thí sinh tự do thực hiện đăng ký dự thi trực tiếp tại Đơn vị đăng ký dự thi do Sở GDĐT quy định. Đến ngày 13/5/2022 số thí sinh đăng ký dự thi đạt hơn một triệu thí sinh.
Công tác chuẩn bị cho Kỳ thi được thực hiện khẩn trương, hiệu quả từ Trung ương đến địa phương với 2.243 Điểm thi với 42.293 phòng thi. Tính tới thời điểm hiện tại, mọi công tác chuẩn bị đã hoàn thành và sẵn sàng triển khai theo đúng kế hoạch đề ra.
Trong Kỳ thi năm nay, tổng số thí sinh đăng ký dự thi là 1.002.432. Trong đó, số thí sinh đăng ký trực tuyến là 933.510, chiếm 93,12%; số thí sinh đăng ký trực tiếp là 68.922, chiếm 6,88%.
Ban Chỉ đạo cấp quốc gia Kỳ thi đã thành lập 05 đoàn kiểm tra của Ban Chỉ đạo kiểm tra công tác chuẩn bị thi tại 24 địa phương trên toàn quốc và thành lập 10 đoàn kiểm tra của Bộ kiểm tra công tác chuẩn bị thi tại 20 địa phương. Các địa phương còn lại được Ban Chỉ đạo kiểm tra bằng hình thức trực tuyến. Hoạt động kiểm tra công tác chuẩn bị Kỳ thi được các lãnh đạo Bộ GDĐT thực hiện liên tục, xuyên suốt từ ngày 24/6-05/7, đảm bảo các thí sinh được tạo mọi điều kiện để tham gia Kỳ thi có chất lượng cao nhất. Một số vấn đề còn hạn chế, thiếu sót của một số Hội đồng thi đã được Ban Chỉ đạo cấp quốc gia và Đoàn kiểm tra của Bộ nhắc nhở, đề nghị điều chỉnh phù hợp, theo đúng quy định.
Báo cáo của các địa phương cũng như ghi nhận của các đoàn kiểm tra cho thấy hầu hết các địa phương trên cả nước đều đã hoàn tất công tác chuẩn bị cho kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2022. Nhiều địa phương đã ban hành Chỉ thị của Ban Thường vụ tỉnh ủy, thành ủy hoặc Chỉ thị của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh về việc tổ chức Kỳ thi. Tất cả các địa phương đã thành lập Ban Chỉ đạo thi cấp tỉnh, có sự tham gia của các sở, ban, ngành liên quan. Nhiều tỉnh đã thành lập Ban Chỉ đạo thi cấp huyện. Các Ban Chỉ đạo thi ở địa phương đã phân công, giao nhiệm vụ, trách nhiệm rất cụ thể, rõ ràng cho từng tổ chức, cá nhân tham gia.
Các địa phương chú trọng đến công tác lựa chọn nhân sự tham gia tổ chức Kỳ thi. Các địa phương đều có các giải pháp hỗ trợ tối đa cho thí sinh, đảm bảo không để thí sinh nào vì hoàn cảnh khó khăn mà không đến dự thi. Các địa phương, nhất là các địa phương có các huyện, xã miền núi, hải đảo đã quan tâm sâu sát đến từng thí sinh là người đồng bào dân tộc, những gia đình có hoàn cảnh khó khăn, huy động các nguồn lực nhằm tạo điều kiện thuận lợi nhất cho thí sinh tham gia Kỳ thi.
Công tác chuẩn bị đề thi được bảo mật, an toàn, đúng quy định. Đề thi gốc đã được chuyển đến các Hội đồng thi ở các địa phương để in sao theo quy định, bảo đảm phục vụ tổ chức Kỳ thi theo kế hoạch.
Hội đồng ra đề thi thực hiện nhiệm vụ theo đúng yêu cầu tổ chức thi. Theo đó, nội dung đề thi nằm trong chương trình THPT, chủ yếu là chương trình lớp 12; các nội dung dạy học được tinh giản do tác động của dịch COVID-19 (năm học 2019-2020, 2020-2021 và 2021-2022) không được đưa vào đề thi năm nay.
Các thí sinh tham dự Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2022 (ảnh minh họa)
Để đảm bảo an toàn phòng dịch Covid-19, Bộ GDĐT đã ban hành công văn 2232/BGDĐT-QLCL ngày 30/5/2022 về việc tổ chức thi tốt nghiệp THPT năm 2022 cho thí sinh bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 gửi UBND các tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương.
Bộ Y tế đã ban hành công văn 3252/BYT-MT gửi Giám đốc Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. triển khai công tác y tế phục vụ kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2022.
Ngày 28/6/2022, Bộ trưởng Bộ GDĐT đã ký ban hành Quyết định 1816/QĐ-BGDĐT bổ sung quy định về đối tượng và điều kiện được đặc cách xét công nhận tốt nghiệp THPT năm 2002.Các văn bản nêu trên hướng dẫn các địa phương xây dựng kế hoạch và triển khai các giải pháp tổ chức thi đáp ứng yêu cầu nghiêm túc, đúng quy chế, đồng thời bảo đảm an toàn phòng chống dịch và tạo điều kiện thuận lợi nhất cho thí sinh bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.
Trong thời gian tới, Bộ GDĐT sẽ tiếp tục chỉ đạo, hướng dẫn và tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát bảo đảm thực hiện tốt các khâu tổ chức Kỳ thi: chấm thi, đối sánh dữ liệu điểm thi, công bố kết quả thi. Các địa phương bảo đảm Kỳ thi được diễn ra tại địa phương an toàn, nghiêm túc, khách quan, công bằng, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho thí sinh.
Các cơ sở giáo dục đại học cử cán bộ giảng viên phối hợp thực hiện thanh tra, kiểm tra các khâu tổ chức Kỳ thi theo điều động của Bộ GDĐT. Ngay sau khi có kết quả thi, các cơ sở giáo dục đại học chuẩn bị tốt các điều kiện để thực hiện công tác tuyển sinh./.