Ngoài kết quả điểm thi THPT 2022, Bộ GD&ĐT còn có dữ liệu đối sánh trung bình điểm học bạ từng môn của các địa phương để điều chỉnh việc dạy học ở các trường phổ thông. Năm học 2021-2022, kết qủa đối sánh điểm thi và điểm học bạ cho thấy, hầu hết các địa phương có điểm học bạ cao hơn điểm thi.
Sau mỗi môn thi, chờ kết quả. Ảnh: Quỳnh Anh
Với môn Toán, điểm trung bình lớp 12 trên toàn quốc là 7,51, mốc điểm có nhiều học sinh đạt nhất là 8. Nếu thống kê số lượng học sinh theo học lực, gần 39% đạt loại Giỏi và gần 41% đạt loại Khá. Điểm học bạ môn Toán của Hải Phòng là 8,14 - cao nhất cả nước. Tiếp theo là Đồng Tháp 8,01, Hưng Yên 7,99, Hải Dương 7,99, Hà Nội 7,94… Tuy nhiên, điểm trung bình thi tốt nghiệp chỉ là 6,47. Những địa phương có điểm trung bình học bạ cao nhất lại không có tên trong danh sách điểm trung bình thi tốt nghiệp cao nhất. Về nhất môn Toán là Nam Định, tiếp đến là Bình Dương, TPHCM, Ninh Bình, Thái Bình, Hà Nam…
"Điểm học bạ cao, điểm thi thấp hơn cũng phản ánh các nhà trường chạy đua thành tích, chưa chú trọng dạy học thực chất cũng như đánh giá sát năng lực học sinh".
TS Lê Viết Khuyến, Phó Chủ tịch Hiệp hội các trường đại học, cao đẳng Việt Nam
Đối với môn Ngữ văn, điểm học bạ trung bình cả nước là 7,21, trong khi điểm thi trung bình chỉ đạt 6,51. Tiền Giang đứng thứ nhất về điểm trung bình học bạ với 7,66 điểm, nhưng điểm thi lại tụt xuống thứ 11 với 7,02 điểm. Bắc Kạn có điểm trung bình học bạ đứng bét bảng, nhưng kết qủa điểm thi lại xếp thứ 35. TPHCM có kết quả điểm thi Ngữ văn xếp thứ 34 (6,34 điểm) nhưng điểm học bạ lại xếp thứ 18 (7,31 điểm).
Đặc biệt, với môn Hóa học, Sinh học, Hà Nội dẫn đầu điểm trung bình học bạ với số điểm lần lượt là 8,25 và 8,38, nhưng kết quả điểm thi 2 môn này của học sinh Thủ đô lại ở thứ 58, với số điểm chênh theo thứ tự là 1,94 và 3,74 điểm. Tỉnh Bình Phước có điểm học bạ xếp thứ 14 nhưng điểm thi lại nằm cuối bảng. Đây được cho là điều bất bình thường nhất khi điểm học bạ vênh với điểm thi tới gần 3,8 điểm.
“Chưa chú trọng dạy học thực chất”
Ngoại ngữ là môn thi có nhiều bài thi bị điểm liệt nhất, tỉ lệ học sinh có điểm dưới trung bình cao nhất - gần 52%. Kết quả đối sánh điểm học bạ và điểm thi cho thấy, môn học này cũng có sự chênh lệch khá lớn. Cụ thể, trên toàn quốc, điểm trung bình học bạ là 7,27, số điểm nhiều học sinh đạt được nhất là 8 nhưng kết quả điểm thi trung bình chỉ là 5,15 điểm. Điểm số có nhiều thí sinh đạt nhất là 3,8. Theo nhiều chuyên gia, vênh 4,2 điểm là con số quá cao, khó có thể hình dung được.
Hầu hết các địa phương đều đánh giá năng lực học sinh môn Ngoại ngữ ở mức khá, giỏi với điểm trung bình thấp nhất là 6,34 (Sơn La), cao nhất là Hải Phòng (8,04 điểm). Tuy nhiên, trung bình điểm thi lại vênh khá lớn, trong đó, Hà Giang xếp bét bảng với 3,79 điểm và địa phương có số điểm cao nhất lại là TPHCM nhưng cũng chỉ dừng ở mức 6,39 điểm. Hà Nội, Đà Nẵng, Hải Phòng… là các thành phố lớn, nơi có nhiều gia đình đầu tư cho con học Ngoại ngữ nhưng trung bình điểm thi của môn này cũng chưa đạt điểm 6, trong khi điểm trung bình học bạ các trường ở địa phương đánh giá học sinh ở mức 7,6-8,04 điểm.
GS.TSKH Nguyễn Đình Đức, Trưởng Ban đào tạo - ĐH Quốc gia Hà Nội, nhận định: “Kết quả kỳ thi có thể đánh giá được mức độ, năng lực học tập của học sinh trên toàn quốc”. Theo GS Đức, đánh giá chung bảng đối sánh trung bình điểm thi và học bạ cho thấy, với những địa phương như Vĩnh Phúc, Hà Nam, Nam Định…, hầu hết các môn đều có phổ điểm rất tốt và tương đối sát với điểm học bạ. Trong khi đó, những vùng như Đồng bằng sông Cửu Long, các tỉnh miền núi phía Bắc, Tây Nguyên, sự chênh lệch giữa điểm thi và điểm học bạ nhiều hơn. Điểm thi tốt nghiệp THPT và điểm học bạ có sự chênh lệch, đối với từng môn học thì khoảng chênh lệch 1 điểm là khoảng cho phép, phù hợp. “Nhưng nếu 3 điểm trên 3 đầu môn thi trong một tổ hợp thì chênh lệch đến 3 điểm khác nhau. Như vậy, rõ ràng điểm thi và điểm xét học bạ là hai điểm hoàn toàn khác nhau. Do đó, sử dụng kết quả thi tốt nghiệp THPT để xét tuyển vào đại học sẽ sát hơn và tốt hơn”, ông Đức nhận định.
Ngoài ra, nếu tính theo điểm trung bình chung 9 môn thi, Nam Định là địa phương dẫn đầu cả nước, Hà Nội và TPHCM là 2 thành phố lớn với lượng thí sinh dự thi rất cao nhưng lần lượt xếp thứ tự 25 và 13. Nếu tính số lượng bài thi đạt điểm 10, Thanh Hóa là địa phương dẫn đầu, Hà Nội về nhì tiếp theo là Phú Thọ, Nam Định, Hải Phòng…
TS Lê Viết Khuyến, Phó Chủ tịch Hiệp hội các trường đại học, cao đẳng Việt Nam, lý giải: “Hà Nội xếp hạng 25 có thể dễ hiểu vì địa bàn rộng lớn, chất lượng giáo dục không đồng đều”. Bên cạnh các trường có chất lượng cao, phụ huynh chú trọng đầu tư, quan tâm giáo dục thì tỉ lệ học sinh khó khăn, chưa được quan tâm tương xứng còn rất lớn. “Điểm học bạ cao, điểm thi thấp hơn cũng phản ánh các nhà trường chạy đua thành tích, chưa chú trọng dạy học thực chất cũng như đánh giá sát năng lực học sinh”, TS Khuyến nói.