Thi THPT quốc gia môn Ngữ văn: 11 tác phẩm trọng tâm phần nghị luận văn học

BÍCH HÀ |

Theo TS Trịnh Thu Tuyết, để làm tốt bài môn Ngữ văn trong kỳ thi THPT quốc gia 2019, học sinh cần giữ vững tâm lý bình tĩnh, nắm vững yêu cầu và phương pháp làm bài với mỗi dạng câu hỏi.

Lưu ý những tác phẩm trọng tâm

Ngày 25.6, thí sinh cả nước sẽ bước vào làm bài thi môn Ngữ văn trong kỳ thi THPT quốc gia 2018. Với môn thi này, TS Trịnh Thu Tuyết - giáo viên Ngữ văn ở Hà Nội đưa ra một số lưu ý cho thí sinh.

Theo TS Tuyết, phần nghị luận văn học là phần chiếm khối lượng điểm lớn nhất trong bài thi, do đó học sinh nên dành phần lớn thời gian cho việc ôn tập 11 tác phẩm văn học trọng tâm.

Trong đó có 4 bài thơ "Tây Tiến", "Việt Bắc", "Đất Nước", "Sóng"; 2 đoạn trích tuỳ bút, bút kí "Người lái đò sông Đà", "Ai đã đặt tên cho dòng sông"; 4 đoạn trích tự sự "Vợ chồng A Phủ", "Vợ nhặt", "Rừng xà nu", "Chiếc thuyền ngoài xa"; trích đoạn kịch "Hồn Trương Ba da hàng thịt".

Thí sinh cần ôn tập theo các phương pháp khoa học, tránh học thuộc, học vẹt, sắp xếp thời gian ôn tập hợp lý tránh làm ảnh hưởng tới các môn học khác

Thi THPT quốc gia môn Ngữ văn: 11 tác phẩm trọng tâm phần nghị luận văn học - Ảnh 1.

TS Trịnh Thu Tuyết đưa ra lời khuyên cho thí sinh trước khi bước vào làm bài thi môn Ngữ văn.

Đối với 11 tác phẩm văn học quan trọng, thí sinh dành thời gian đọc lại toàn bộ đoạn trích trong SGK để ghi nhớ cốt truyện, chi tiết dẫn chứng, những lời thoại hoặc đoạn thơ, câu thơ quan trọng..., kết hợp bài giảng của thầy cô trong vở ghi; sau đó lập sơ đồ tư duy theo các ý lớn, nhỏ. Đồng thời các em cũng tập xác định các đoạn trong bài thơ, các chi tiết trong văn xuôi, kịch có khả năng xuất hiện trong tình huống đề, tìm mối liên hệ, hướng triển khai ý…

Cách làm bài nghị luận văn học

Theo TS Trịnh Thu Tuyết, bố cục trình bày câu nghị luận văn học bao giờ cũng phải có giới thiệu khái quát về tác giả, tác phẩm và vấn đề nghị luận trước khi triển khai hệ thống ý nghị luận.

Theo mô hình đề tham khảo, câu nghị luận văn học có thể đi vào phân tích các chi tiết nhỏ của tác phẩm để làm hiện hữu một vấn đề của nội dung tác phẩm.

Cách làm đúng là cần xác định đúng vị trí của chi tiết với một nội dung nào đó của tác phẩm, phân tích chi tiết như hệ quả của hệ thống chi tiết liên quan, vừa không tách rời, vừa không hoà tan, chi tiết nhỏ sẽ được hiện ra trong tầm vóc lớn góp phần thể hiện một giá trị nội dung nào đó của tác phẩm.

Ví dụ: Đề tham khảo yêu cầu phân tích hình ảnh người vợ nhặt trong hai lần ăn - cần thấy lần ăn bánh đúc ngoài chợ là chi tiết khắc họa sâu sắc hình ảnh người đàn bà bị sự đói khát huỷ hoại nhân cách một cách thảm hại, đau đớn!

Nhưng nếu chỉ phân tích một chi tiết độc lập như vậy, học sinh không thể triển khai được ý và không chỉ ra được mối quan hệ nhân quả giữa mạch truyện với chi tiết. Thí sinh có thể tham khảo dàn ý sau đây:

Tái hiện bối cảnh xuất hiện của người đàn bà - nạn đói 1945 với những chi tiết ấn tượng về hình ảnh người sống/ chết, âm thanh, mùi vị, không gian.

Hình ảnh người đàn bà trong nạn đói: Quần áo, bộ dạng, lời nói, cử chỉ, nét mặt, dáng vẻ, hành động..., tất cả đều cho thấy sự đói khát và thèm khát miếng ăn.

Chi tiết ăn bánh đúc là hệ quả của sự đói khát và thèm khát miếng ăn, bất chấp mọi xấu hổ hay phép tắc...

Phần tái hiện hai ý trên (bối cảnh và hình ảnh người đàn bà trong nạn đói) tránh lan man dàn trải, phân tích tất cả các chi tiết trong hai ý này chỉ nhằm hướng tới làm nền giúp nổi bật chi tiết ăn bánh đúc - sự đói khát thảm hại tới cao độ, sự hạ giá nhân cách đến tận cùng!

Chi tiết cho thấy thân phận, phẩm giá con người bị chà đạp, huỷ hoại vì đói khát. Giá trị hiện thực và giá trị nhân đạo của tác phẩm từ đó sẽ hiện ra qua một chi tiết nhỏ.

Bên cạnh việc hệ thống kiến thức trong giai đoạn “nước rút” này, theo cô Tuyết đa phần học sinh lớp 12 trước khi thi đều mang tâm lý chung là rất lo lắng, kỹ năng làm bài còn mông lung và những tác động khách quan bên ngoài nhiều khi rất tiêu cực, khiến nhiễu loạn thông tin...

Cô khuyên thí sinh cần thực sự bình tĩnh, tự tin, tự chủ bình tâm gỡ bỏ và gạt bỏ dần những lo lắng bằng những hành động thực tế hữu ích nhất cho kì thi.

Cuối cùng, cô Trịnh Thu Tuyết nhắn nhủ đến các sĩ tử lớp 12: “Cô tin rằng kiến thức các em đã học cả 12 năm, kĩ năng phương pháp cũng được rèn luyện rất nhiều, đã thành những vệt hằn trên vỏ não, giờ có thể vì lo lắng quá mà ngỡ là trống rỗng, nhưng chỉ cần hệ thống hoá lại, đặt chúng trong những tình huống cụ thể của vấn đề, tất cả sẽ được kích hoạt, từ kiến thức tới kỹ năng.

Và khi đã tự tin về kiến thức, kĩ năng của mình, mọi nhiễu loạn bên ngoài sẽ tự bị gạt bỏ".

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại