Thí nghiệm kỳ lạ và cực kỳ tranh cãi: 15 người bị nhốt trong hang động suốt 40 ngày không ánh sáng, chuyện gì sẽ xảy ra?

J.D, |

Dự án dường như đang mô phỏng lại một thí nghiệm tai tiếng nhất lịch sử: Nhà tù Stanford.

Trong lịch sử nhân loại có những thí nghiệm tâm lý cực kỳ nổi tiếng và thu hút nhiều tranh cãi. Chẳng hạn như việc nhốt một nhóm người vào môi trường biệt lập trong một khoảng thời gian, rồi quan sát xem chuyện gì sẽ xảy ra.

Một trong những thí nghiệm nổi tiếng (và tai tiếng) nhất là Nhà tù Stanford. Theo đó, các tình nguyện viên bị nhốt vào tù, mỗi người được giao nhiệm vụ khác nhau: hoặc làm tù nhân, hoặc làm cai tù. Hay như thí nghiệm Biosphere nhốt 8 người vào trong một môi trường nhân tạo trong vòng 2 năm.

Cả hai đều mang đến những cái kết đáng sợ: các cai ngục của Nhà tù Stanford đã đối xử rất tàn nhẫn với tù nhân, trong khi Biosphere trở nên nguy hiểm khi lượng oxy tụt xuống và khiến mọi người gần như chết đói.

Thí nghiệm kỳ lạ và cực kỳ tranh cãi: 15 người bị nhốt trong hang động suốt 40 ngày không ánh sáng, chuyện gì sẽ xảy ra? - Ảnh 1.

Giờ đây, các nhà khoa học đang tiến hành một dự án mới với hình thức tương tự, có tên Deep Time. Lần này, thí nghiệm sẽ nhốt 15 người vào một cái hang trong vòng 40 ngày, không có bất kỳ nguồn sáng tự nhiên nào, cũng không thể nhận biết thời gian.

Chuyện gì sẽ xảy ra?

Ngày 14/3, 15 tình nguyện viên - gồm 8 nam và 7 nữ đã bị nhốt trong một hang động tại Ariège, Pháp. Mục đích của thí nghiệm là quan sát ảnh hưởng của việc bị tách biệt với xã hội trong thời gian dài (40 ngày), mà không có khái niệm gì về thời gian. 

Theo đó, các tình nguyện viên không được tiếp xúc với ánh Mặt trời, không điện thoại, không đồng hồ. Nguồn sáng duy nhất họ có là một chiếc bóng đèn gắn với xe đạp, phải đạp để lấy điện.

"Việc không thể nhận biết thời gian là thứ dễ gây mất phương hướng nhất" - trích trên website của dự án. "Và đây cũng là mục đích mà Deep Time muốn tìm hiểu sâu hơn. Bởi cho đến thời điểm hiện tại, chúng ta vẫn chưa biết hệ nhận thức của chúng ta hiểu và xử lý trường hợp này như thế nào, trong một môi trường các sự kiện diễn ra liên tục và vượt ra ngoài khả năng của đồng hồ sinh học".

Các tình nguyện viên có độ tuổi từ 27 - 50, được lựa chọn từ nhiều tầng lớp: từ giáo viên tiểu học cho đến nhà sinh học. Tất cả đều được gắn cảm biến, cho phép các nhà khoa học bên ngoài theo dõi khả năng thích ứng với lối sống "tối toàn diện" và ẩm thấp của hang động.

"Thí nghiệm này có thể nói là lần đầu tiên trên thế giới" - Giáo sư Etienne Koechlin, chuyên gia thần kinh từ Paris cho biết. "Cho đến nay, toàn bộ các thí nghiệm dạng này chủ yếu hướng đến sự thay đổi về thể chất, nhưng chưa từng xét đến tác động vào nhận thức và hệ cảm xúc của con người".

Thí nghiệm kỳ lạ và cực kỳ tranh cãi: 15 người bị nhốt trong hang động suốt 40 ngày không ánh sáng, chuyện gì sẽ xảy ra? - Ảnh 3.

Dự án mong rằng thí nghiệm trên sẽ mang tới nhiều ứng dụng dành cho các ngành nghề "không thấy Mặt trời", như thủy thủ tàu ngầm hoặc công nhân hang động, cho tới du hành vũ trụ.

"Các nhiệm vụ du hành vũ trụ đã thay đổi đột phá trong thế kỷ này, với nhiều công nghệ và số liệu hơn" - dự án cho biết. "Từ Mặt trăng tới sao Hỏa cho tới các vật thể liên ngân hà, con người phải đối mặt với những nhận định mới về thời gian".

Thí nghiệm kỳ lạ và cực kỳ tranh cãi: 15 người bị nhốt trong hang động suốt 40 ngày không ánh sáng, chuyện gì sẽ xảy ra? - Ảnh 4.

Thí nghiệm dĩ nhiên thu hút nhiều tranh cãi. Christian Clot - trưởng nhóm thí nghiệm đã bị chỉ trích nặng nề bởi truyền thông Pháp, bởi ông thậm chí không có nền tảng là một nhà khoa học (mà lại tự nhận mình là nhà nghiên cứu).

Chuyện gì sẽ xảy ra tiếp theo, hiện vẫn chưa ai rõ. Theo dự tính, thí nghiệm sẽ kết thúc vào ngày 22/4/2021, và hãy xem thời điểm đó diễn ra như thế nào.

Nguồn: IFL Science

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại