Hãng xe nổi tiếng của Đức là Volkswagen từng gây rúng động vì bê bối liên quan tới việc gian lận khí thải, và mới đây hãng xe này lại tiếp tục vướng vào một vụ bê bối khác gây chấn động không kém.
Hãng xe Đức và thí nghiệm "vô nhân đạo" trên khỉ và thậm chí cả người!
Cụ thể, ba hãng xe lớn nhất của Đức là Volkswagen BMW và Daimler đã tài trợ cho một tổ chức Nhóm nghiên cứu Môi trường và Sức khỏe trong lĩnh vực Giao thông châu Âu (EUGT) nhằm chứng minh sự an toàn của khí thải nitrogen oxit (NOx)
Để thực hiện thử nghiệm này, nhóm nghiên cứu đã bắt nhốt những chú khỉ vào một căn phòng kín và cho chúng hít luồng khí thải suốt 4 tiếng đồng hồ của xe Bettle.
Hãng xe lớn nhất của Đức là Volkswagen lại dính bê bối về thí nghiệm trên khỉ. Ảnh: Fortune
Trước đó vào năm 2014, tờ New York Times của Mỹ cũng đưa tin về thí nghiệm tương tự của hãng xe này khi ủy thác cho Viện Nghiên cứu Hô hấp Lovelace (LRRI) tại Mỹ thực hiện nghiên cứu trên 10 chú khỉ.
Chưa dừng lại tại đó, sự việc trở nên phức tạp và nghiêm trọng hơn khi báo Đức Sueddeutsche Zeitung ngày 29/1 còn tiết lộ rằng cuộc thử nghiệm có thể còn tiến hành trên 25 người khỏe mạnh!
Tuy vậy kết quả thử nghiệm với mục đích chứng minh rằng khí thải động cơ diesel hiện đại sạch và an toàn hơn nhiều so với trước đó lại hoàn toàn thất bại.
Vậy chất khí thải nitrogen oxit (NOx) độc hại tới mức nào?
Khí thải nitrogen oxit (NOx) là tên gọi chung của nhóm các loại khí oxit nitơ độc hại bao gồm các chất: NO, NO2 và N2O, N2O3, N2O4, N2O5. Trong đó đáng chú ý nhất là NO2 có độc tính cao nhất.
Chỉ cần tiếp xúc với NO2 trong vài phút với nồng độ chỉ 5 phần triệu thôi cũng đủ gây ra các ảnh hưởng xấu đến phổi và nặng hơn nếu kéo dài trong vài tiếng ở nồng độ 15-20 phần triệu thì có thể gây nguy hại tới phổi, tim và gan.
Nếu nồng độ NO2 đạt mức 1% trong không khí thì khi hít thở trong vài phút có thể gây tử vong.
Xem video:
Khí thải NOx. Nguồn: Icopal UK
Nhóm khí này cũng là nguyên nhân gây ra ô nhiễm môi trường, mưa axit, hiệu ứng nhà kính... nhưng lại được phát sinh hằng ngày từ hoạt động công nghiệp (chiếm 1/10 trong tổng số khí NOx có trong khí quyển).
Đối với công nghiệp ôtô thì chúng lại càng phổ biến vì là sản phẩm của động cơ đốt trong, khi nitơ phản ứng với oxy ở nhiệt độ cao, chất khí sinh ra làm giới hạn tính năng kỹ thuật của động cơ, là bài toán khiến các nhà sản xuất xe phải đau đầu xử lý.
Khí thải NOx tác động tới sức khỏe, môi trường sống của con người, sinh vật. Ảnh The Economist
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho biết nhóm khí độc NOx có thể đi sâu vào phổi do không tan trong nước và sẽ bị giữ lại tới 80% trong phổi làm gia tăng các triệu chứng của bệnh viêm phế quản và hen suyễn, bệnh truyền nhiễm về hô hấp, gây suy giảm chức năng của phổi.
Nặng hơn, chất khí này còn tiềm ẩn nguy cơ dẫn tới các bệnh về tim mạch, gây tử vong sớm ở người. Đối với thực vật, chúng sẽ tác động đáng kể khi nồng độ lớn, cụ thể ở nồng độ 3,93 ppm thì thực vật sẽ bị giảm chức năng quang hợp 25%.
Bài viết được dịch từ các nguồn: Icopal-noxite, Ncbi, Abcnews, Germany, Sciencealert