Thêm 1 vùng sát Ukraine cầu viện, Nga đã hồi đáp: Moldova phản ứng gắt, 'bơm đầy vũ khí' chống Moscow

Tùng Chi |

Theo MEI, nếu Nga đạt được quyền kiểm soát hơn ở Gagauzia thì họ sẽ gần như hoàn tất việc kiểm soát biên giới phía tây Ukraine.

Sau Transnistria, thêm 1 vùng cầu viện Nga

Tờ DW (Đức) đưa tin, các lãnh đạo của khu tự trị Gagauzia (Moldova) đã tới thủ đô Moscow để đề nghị được Nga hỗ trợ. Động thái này diễn ra gần như ngay sau khi vùng ly khai Transnistria (cũng của Moldova) đưa ra đề nghị tương tự với Moscow.

Tại thủ đô của Nga, Thống đốc Gagauzia Eugenia Gutul và người đứng đầu Hội đồng Nhân dân Gagauzia Dmitry Konstantinov đã được Chủ tịch Hội đồng Liên bang Nga Valentina Matvienko tiếp đón.

Trong cuộc gặp, bà Gutul đã cáo buộc chính quyền trung ương ở Chisinau "đàn áp" quyền lợi của người dân Gagauzia, phía nam Moldova và việc này "đã vượt ra ngoài mọi ranh giới". Do đó, Gagauzia muốn phát triển hơn nữa quan hệ với Nga và "đề nghị được Moscow giúp đỡ".

Thêm 1 vùng sát Ukraine cầu viện, Nga đã hồi đáp: Moldova phản ứng gắt, 'bơm đầy vũ khí' chống Moscow- Ảnh 1.

Sau Transnistria, Gagauzia đã cầu viện Nga. Ảnh: Reddit

Đáng lưu ý, chuyến thăm của các nhà lãnh đạo Gagauzia dễn ra chỉ 2 ngày sau khi Transnistria tổ chức "Đại hội đại biểu các cấp" hôm 28/2, trong đó kêu gọi Nga cung cấp "sự bảo vệ" cho hơn 220.000 người dân tộc Nga đang sinh sống ở Transnistria trước sức ép từ giới chức Moldova.

Theo Viện nghiên cứu Trung Đông (MEI), Gagauzia là một vùng nhỏ, với khoảng 160.000 người sinh sống, chủ yếu là người dân tộc Thổ Nhĩ Kỳ. Ngoài tiếng Gagauzia, ngôn ngữ chính được sử dụng là tiếng Nga.

Toàn bộ lãnh thổ Gagauzia là một phần của Vương quốc Romania vào đầu thế kỷ 20 trước khi được nhập vào Liên Xô năm 1940 trong Thế chiến II.

Khi Liên Xô bắt đầu tan rã, Gagauzia tuyên bố độc lập vào năm 1990, nhưng đã được sáp nhập vào Moldova vào năm 1994. Ngày nay, Gagauzia là khu vực nghèo nhất của Moldova và rất ủng hộ Nga.

Bà Gutul đã được bầu làm lãnh đạo Gagauzia trong cuộc bầu cử vào năm ngoái và duy trì đường lối thân Nga.

Nga phản hồi trước yêu cầu giúp đỡ

Phản hồi trước đề nghị của Gagauzia, Chủ tịch Hội đồng Liên bang Nga Valentina Matvienko cho biết, Nga đang theo dõi sát sao các sự kiện ở Moldova, đồng thời nhấn mạnh lại rằng, đường lối của chính quyền Moldova hiện nay là bài Nga.

"Gagauzia quan tâm đến công dân của mình, muốn phát triển và muốn cải thiện phúc lợi cho công dân của mình. Và nếu các nhà lãnh đạo của Gagauzia sẵn sàng hợp tác theo cách này, chúng tôi sẽ cung cấp mọi hỗ trợ có thể để củng cố và mở rộng mối quan hệ của chúng ta. Không ai có thể cấm chúng ta làm như vậy" – Bà Matvienko nhấn mạnh.

Thêm 1 vùng sát Ukraine cầu viện, Nga đã hồi đáp: Moldova phản ứng gắt, 'bơm đầy vũ khí' chống Moscow- Ảnh 3.

Cuộc gặp giữa Chủ tịch Hội đồng Liên bang Nga Valentina Matvienko và các nhà lãnh đạo Gagauzia. Ảnh: RIA Novosti

Theo MEI, với những diễn biến gần đây ở miền đông Ukraine thì vị trí của Gagauzia "rất đáng chú ý". Cùng với ảnh hưởng đã có ở Transnistria, nếu Nga đạt được quyền kiểm soát lớn hơn ở Gagauzia thì họ sẽ gần như hoàn tất việc kiểm soát biên giới phía tây Ukraine, đồng thời đặt vùng Odesa của Ukraine dưới mối đe dọa tăng tiến hơn.

"Mặc dù Gagauzia nhỏ bé chỉ có diện tích 700 dặm vuông nhưng lại có tiềm năng đóng vai trò to lớn trong nền chính trị khu vực. Liên quan tới an ninh của Ukraine, sự ổn định của Biển Đen và sự cạnh tranh Nga-Thổ Nhĩ Kỳ, Gagauzia là một mảnh ghép quan trọng trong bức tranh địa-chính trị của khu vực" – MEI nhận định.

Moldova đã được "bơm đầy vũ khí chống Nga"

Trước các diễn biến hiện tại, Bộ Ngoại giao Moldova ngày 2/3 đã lên tiếng chỉ trích nghị quyết "đề nghị Nga giúp đỡ" của Transnistria là "chiêu trò tuyên truyền sai sự thật", đồng thời chỉ trích Nga "không có tư cách đạo đức để lên lớp người khác về tự do và dân chủ".

"Ngoại trưởng Lavrov và Điện Kremlin không có tư cách đạo đức để lên lớp người khác về tự do và dân chủ" – Thông báo của bộ ngoại giao Moldova nêu rõ, đề cập tới việc Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov bình luận rằng, Transnistria đang chịu sự chèn ép kinh tế nên phải cầu cứu Moscow.

Riêng về phần Gagauzia, Moldova chưa đưa ra phản ứng chính thức. Tuy nhiên, một trong những đề nghị của Gagauzia với Nga là thiết lập chuyến bay thẳng tới Moscow.

Nhận định về đề xuất này, nhà phân tích chính trị-nhà ngoại giao của Moldova Alexei Tulbure cho rằng đây là một bước đi nhằm tìm cách "đánh bại" các vấn đề địa lý hình thành do tình hình địa-chính trị hiện nay, bởi các chuyến xe buýt từ Moldova đến Nga vốn phải đi qua các nước EU và cả Ukraine.

Thêm 1 vùng sát Ukraine cầu viện, Nga đã hồi đáp: Moldova phản ứng gắt, 'bơm đầy vũ khí' chống Moscow- Ảnh 4.

Moldova phản ứng gắt trước việc Transnistria "đề nghị Nga giúp đỡ".

Trong khi đó, các quan chức Transnistria cho biết, Moldova đang đẩy mạnh nỗ lực chuẩn bị chiến tranh với Nga.

Theo Phó Hội đồng tối cao Transnistria Andrei Safonov, Moldova đang được "bơm đầy vũ khí" để chống lại Transnistria và lực lượng Nga trong khu vực. Số vũ khí này một phần do phương Tây cung cấp, và một phần đến từ những nỗ lực tăng cường trang bị của Chisinau.

Dmitry Soin, chính trị gia đồng thời là cựu nhân viên cơ quan an ninh Transnistria thì cảnh báo, Ukraine có thể liên hợp cùng Moldova phát động hành động quân sự nhằm vào Transnistria để bù đắp cho những thất bại trong chiến dịch phản công trước Nga.

Quả thực, Moldova từ lâu đã không ngại bộc lộ chính sách chống Nga. Tổng thống Moldova Maia Sandu vào cuối năm ngoái đã trình lên Quốc hội Moldova dự thảo Chiến lược An ninh Quốc gia, đề cập Nga là mối đe dọa an ninh chính đối với Chisinau. Bên cạnh đó, Chisinau đẩy mạnh kế hoạch tìm mua tên lửa phòng không.

"Nếu Điện Kremlin quyết định tấn công chúng tôi, họ sẽ tấn công. Vậy thì tự vệ như thế nào? Chúng tôi không có hệ thống phòng không, tên lửa hay máy bay. Bước tiếp theo của chúng tôi sẽ là trang bị hệ thống phòng không dành cho cơ sở hạ tầng quan trọng" - Thủ tướng Moldova Dorin Recean cho biết trên Kênh truyền hình TV8 của Moldova vào tháng 12/2023.

Trong động thái mới nhất, hãng thông tấn TASS ngày 29/2 đưa tin, Quốc hội Moldova đã bãi ước 3 thỏa thuận thuộc lĩnh vực quốc phòng và chống khủng bố được ký kết trong khuôn khổ Cộng đồng các quốc gia độc lập (CIS) - tổ chức gồm các quốc gia từng thuộc Liên Xô cũ, trong đó có Nga.

Trong số đó, đáng chú ý nhất là hỏa thuận về nguyên tắc cung cấp vũ khí và trang thiết bị cho lực lượng vũ trang của các quốc gia thành viên CIS (được ký kết tại Minsk) tháng 2/1992, đã bị bãi bỏ.

Ngày 5/3, hãng thông tấn AP dẫn thông tin từ cơ quan tình báo quốc gia Moldova cảnh báo về "sự can thiệp chưa từng có" của Nga trong bối cảnh Chisinau đang chuẩn bị tổ chức bầu cử tổng thống và tổ chức trưng cầu dân ý về khả năng gia nhập Liên minh châu Âu (EU).

Chisinau cho biết hiện họ đã lên phương án ứng phó. Trong khi đó, các quan chức Nga chưa đưa ra bình luận nào trước các cáo buộc này của Chisinau.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại