Vũ Thị Hương và những góc khuất

huongngan |

Vũ Thị Hương bây giờ quả thật không dễ, hầu như chi tiết liên quan tới cô gái vàng của thể thao VN đều đã được khai thác kỹ lưỡng.

Mơ về một ngôi nhà

2 năm liên tiếp là VĐV số một Việt Nam, mức lương mơ ước tại An Giang cùng bao nhiêu khoản tiền thưởng khác, ai cũng nghĩ rằng cuộc sống của Hương giờ chắc hẳn đã rất đầy đủ và không có gì phải ước mơ, nhưng sự thực không hoàn toàn như thế. Cách đây mấy năm, Hương đã chung tiền với gia đình nhà chồng để mua một mảnh đất bên Gia Lâm, nhưng Hương vẫn ước ao một ngày nào đó được sở hữu ngôi nhà của riêng mình.

Còn nhớ, năm ngoái Hương còn bộc bạch: “Em thích có nhà của mình, nhưng em lại không thích ở chung cư lắm mà chỉ thích ở nhà riêng”, nhưng năm nay, ước mơ của Hương đã phải hạ xuống một bậc, vì “em thay đổi quan điểm rồi, ít tiền quá nên không mua được đất để xây nhà riêng nên giờ thì chung cư cũng được, Hà Nội hay TP.HCM cũng được, miễn là chỗ nào rẻ và hợp túi tiền là em mua ngay”.

Hương bộc bạch: “Thu nhập của em thì đủ để tiêu pha bình thường, nhưng để mua sắm lớn thì lại thiếu. Em cũng thích mua ôtô lắm nhưng chưa mua được nhà thì chưa mua ô tô. Thứ tự ưu tiên của em là mua nhà rồi mới tới mua ôtô”.

Hỏi tại sao không tìm kiếm nhà tài trợ, Hương cười buồn: “Có tài trợ thì chỉ những môn như bóng đá nam mới được quan tâm nhiều, chứ còn điền kinh thì khó lắm anh ơi. Giá mà VĐV điền kinh như bọn em cũng có nhà tài trợ như các đồng nghiệp ở bóng đá nam thì tốt biết mấy”.

Thế nhưng, sau một thoáng chùng giọng trong chốc lát khi nói về chuyện nhà cửa, Hương lại cười vang với phong thái tự tin quen thuộc: “Mà có gì phải lo quá đâu anh, đến đâu hay đến đó, biết đâu sau này em lại có một khoản tiền cực lớn, muốn mua gì thì mua, lúc ấy thì nhà hay ôtô cũng chỉ là chuyện nhỏ thôi mà”.

Nhà tạo mẫu trên đường chạy

Ít ai biết rằng toàn bộ trang phục thi đấu của Vũ Thị Hương từ trước tới nay đều do cô tự vẽ kiểu rồi đưa thợ may quen thực hiện. Dĩ nhiên, với thu nhập như của Hương thì việc mua một bộ trang phục thi đấu hàng hiệu không phải là chuyện quá khó, nhưng vì “em không thích mẫu nào nên tự thiết kế lấy cho mình”.

Hương bật mí: “Từ xưa tới giờ em luôn thích tự may đồ thi đấu cho mình. Em có anh thợ may quen ở TP.HCM chuyên may đồ cho em. Nếu không ở TP.HCM thì chỉ cần gọi điện để tả qua kiểu dáng là anh ấy biết ngay”. Có một chi tiết thú vị là “anh thợ may quen” của Hương từng thi đấu điền kinh (môn chạy rào), và hiện tại hầu hết quần áo thi đấu cũng như tập luyện của đa số VĐV điền kinh VN đều do cựu VĐV chạy rào này thực hiện.

Từ trước tới nay Vũ Thị Hương đều tự thiết kế trang phục thi đấu cho mình. Ảnh: T.L

Hương cũng cho biết, dù không mặc đồ hàng hiệu nhưng khi thi đấu chưa bao giờ Hương cảm thấy mặc cảm khi đứng cùng các VĐV nước ngoài, bởi “dù thế nào thì em cũng thấy tự tin, vì em mặc đồ cũng đẹp mà”. Thậm chí Hương còn nói đùa: “Mặc đồ hiệu có thể thấy tự tin hơn, nhưng có thể vì em mặc đồ không hiệu nên khi đạt thành tích bàn dân thiên hạ ai cũng nể Việt Nam”.

Đúng là Hương không mặc đồ hiệu thể thao như các VĐV nước ngoài, nhưng khi xuất hiện trên đường chạy Hương vẫn luôn là một trong những người nổi bật nhất, bởi trang phục do Hương phối màu thường trông rất lạ và bắt mắt, và nguyên nhân nữa là Hương sở hữu một thân hình chuẩn không kém người mẫu là bao, nên vẫn “ăn đứt” nhiều đối thủ khác tuy mặc hàng hiệu song lại quá cơ bắp nên thiếu sự mềm mại theo kiểu nữ tính.

Những bí quyết của Vũ Thị Hương

Kết thúc Asian Games 16, ông Lê Quý Phượng, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục TDTT và là trưởng đoàn TTVN tại Asian Games 16, có nói: “Từ góc độ khoa học TDTT, tôi vẫn chưa lý giải được vì sao con người VN có tố chất như thế, thể hình như thế lại có thể cạnh tranh ngang ngửa với VĐV điền kinh các nước khác vượt trội về rất nhiều mặt”.

Ở góc độ của mình, Hương giải thích: “Tôi nghĩ được như thế có lẽ là do tố chất bẩm sinh và cả rèn luyện. Nếu không có tố chất thì tập luyện sẽ không hiệu quả, còn có tố chất sẽ tập luyện nhanh hơn và có thể đạt được thành tích cao hơn. Đấy là nguyên nhân khiến người ta bảo hơn nhau là có tố chất, nhưng có tố chất rồi thì chưa đủ, mà ăn thua là phải biết gọt dũa như thế nào để mang lại kết quả tốt nhất”.

Hương cũng thẳng thắn: “Trước đây người ta cứ nghĩ thể thao là lĩnh vực dành cho những người “tứ chi phát triển”, nhưng theo tôi muốn chơi thể thao đỉnh cao phải có cái đầu, nếu không thì sẽ không thể chơi giỏi được.

Vì sao ư? Vì ngoài tố chất và rèn luyện thì VĐV phải tự tìm hiểu, mà cái đó phụ thuộc vào khả năng của mỗi người. Thế này nhé, thầy dạy như nhau, bài tập như nhau, tại sao có VĐV giỏi, lại có VĐV không giỏi? Nguyên nhân, thứ nhất người ta hơn anh về tố chất, thứ hai là người ta có đầu óc suy nghĩ, biết tự tìm hiểu cái gì là tốt cho mình và tìm hiểu thêm cả những thứ HLV chưa dạy.

Chẳng hạn như thầy ra giáo án như thế thì tập luyện thế nào, mình phải tự cảm nhận bản thân, vì thầy không thể làm được điều đó. Ví như hôm nào mệt mỏi, hôm nào sung sức thì phải tự cảm nhận, chứ không phải ngày hôm đó nếu mệt nhưng vẫn cố để theo bài tập thì không hiệu quả”.

Gian nan chuyện học

2 năm qua, Hương đã chinh chiến ở rất nhiều đấu trường khác nhau, nhưng chưa “sân chơi” nào khiến cô cảm thấy nhọc công và tốn sức như hiện tại. Do bận thi đấu liên miên suốt cả năm 2009 cũng như năm 2010 nên chương trình học của Hương ở ĐH TDTT Từ Sơn bị đình lại rất nhiều. Hiện tại, Hương đã nợ đến hơn 10 môn và giờ cô đang phải “méo mặt” để lo trả nợ.

Những vinh quang mà Vũ Thị Hương có được không phải tự nhiên mà đến. Ảnh: T.L

Theo tìm hiểu của TT&VH, việc học hành của Hương hoàn toàn xuất phát từ nguyện vọng của cá nhân cô, và với Hương, đấy đơn giản chỉ là sự chuẩn bị cho tương lai. Hương đang là sinh viên năm thứ Hai khoa Huấn luyện của ĐH TDTT Từ Sơn, nhưng với cái đà tập luyện và thi đấu liên tục như hiện nay, bản thân Hương cũng không biết bao giờ mới hoàn thành chương trình ĐH, dù cô thổ lộ sẽ kiên quyết làm bằng được nhiệm vụ này “để tích luỹ cho tương lai”. Cũng may là Hương lựa chọn hình thức học theo tín chỉ, nên không bị bó buộc về thời gian mà chỉ cần đủ điểm các môn là đạt điều kiện để tốt nghiệp.

Là tuyển thủ quốc gia, thậm chí còn là VĐV số một quốc gia trong năm 2009 và 2010, nhưng ở ĐH TDTT Từ Sơn, Hương cũng chỉ là một sinh viên bình thường như bao bạn học đồng môn khác, và ưu tiên duy nhất mà cô có được chỉ là không phải nộp tiền học lại nếu như nhỡ may không qua được một môn nào đó. Tuy nhiên, bản thân Hương cũng không hề thích thú với viễn cảnh sử dụng quyền ưu tiên này, bởi “nợ môn thì mệt lắm”.

Song khó khăn là vậy nhưng chưa bao giờ Hương lại muốn “giương cờ trắng” với chuyện học hành. Không những thế, cô còn ấp ủ nguyện vọng sẽ học thật tốt Anh văn, vi tính để chuẩn bị cho mình một hành trang vào đời thật đầy đủ, nếu một mai này không còn tiếp tục thi đấu.

Hương không hề nói suông, bởi trước đây cô đã từng học tiếng Anh, nhưng vì không có thời gian nên phải huỷ bỏ, song Hương cho biết sau này nhất định sẽ học lại. Hương bộc bạch: “Dù sao thì cũng vẫn phải học để chuẩn bị cho tương lai. Em thích làm HLV nhưng cũng thích làm sếp, dù không biết là làm sếp ở lĩnh vực gì, mà đã muốn làm sếp thì phải học nghiêm chỉnh đúng không anh”.

Không phải ngẫu nhiên mà Hương lại chọn khoa Huấn luyện để học, bởi cô đang ấp ủ mục tiêu trở thành HLV khi không còn thi đấu nữa. Hương tâm sự: “Em thích làm HLV vì em muốn dạy lại cho các thế hệ sau những gì mà em đã được trải nghiệm. Em được được thi đấu, được tập luyện nên sẽ có nhiều kinh nghiệm để dạy cho lớp trẻ sau này”.

Theo Thể Thao Văn Hóa

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Tags
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại