Loại binh khí này chính là trường côn, thứ vũ khí lâu đời nhất và cũng có ảnh hưởng sâu rộng nhất đối với võ thuật.
Sự lợi hại của trường côn
Trong võ thuật Trung Hoa, trường côn được sử dụng rất phổ thông. Thiếu Lâm tự nổi danh về côn pháp với nguyên tắc "kẻ xuất gia từ bi bác ái, thà dụng côn bất dụng thương".
Bởi tuy trường côn có khả năng gây thương tích cho đối thủ nhưng ít làm chết người hơn so với đao hay thương, do đó phù hợp cho giới tăng ni phật tử.
Khi xưa ở chùa Thiếu Lâm có một giới luật là tuyệt đối cấm các tăng nhân sử dụng những loại võ khí bằng kim loại bén nhọn có thể gây sát thương và dẫn đến tử vong.
Từ đó, trường côn được thịnh hành và phát triển rực rỡ, trở thành thứ binh khí gần như duy nhất để các vị tăng nhân trong chùa dùng làm vũ khí phòng thân.
Trường côn hiểu nôm na là một cây gậy dài, có thể cao bằng đầu, cao hơn đầu một nửa cánh tay, hoặc thậm chí dài tới 2,5 mét.
Đây cũng là loại hình binh khí lâu đời nhất của con người (xuất hiện từ thời nguyên thủy) và luôn gắn bó mật thiết với võ thuật.
Chất liệu làm trường côn rất đa dạng, từ gỗ, tre, tầm vông, cây song (mây) các loại cứng, mềm, hoặc bằng kim loại (sắt, đồng, nhôm…).
Các võ phái xuất xứ từ Nhật Bản thường sử dụng gỗ sồi để làm trường côn, trong khi Việt Nam thịnh hành các loại côn làm bằng tre, song mây, tầm vông…
Đó là điều dễ hiểu tại sao võ Thiếu Lâm lại tiến rất nhanh đến trình độ điêu luyện và tinh diệu về côn pháp.
Các cao tăng Thiếu Lâm khi xưa không chỉ dùng trường côn để chiến đấu đơn lẻ mà còn ghép lại thành những trận pháp vô cùng ảo diệu, trở thành “bất khả xâm phạm” với mọi loại binh khí thời đó.
Kỹ thuật sử dụng trường côn của Thiếu Lâm nổi tiếng đến nỗi Thích Kế Quang (1528-1588) - viên đại tướng của triều nhà Minh sau này có đề cập trong tác phẩm Kỷ Hiệu Tân Thư.
Ông viết ra rằng côn pháp của Thiếu Lâm lúc đó là số 1 ở khắp miền Nam Bắc Trung Hoa với danh hiệu Thiếu Lâm Đệ Nhất Côn Pháp.
Mặc dù tính sát thương không lớn bằng thương, kích, giáo, đại đao… nhưng côn pháp lại ảo diệu hơn rất nhiều với những kỹ thuật cực kỳ đa dạng.
Sự biến ảo khó lường giữa công và thủ giúp trường côn được coi là một thứ vũ khí đặc biệt.
Ở Trung Hoa, võ phái Cái Bang cũng có 1 bộ côn pháp trấn phái là Đả Cẩu Côn Pháp gồm 36 chiêu biến hóa khôn lường, kỳ ảo. Tương truyền chính nhờ những tuyệt kỹ này mà Cái Bang từng trở thành một tên tuổi nổi bật trong giới võ lâm Trung Hoa.
Nhiều loại trường côn từ các võ phái Trung Quốc lan truyền đến các nước và được biến tấu thành côn tam khúc, đoản côn, song hổ vĩ côn… Ở môn Wushu hiện đại và hầu hết các môn phái võ cổ truyền Việt Nam cũng không thể thiếu các bài trường côn.
Một bài trường côn trong võ Thiếu Lâm
Trường côn Thiếu Lâm
Về kỹ thuật thì loại binh khí này vô cùng đa dạng: có thể là loan hay khuyên (quay tròn), chặn, đả (đánh), thương (đâm), bật, xiết (thường ứng dụng với côn nhiều khúc)… Nguyên lý sử dụng côn thường dựa trên cơ sở lực ly tâm khi đánh và phản lực khi giật.
Sự phát triển về côn pháp trở thành nguồn gốc và sự kế thừa cho rất nhiều kỹ thuật của các binh khí khác như đại đao, thương, quyền trượng, mâu, kích, giáo… tất cả đều ảnh hưởng rõ rệt của kỹ pháp trường côn.
Tính thực chiến và sự đa dạng về kỹ pháp giúp trường côn giữ vị trí rất quan trọng trong Thập bát ban binh khí, được rất nhiều người yêu mến võ thuật say mê luyện tập.
Côn pháp thượng thừa của Hồng Hy Quan
Trong giới võ thuật, không ít người giỏi về côn pháp nhưng nói đến một trình độ tinh diệu thượng thừa thì phải kể nhân vật Hồng Hy Quan (1745-1825).
Đây là một cao thủ võ thuật xuất thân từ nam Thiếu Lâm, đã sáng lập ra môn tuyệt kỹ võ thuật Hồng Gia Quyền (Thiếu Lâm Hồng gia) dưới thời nhà Thanh.
Sinh thời, Hồng Hy Quan là đệ tử tục gia của Chí Thiện - thiền sư trụ trì tại chùa Nam Thiếu Lâm ở tỉnh Phúc Kiến vào đầu thời kỳ vua Càn Long.
Bên cạnh việc tinh thông nhiều bài quyền của Thiếu Lâm, ông còn là bậc thầy của nhiều loại binh khí từ đơn đao, song đao, côn tam khúc, đinh ba, tiêu, quạt… trong đó trường côn được coi là lợi hại nhất.
Ông cũng chính là người sáng tạo ra các bài “đặc sản” Hồng Gia Quyền đó là Ngũ Lang Bát Quái Côn, Bát Quái Côn Đơn Đầu, Lưỡng Đầu Côn…
Tương truyền có lần Hồng Hy Quan đã sử dụng Ngũ Lang Bát Quái Côn để chiến đấu với hàng chục đối thủ cầm thương và đao và tuyệt kỹ này đã giúp ông giành phần thắng.
Có tài liệu ghi rằng, tuyệt kỹ côn pháp này được biến hóa theo tứ tượng bát quái, có sức mạnh lớn đến mức “điên đảo càn khôn”. Thậm chí khi thi triển tuyệt kỹ này, người võ sĩ cần không được có tà tính, nếu không giang hồ có thể sẽ gặp nạn!
Ngoài Hồng Hy Quan, một số tài liệu có cho rằng Bồ Đề Đạt Ma (người sáng lập ra võ Thiếu Lâm) hay Triệu Khuông Dẫn (thời Tống) cũng đạt trình độ tinh diệu về côn pháp, tuy nhiên hầu như không được mô tả chi tiết.
Côn pháp Việt Nam khiến… Thiếu Lâm cũng phải nể
Việt Nam cũng là cái nôi của những tuyệt kỹ sử dụng trường côn (một số môn phái còn gọi là roi). Tiêu biểu có võ phái Bình Định hay Tân Khánh Bà Trà.
Tuy nhiên, hiện nay trong các hệ phái Bình Định nhiều kỹ pháp côn đã thất truyền, mặc dù một số bậc thầy của Bình Định gia sử dụng côn vẫn vang danh, như cố võ sư Hồ Ngạnh với đường roi tuyệt kỹ "hẹn ngày chết".
Võ phái Tân Khánh Bà Trà cũng có những bậc tiền bối từng nổi danh với những đường côn kỳ tuyệt đả bại nhiều cao thủ khắp lục tỉnh Nam Kỳ, như Đệ nhất côn Đỗ Văn Mạnh (Năm Nhị).
Đây cũng là võ phái sáng tạo nhiều bài côn danh tiếng như Tấn nhứt, Tứ môn, Giáng hoả, Thái sơn…
Đặc điểm của nhiều đòn thế trường côn Việt Nam là công phá hai đầu và luôn đánh theo chiều nghịch, luôn lấy nghịch để chế thuận, làm cho đối phương mất phương hướng rơi vào lúng túng, bất ngờ.
Côn pháp còn áp dụng triệt để phép âm dương ngũ hành cùng năng lực biến hóa của đồ hình bát quái trong khai triển đấu pháp, cũng như khi di chuyển, chế ngự của hai chân (bộ pháp).
Khi bị đối phương tấn công thì không đỡ để thủ thân mà lập tức vung côn áp sát và lượn theo chiều côn của địch thủ để công đòn, đồng thời khống chế tầm roi để thực hiện thế "đâm so đũa", một thế võ bí truyền chưa có cách hóa giải.
Võ Bình Định gọi đây là ngọn roi cộng lực "tuyệt kỹ", "xuất quỷ nhập thần" có một không hai của Việt Nam.
Nhìn chung, côn pháp Việt Nam thường dương đông để kích tây, đập tả về hữu, lấy thượng đánh hạ, lấy hạ biến thượng, trùng trùng điệp điệp rất khó hóa giải.
Cũng xuất phát từ trường côn, lão võ sư Trần Công (Chưởng môn phái Không Động Việt Nam) còn cải biến thành “hổ vĩ côn” (côn đuôi hổ) gồm 3 đoạn nối vào nhau tương tự như côn tam khúc.
Nhưng ba đoạn có chiều dài không đều nhau nối theo thứ tự từ dài đến ngắn.
Nếu sử dụng đơn thì gọi là “Hổ vĩ côn” còn sử dụng đôi thì gọi là “Song hổ vĩ côn”. Tuyệt kỹ này của lão võ sư Trần Công sáng tạo nên đã trở thành thế võ đặc dị của Sơn Đông Không Động Việt Nam.
Một bài trường côn trong võ cổ truyền Bình Định
Trường côn võ Bình Định