Gốc gác bí ẩn và là sự tổng hòa của hàng trăm môn phái
Người sáng lập ra Sơn Long Quyền Thuật là võ sư Nguyễn Đức Mộc, quê Bắc Ninh. Khi còn ở Việt Nam, ông đã theo học võ và được cho là đạt tới đẳng cấp rất cao. Nhưng đến nay, không ai biết chính xác ông theo môn phái nào thời trẻ.
Sau này khi làm nhiệm vụ hoạt động ngầm trước cách mạng tháng Tám, ông có nhiều điều kiện để giao lưu, học hỏi các môn phái khác.
Đây chính là lúc chàng trai Nguyễn Đức Mộc đào sâu, sáng tạo ra một môn phái của riêng mình, rồi đặt tên Sơn Long Quyền Thuật.
Tuy có môn phái riêng, nhưng ban đầu thầy Mộc không hề có ý định sẽ mở võ đường, truyền bá rộng rãi.
Ông chỉ dạy một số học trò tin cậy, nhằm hoạt động cho nhiệm vụ bảo vệ các phái đoàn của Đảng Cộng sản Việt Nam sang Pháp đàm phán.
Chính vì thế, thời ấy người ta nhiều khi nhìn thấy các võ sĩ “tây” mặc võ phục Việt Nam, đứng trang nghiêm bảo vệ các địa điểm quan trọng có người của Đảng Cộng Sản công tác.
“Năm 1954, trong suốt thời gian tại Pháp để tiến hành đàm phán Hiệp định Geneve, phái đoàn Việt Nam đã được bảo vệ bởi nhóm môn sinh do võ sư Nguyễn Đức Mộc đứng đầu.
Ông đã cùng với 30 võ sinh Pháp, tham gia tập luyện võ cổ truyền Việt Nam, đứng canh gác cẩn mật gần như suốt ngày đêm.
Ông là một võ sư rất nổi tiếng và sắp tới đây, chúng tôi sẽ phong cho ông danh hiệu Đại võ sư vì những cống hiến to lớn với nền võ thuật Việt Nam”- ông Hoàng Vĩnh Giang, Chủ tịch Liên đoàn Thế giới võ cổ truyền VN chia sẻ.
Võ sư Nguyễn Đức Mộc (đội mũ) chụp ảnh năm 2007 khi đã 95 tuổi.
Có lẽ Sơn Long Quyền Thuật đã mãi mãi là môn võ bí truyền, nếu không có ngày bị thách thức bởi... vật Việt Nam.
Cách đây hàng chục năm, một đô vật nổi tiếng sang Pháp, biểu diễn và vỗ ngực xưng rằng, vật là môn võ Việt Nam duy nhất xứng đáng truyền bá trên khắp thế giới.
Lời nói ngạo mạn đó đã đánh thức sự tự tôn của con nhà võ trong Nguyễn Đức Mộc, thôi thúc ông mở võ đường, truyền bá võ học Việt Nam do mình sáng tạo.
Đến nay, Sơn Long Quyền Thuật đã có hơn 25.000 đệ tử đến từ khắp nơi trên thế giới (phần đông là người Việt sống và làm việc ở nước ngoài, người "tây" có khoảng 2.000).
Số lượng võ đường cũng rất nhiều, với 22 tại Pháp, 15 tại Thụy Sỹ, 20 tại Burkina Faso cũng như xuất hiện ở Algerie, Áo (Vienne).
Sơn Long Quyền Thuật có rất nhiều môn sinh trên khắp thế giới.
Đa phần những võ đường của Sơn Long Quyền Thuật được đặt tại các thành phố lớn, có hàng chục võ sinh theo học.
Đặc biệt, trường Đại học Lausanne của Thụy Sỹ còn chính thức đưa môn võ này vào giảng dạy.
Tìm hiểu sâu về Sơn Long Quyền Thuật, võ sư Olivier Barbey – người hiện là trưởng môn sau khi thầy Nguyễn Đức Mộc qua đời (2009) chia sẻ rằng môn võ này rất toàn diện, mạnh cả về công phu lẫn nội công.
Tuy nhiên các võ sinh Sơn Long Quyền Thuật đều được dạy học võ để giúp đời, làm những việc có ích hơn là thi thố, chứng tỏ khả năng.
Đây cũng là một phần khiến cho Sơn Long Quyền Thuật dù rất nhiều môn sinh, nhưng lại không nổi tiếng theo cách “khoa trương thanh thế”.
Một mình đả bại hàng chục ông tây
Những ngày đầu thầy Nguyễn Đức Mộc mở võ đường ở Marseille, Pháp, có không ít người cảm thấy gai mắt khi biết đó là một võ phái Việt Nam. Một lần, đám đông đàn ông bản địa đã tìm đến để thách đấu võ sư Mộc.
Kết quả, thầy Mộc đã “giải quyết” hết khiến tất cả tâm phục, khẩu phục và không một lần nào dám làm phiền thêm nữa.
Khoảng những năm 90, thêm một lần nữa võ đường Sơn Long Quyền Thuật bị quấy nhiễu. Một võ sĩ người Pakistan đến võ đường tại Paris để đòi tỉ thí. Damien Nguyễn – một trụ cột của Sơn Long Quyền Thuật khi đó đã ra thi đấu và giành chiến thắng.
Cậu học trò cưng “hiếm có, khó tìm”
Nhắc đến Sơn Long Quyền Thuật, ngoài võ sư Nguyễn Đức Mộc phải kể tới Olivier Barbey (sinh năm 1964, hiện 51 tuổi) – một cao thủ người Pháp nhưng rất “thuần Việt”.
Ngày nhỏ, Olivier tinh nghịch, thích học võ và đặc biệt là đấm bốc. Trong một lần xem phim võ thuật, anh mê các tư thế võ công của châu Á.
Năm 19 tuổi, Olivier gặp thầy Mộc ở một hội thao võ thuật rồi nhanh chóng yêu mến võ sư này vì thấy các đòn thế xuất ra giống hệt trong bộ phim yêu thích.
Ban đầu, Olivier đến với Sơn Long Quyền Thuật cũng với tư duy học võ để đánh nhau. Ngày đó, anh sống ở Thụy Sĩ, nhưng mỗi tháng sang Pháp 1 lần, học thầy mộc 5-6 ngày.
Dần dần, không chỉ học võ, Olivier còn học đạo của con nhà võ và đáng ngạc nhiên nhất là học để trở thành người... Việt Nam.
Võ sư Olivier Barbey về thăm hương cho thầy Mộc tại Bắc Ninh. Năm 2009, cũng chính Olivier Barbey cùng các đồng môn đã đưa tro cốt thầy về quê nhà.
Khó ai nghĩ, một ông tây cao lớn, thân đầy võ công nhưng lại hành xử hết mực lễ tiết, nhã nhặn và tình cảm như một người con ở dải đất chữ S.
“Năm 1989 là lần đầu tiên tôi đến Việt Nam. Khi đó, tôi đã có chuyến đi 18 ngày dọc từ Bắc vào Nam để tìm hiểu văn hóa và con người Việt.
Từ năm 1989 đến nay, tôi đã về Việt Nam nhiều lần để tham gia các cuộc hội thao võ thuật, học hỏi các võ sư giỏi ở Bình Định và Bắc Ninh.
Có thể nói, đất nước Việt Nam đã quyến rũ tôi bởi vẻ đẹp hoang sơ tự nhiên, lũ trẻ thì rất ngoan, biết nghe lời. Con người tốt bụng, quan tâm đến nhau, nhạy cảm và luôn sẵn sàng giúp đỡ người khác” – Olivier tâm sự.
Olivier và vợ, Sarah đã quen nhau từ thời học phổ thông, cùng nhau tập võ thầy Mộc. Nghe lời thầy, họ không quan hệ trước hôn nhân và cưới khá muộn.
Vì thế, đến nay, con trai lớn của họ mới 12 tuổi, có tên tiếng Việt là Đức – tên do thầy Mộc đặt. Con bé tên Tín – 8 tuổi và 2 “cục cưng” của Olivier cũng đang học Sơn Long Quyền Thuật.
Đức cùng cha mẹ tạo dáng võ trong một lần về Việt Nam.
Vào năm ngoái, khi tham gia một hội thao võ ở Bình Định, Olivier đã đưa theo 110 võ sinh nước ngoài. Kết thúc hội thao, hơn 100 con người ấy đã theo thầy về Bắc Ninh, thăm quê hương của Sáng tổ Nguyễn Đức Mộc và thắp hương cho ông.
Ngày 12/8 vừa rồi, Olivier cùng 3 môn sinh lại về Bắc Ninh, sau khi dự lễ thành lập Liên đoàn Thế giới võ cổ truyền VN, để thắp hương cho thầy Mộc.
Trong chuyến đi ngày 12/8 vừa rồi, không chỉ thắp hương cho thầy Mộc mà Olivier cùng các võ sư còn đến thăm mộ chôn tập thể các binh sĩ Pháp từng thiệt mạng ở Việt Nam.
Theo lời Olivier tự nhận, không ít người cảm thấy ngạc nhiên khi thấy một ông tây cao lớn cầm nén hương và khấn lạy. Nhưng với anh, đó là điều rất bình thường vì đã rất quen với văn hóa Việt Nam.
“Tôi muốn đến tận nơi để thắp cho ông một nén nhang, bày tỏ lòng tiếc nhớ. Năm 1983, lần đầu tiên gặp võ sư Mộc ở châu Âu, tôi đã như bị... thôi miên bởi những động tác ra đòn cực kỳ đơn giản mà mạnh như gió.
Khi ấy, ông đã 70 tuổi nhưng không một võ sư trẻ nào có thể thắng nổi. Tôi quyết định thọ giáo võ sư Mộc.
Suốt 32 năm qua, Sơn Long Quyền Thuật đã trở thành một phần tất yếu trong cuộc sống của tôi và cả đời này, tôi không bao giờ quên được công lao dạy dỗ của võ sư Nguyễn Đức Mộc”.
Môn sinh Sơn Long Quyền Thuật trở về Việt Nam biểu diễn võ nghệ.
Hàng chục năm truyền bá võ thuật Việt miễn phí
Mở hàng chục võ đường, dạy hơn 25.000 võ sinh từ khắp nơi trên thế giới nhưng tuyệt nhiên thầy Mộc, Olivier cùng các trụ cột khác của môn phái không hề thu tiền dạy.
Thay vào đó, Sơn Long Quyền Thuật tổ chức các hoạt động rất sôi nổi, không chỉ tạo sự hào hứng cho võ sinh mà còn gây được quỹ để duy trì hoạt động.
“Chúng tôi thường xuyên tham gia các hội chợ, các lễ hội ở nhiều địa phương, biểu diễn các màn võ thuật đường phố để giới thiệu về Võ Việt nam. Từ đó, cũng thu hút được khá nhiều người theo học.
Với mục đích lan tỏa võ, chúng tôi không thu phí đối với các bạn võ sinh. Thay vào đó, chúng tôi thường xuyên tổ chức những sự kiện.
Ai tham gia sẽ đóng góp một khoản tiền để được dự bữa tiệc bao gồm việc ăn uống và thưởng thức những màn võ thuật, múa lân… Tiền thu được lại được dùng cho việc dạy – học võ” – Olivier nói.