Hôm nay, chuẩn võ sư Flores sẽ tới thăm võ đường của Johnny Trí Nguyễn. Giữa 2 bên có thể diễn ra một cuộc gặp gỡ, nói chuyện đơn thuần hoặc cũng có thể diễn ra một cuộc giao lưu võ thuật.
Hãy cùng xem Johnny Trí Nguyễn sở hữu võ công lợi hại đến đâu để sử dụng trong trường hợp tiếp chiêu với chuẩn võ sư Flores.
Những miếng võ gia truyền
Johnny Trí Nguyễn là con nhà võ chính hiệu, sinh ra trong một gia đình cả ông nội và cha đều nổi danh võ sư, nên anh được học kung-fu từ khi còn rất nhỏ.
Kinh qua tập luyện và nghiên cứu khá nhiều loại võ, nhưng tán thủ chính là bộ môn đem đến cho anh thành công lớn nhất.
Trí Nguyễn từng được vào đội tuyển tán thủ của Mỹ, đại diện tranh giải vô địch wushu thế giới tại Roma (Italia-1997), vô địch châu Mỹ (1998) và từng đoạt HCV tại giải Vô địch Panamerican Wushu kỳ 2 tại Toronto.
Tuy nhiên nền tảng võ thuật của Trí Nguyễn lại được bắt nguồn từ các môn võ cổ truyền.
Trình độ siêu đẳng của anh có sự kế thừa của ông nội – võ sư vang danh một thời Nguyễn Chánh Minh – người được gọi là huyền thoại “Nhạn trắng Cà Mau”.
Ngón đòn gia truyền nổi tiếng nhất mà võ sư Nguyễn Chánh Minh truyền lại cho người cháu nội chính là Liên phong quyền.
Đây là tổng hợp các đòn thế gồm 6 bài quyền, 5 thân pháp do chính võ sư Nguyễn Chánh Minh sáng lập từ sự kết hợp các chiêu thức gia truyền với nhiều tuyệt chiêu mà ông lĩnh hội được từ các môn phái khác.
Liên phong quyền (liên kết những ngọn gió) nổi tiếng bởi quyền pháp mau lẹ, “vừa liên kết vừa liên tiếp” – cùng lúc ra 7-8 đòn khiến đối thủ rất khó để chống đỡ.
“Một người đàn ông của võ thuật thì sẽ như thế nào? “Cái quan trọng nhất mà võ thuật dạy tôi, đó là tính kiên nhẫn. Nếu sợ khó thì sẽ không tập được tới đâu, nếu sợ đau cũng sẽ không đạt được điểm nào.
Càng tập võ nhiều thì càng tự tin là mình có khả năng vượt qua bất kỳ điều gì. Các chiêu thức, kỹ thuật ngày một khó dần lên, nếu mình vượt qua được thì mình có thể vượt qua mọi thứ khác trong cuộc sống” – Johnny Trí Nguyễn.
Bài quyền này còn nổi tiếng bởi thân pháp biến hóa, nhanh nhẹ như nhạn bay.
Dân gian miền Nam xưa cũng từng có câu tương truyền “Sáu Minh đá chết trâu”, vì ngoài quyền thuật độc đáo, ông còn dùng song cước lợi hại.
Ông từng đá một võ sư thách đấu bay vào sập vách nhà, khiến ông này phải thốt lên “đá như vậy thì trâu cũng chết”.
Trong các sách võ học và giai thoại võ thuật, Nguyễn Chánh Minh được gọi là Nhạn trắng Cà Mau, vì ông luôn mặc áo trắng, từng một mình đánh mười mấy tên cướp dùng vũ khí.
Chánh Minh cũng từng thắng nhiều võ sư đến thách đấu.
Được kế thừa những tuyệt kỹ của người ông nội và cao hơn đó là sự trau dồi võ đạo nên Trí Nguyễn không chỉ sớm phát triển kung-fu mà ở anh còn có nghị lựa rất lớn dù trong bất kỳ hoàn cảnh nào.
Clip Trí Nguyễn dạy võ thuật
Kết hợp võ thuật hiện đại
Không chỉ giỏi về võ thuật cổ truyền và tán thủ, Trí Nguyễn còn học và tập luyện rất nhiều môn khác như vật, vovinam, taekwondo, đấu kiếm, quyền Anh hay võ tổng hợp (MMA – môn võ phát triển rất mạnh tại Mỹ).
Thậm chí, anh cũng rất cừ trong các môn thể thao khác như bóng rổ, cưỡi ngựa, bơi lội, đua xe, trượt tuyết, bắn súng…
Mục đích của việc trải nghiệm và tập luyện nhiều bộ môn khác nhau không chỉ giúp thể chất và tinh thần luôn được dẻo dai mà còn hỗ trợ khả năng chiến đấu của Trí Nguyễn trở nên hoàn hảo.
Điều này giải thích vì sao trong các bộ phim, Trí Nguyễn thường sử dụng lối đánh cực kỳ đa dạng, từ những đòn đá, chỏ của Muay, những cú đấm của boxing hay vật và cả… bay người kẹp cổ kiểu vovinam…
Việc kết hợp tinh hoa của nhiều môn phái cũng góp phần “nâng tầm” Liên phong quyền của Trí Nguyễn.
Để minh họa, chính anh đã phân tích “ưu điểm của Liên Phong có năm thân pháp trong khi các võ phái khác (khi nhỏ chúng tôi còn được học boxing, aikido, judo... nên có dịp so sánh) như aikido có hai thân pháp chỉ đi thẳng nên không uyển chuyển.
Trong năm thân pháp của Liên Phong quyền, ba cái chính là thẳng, xiên, ngang nhưng biến hóa có thể đi vòng, đi chéo. Nếu đem ra chiến đấu thì mình đi nhanh lắm, đối phương không tránh được…”.
Phương pháp của Liên Phong có 3 phương diện chiến đấu.
Thông thường hai võ sĩ giao đấu ở tầm cao, còn Liên Phong bổ sung thêm các tư thế cận chiến, ở tầm thấp với các đòn khóa, vật, trỏ… triệt tiêu các đòn thế của đối phương.
Một phương diện nữa khi ở tư thế thấp, không chế đối phương bằng các đòn siết, khóa tay… Nói theo cách của “Liên Phong”, tư thế của một võ sĩ giống như một tam giác.
Tuy nhiên trong tam giác ấy, mỗi cạnh có những đòn thế riêng phù hợp với mọi không gian. Liên Phong có rất nhiều đòn thế của võ cổ truyền Việt Nam, kết hợp những đòn thế hay của các môn võ hiện đại.
Mở võ đường để thỏa niềm đam mê
Nói về võ thuật, Trí Nguyễn tâm sự: “Trước đây, bí mật hay bí kíp là điều thiết yếu mà mỗi võ sinh phải gìn giữ, nếu để người ngoài hay kẻ thù biết được, mình sẽ bị thủ tiêu.
Còn bây giờ, võ thuật chẳng có gì phải bí mật, khi mục đích của nó là hướng đến tính thể thao, tập luyện để rèn luyện thân thể, càng chia sẻ càng tốt.
Võ thuật phải nghiêng dần sang hướng võ đạo, nơi mà đạo đức, lối sống và nhân cách của người luyện võ quan trọng hơn việc thắng thua, sống còn”.
Xác định gắn bó với nghiệp võ nên Trí Nguyễn đã từ Mỹ về Việt Nam để mở võ đường Liên Phong tại TP.HCM.
Tại đây anh cùng với một số thành viên trong gia đình cũng dậy nhiều môn võ khác nhau trong đó nổi bật nhất là võ tổng hợp (MMA).
Lớp võ này còn có lớp huấn luyện “Võ Liên Phong cascadeur”.
Đây là khóa học dành cho những người cần rèn võ và các kỹ năng để tham gia vào các dự án phim hành động.
Khi được hỏi về việc phải đầu tư rất nhiều thời gian và công sức tại võ đường, Trí Nguyễn cho biết:
“Gia đình tôi mấy đời tập võ, nam phụ lão ấu gì cũng tập, nhưng càng về sau này, vì nhiều lý do khách quan, số người luyện võ ngày càng ít đi.
Tôi thì nguyện suốt đời theo võ đạo nên tự thấy việc mở võ đường là thiết yếu.
Võ đường không những giúp tôi và gia đình có nơi để gìn giữ thói quen tập luyện; giúp các môn sinh có thể học thêm môn phái mới và trao đổi võ thuật; giúp đoàn phim có nơi thực tập các pha đánh đấm…
Nó còn là nơi giúp các thế hệ sau ghi nhớ những công lao của những võ sư tiền bối…”
Johnny cũng cho biết, anh sẽ truyền lại “công phu gia truyền” đó là bài Liên phong quyền cho các học viên.
“Khi mở võ đường, tôi cũng sẽ truyền thụ hết các bài này, tất nhiên sẽ tiết chế bớt những đòn thế nguy hiểm, có thể đoạt mạng sống ngay tức khắc.
Dù tiết chế như vậy, phần còn lại của Liên phong quyền vẫn rất đắc địa, nên tùy cá tính và năng khiếu của từng môn sinh mà sẽ có cách chỉ dạy khác nhau”.
Bên cạnh việc truyền thụ võ nghệ, tìm kiếm tài năng, Johnny Trí Nguyễn còn dùng chính võ đường của mình để làm từ thiện, bằng cách tuyển rất nhiều trẻ em mồ côi và trẻ có hoàn cảnh khó khăn để giảng dạy miễn phí.
Clip võ thuật của Trí Nguyễn trên phim
Võ thuật với điện ảnh
Johnny Trí Nguyễn (tên thật là Nguyễn Chánh Minh Trí) từng được mời đóng stunt (người đóng thế thân) cho loạt phim truyền hình Mortal Kombat: Conquest và sau đó còn được mời đóng một vai nhỏ trong Martial Law, bước chân đầu tiên đến Hollywood.
Một thời gian sau, Trí Nguyễn tham gia đóng thế trong nhiều bộ phim, từ những vai nhỏ cho đến những vai lớn:
We Were Soldiers, Spider-Man (đóng thế cho Green Goblin), Ella Enchanted, Starship Troopers 2: Hero of the Federation, Spider-Man 2, Collateral, Color Blind, Serenity, Jarhead và The Perfect Sleep.
Cũng chính nhờ đó, tên tuổi của Trí bắt đầu được chú ý. Một người bạn Trí khi làm phim Tom Gum Yoong ở Thái Lan nghe đoàn phim này đang casting một nam diễn viên người Việt biết võ thuật để vào vai kẻ thù của Tony Jaa đã giới thiệu Trí.
Trí gửi băng demo sang, và anh được mời tham gia. Tom Gum Yoong là một phim hành động, vì thế đất diễn của Trí Nguyễn cũng chỉ là những pha đánh đấm ngoạn mục.
Trí ấp ủ có một vai diễn riêng cho mình, Trí tham gia với vai trò diễn viên chính và thực sự nổi danh nhờ các bộ phim võ thuật như Dòng máu anh hùng, Bẫy rồng, Bụi đời Chợ Lớn...
Ngoài ra, anh cũng có lối diễn xuất hài hước trong các phim hài Hồn Trương Ba, da hàng thịt; Nụ hôn thần chết và Cưới ngay kẻo lỡ…