Vì sao Wenger thường phải "cúi đầu" trước Mourinho?

Đơn giản là vì một người thích hướng các học trò của mình phát triển trực giác, còn người kia thì tập cho cầu thủ một thói quen.

Tất nhiên, tập thói quen đúng bao giờ cũng dễ hơn là tạo ra trực giác sắc bén.

1. Wenger thường nói rằng ông không thích ra lệnh cho các cầu thủ. Bài tập ưa thích của ông Wenger là chơi 5 chọi 5 không ngừng nghỉ: “Bài tập này bắt các cầu thủ phải ra quyết định liên tục” – HLV người Pháp nói với FourFourTwo. “Khi nhận bóng, bạn đối mặt với cả tá lựa chọn. Não bạn hoạt động như máy tính: Nó nhận ra rằng tình huống và sau đó dựa trên trực giác và kinh nghiệm, đi tìm câu trả lời đúng”.

Mục tiêu chính của ông Wenger là phát triển bản năng và khả năng tư duy độc lập cho các cầu thủ: Ông muốn họ phải suy nghĩ ra phương án xử lý tốt nhất và phù hợp với bản thân họ nhất. Đó là lý do giải thích tại sao các cầu thủ mới thường mất nhiều thời gian để hòa nhập với lối chơi của Arsenal, và cũng là nguyên nhân khiến những cầu thủ không có thói quen tư duy chiến thuật như Theo Walcott hay Gervinho mất vài năm vẫn không thể tỏa sáng đúng như tiềm năng của họ.

 

Ông Wenger là người định hướng cho các cầu thủ, chứ không phải là cầm tay chỉ việc cho họ. Bằng phương pháp ấy, ông đã từng tạo ra một thế hệ xuất sắc đã bất bại cả mùa 2003-2004, với những cầu thủ đã phát triển trực giác chơi bóng của họ lên đến đỉnh cao, phóng khoáng và tự nhiên. Bởi đó là lối chơi mà tự họ đã “giác ngộ” được. Wenger huấn luyện mà như… không huấn luyện: Ông không bảo họ phải chơi như thế nào, mà chỉ tạo ra một môi trường phù hợp cho họ tự khám phá và thúc đẩy năng lực bản thân.

2. Jose Mourinho phản pháo lại phương pháp của Wenger: “Đó là lời nói dối trắng trợn nhất trong bóng đá. Các cầu thủ không cần quá nhiều thời gian để kết dính với nhau”. Phương pháp huấn luyện của ông dựa trên lý thuyết được phát triển bởi Vitor Frade, một giáo sư tại Đại học Thể thao Porto, mang tên “phân kỳ chiến thuật”, được cho là cách nhanh nhất để phát huy khả năng của các cầu thủ.

Phương pháp này chia trạng thái của các cầu thủ thành 4 thời điểm khác nhau: 1) Tổ chức tấn công; 2) Tổ chức phòng ngự; 3) Chuyển từ tấn công sang phòng ngự; 4) Chuyển từ phòng ngự sang tấn công. Các cầu thủ sẽ phải trả lời 4 câu hỏi khác nhau để nhận biết tình trạng của mình:

-Chúng ta làm gì khi cầm bóng trước đội X?

-Chúng ta làm gì khi đội X có bóng?

-Chúng ta làm gì với bóng khi chuyển từ phòng ngự sang phản công X?

-Chúng ta phản ứng thế nào khi chuyển từ tấn công về phòng ngự trước X?

 

Khác với Wenger, Mourinho đề ra các bài tập phong phú hòng đặt các cầu thủ vào từng tình huống cụ thể và sau đó dạy họ cách phản ứng phù hợp. Một ví dụ điển hình là trận bán kết lượt đi Champions League trước Barcelona năm 2010: Mourinho chủ trương phòng ngự số đông, nhưng vẫn đề ra 5 tình huống phản công điển hình dựa trên điểm yếu của Barca. Kết quả? Inter Milan thắng 3-1, với 2 bàn từ phản công!

3. Phương pháp của Mourinho được xây dựng để khai thác các điểm yếu của đối phương, còn phương pháp Wenger là khai thác tối đa tiềm năng của mỗi cá nhân. Mourinho chỉ rõ cho các cầu thủ rằng họ phải chơi như thế nào, còn Wenger để các cầu thủ tự nhận ra rằng họ nên chơi như thế nào.

Mourinho chỉ ra con đường ngắn nhất đến chiến thắng, còn Wenger sẵn sàng để các cầu thủ rút kinh nghiệm từ những sai lầm để tìm ra lối đi của riêng họ, dù có phải trải qua một hành trình dài đến chiến thắng.

Đêm nay, có thể là Wenger sẽ tiếp tục thua, nhưng như đã nói, các cầu thủ Arsenal sẽ luôn được là chính họ. Chơi như họ muốn, dù chiến thắng, hay chiến bại.

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại