Sau SEA Games 28, làng điền kinh Việt Nam đón tỷ phú đầu tiên, Nguyễn Thị Huyền. Trong năm 2015, cô đoạt 3 HCV SEA Games, 2 HCV Grand Prix châu Á và nhận số tiền thưởng kỉ lục ở bộ môn của mình.
Tính đến thời điểm ấy, tổng số danh hiệu Huyền đã đạt được là 27 HCV, 3 HCB, 1 HCĐ, vô cùng ấn tượng.
Thế nhưng ngay cả khi ở đỉnh cao sự nghiệp, Nguyễn Thị Huyền cũng chưa bao giờ thôi ám ảnh về một cái kết cho cuộc đời VĐV thể thao đỉnh cao. Khi đọc câu chuyện về đàn chị Nguyễn Thị Nụ, ám ảnh ấy lại hiện về.
“Bản thân em ngày trước rất lo, mơ hồ cho tương lai. Từ khi bắt đầu tập, em đã cống hiến rất nhiều, từ giải ĐNÁ, giải trẻ ĐNÁ, giải trẻ thế giới. Em đã đi rất nhiều mà vẫn chưa được vào biên chế. Phải đến SEA Games 28 vừa rồi mới là bước ngoặt cuộc đời của em...”
Trải qua rất nhiều khó khăn, Nguyễn Thị Huyền mới đạt được ngày hôm nay, trở thành tỷ phú đầu tiên của làng điền kinh Việt Nam nhờ tiền thưởng.
Gia cảnh khó khăn với một mẹ già và một người chị bị bệnh hiểm nghèo, Nguyễn Thị Huyền không chiến đấu cho riêng mình mà còn vì cả gia đình. Áp lực mưu sinh càng khiến cô gái vàng của thể thao Việt Nam suy nghĩ về tương lai.
“Em đã rất băn khoăn về vấn đề biên chế. Bởi gia đình khó khăn nên em hay lo xa. Em còn lo lỡ khi mình tập luyện bị chấn thương thì sẽ như thế nào?” – Huyền tiếp.
Sau khi đoạt những vinh quang ở SEA Games 28, Nguyễn Thị Huyền từng có chia sẻ khiến không ít người cảm thấy xúc động.
“Đi thi đấu có lương thưởng, nhìn bạn bè sắm sửa quần áo, điện thoại, xe cộ em cũng rất muốn. Nhưng em hiểu em đang đứng ở đâu.
Em không chỉ sống cho mình em mà còn cả chị, cả mẹ em nữa. Số tiền thưởng đó em chỉ tiêu một chút, còn đâu sẽ gửi về để mẹ trang trải cuộc sống”.
Ý thức vun vén cho gia đình, Nguyễn Thị Huyền cũng phải chắt bóp, tiết kiệm 1 khoản tiền cho chính mình để không gặp phải tương lai u ám sau khi giải nghệ hoặc lỡ dính chấn thương.
“Em có tiết kiệm 1 khoản tiền để lỡ khi tập luyện dính chấn thương thì còn lo được chứ gia đình không thể nuôi mình, không ai có thể nuôi mình cả.
Em cũng tích góp tiền để sau này đi học nữa. Phải đi học để lo cho tương lai vì với VĐV, ai cũng nói nếu không nỗ lực cố gắng sau này sẽ là 2 bàn tay trắng, không có gì, không ai lo lắng cho sau khi giải nghệ”.
Cho đến lúc này, mẹ Huyền ở Nam Định vẫn phải ra ruộng làm đồng áng để mưu sinh. Là VĐV danh tiếng nhưng những khi nghỉ về nhà, Huyền vẫn sẵn sàng lao vào giúp đỡ mẹ.
Hiện, song song với việc tập luyện đỉnh cao Nguyễn Thị Huyền cũng đang theo học Đại học Thể dục Thể thao, hòng trở thành một HLV trong tương lai.
Vốn xuất thân từ con nhà nông, hoàn cảnh cực kì khó khăn, nên Huyền càng trân trọng những cơ hội đang đến với mình. cô cũng rất cảm thông, chia sẻ với những VĐV khó khăn.
“Không riêng môn điền kinh mà các môn khác, có rất nhiều VĐV sau khi cống hiến cho tổ quốc rồi về thì gặp nhiều khó khăn.
Bản thân em từng trải qua thời gian khó khăn rồi nên cũng rất muốn đóng góp, chung tay để giúp đỡ, mỗi cá nhân đóng góp vào chung 1 quỹ, hỗ trợ những người VĐV khó khăn.
Em hiểu VĐV tập luyện vất vả như thế nào nhưng xong rồi cũng trở về con số 0. Rất nhiều VĐV chứ không riêng chị Nụ cống hiến rồi 2 bàn tay trắng, về làm ruộng, hay bán này, bán kia rất vất vả”.
Cuộc đời VĐV thể thao đỉnh cao ở Việt Nam rất "bạc" khi dễ dàng về cảnh trắng tay khi giải nghệ.
Ở hai thế hệ VĐV khác nhau, Nguyễn Thị Huyền không quen thân Nguyễn Thị Nụ mà 2 chị em chỉ đôi lần gặp gỡ. Nhưng nữ VĐV gốc Nam Định vẫn dành tình cảm và những lời chúc tốt đẹp đến đàn chị.
“Chúc chị sẽ có nhiều người chung tay giúp đỡ để vượt qua khó khăn hiện tại, giúp chị vượt qua chấn thương, sức khỏe chị nhanh bình phục để lo lắng về các vấn đề khác”.
Nguyễn Thị Huyền giành HCV SEA Games