Vàng Ta nó khác vàng Tây

Đối thoại với ông chủ quán cà phê tuần này là một nhà nghiên cứu về bóng Vàng của bóng đá thế giới. Ông có nhiều phát hiện thú vị.

Ông chủ quán: Tại sao ông lại nghiên cứu về bóng Vàng?

Nhà nghiên cứu bóng Vàng: Bóng Vàng bao giờ cũng là thứ gây tranh cãi nhất do nhiều khi nó giống như thày bói xem voi và chỉ có những người bầu chọn thiếu nghiêm túc mới không ra sức bảo vệ quan điểm của mình.

Cái gì là hay nhất từ những cuộc bầu chọn quả bóng Vàng này?

Tôi thấy các nhà báo nhiều khi ăn mừng việc mình bỏ phiếu chính xác còn tưng bừng hơn cả người đoạt giải. Họ hiếm khi dự đoán trúng kết quả một trận đấu, nên đây là cơ hội hiêm hoi để khoe khoang.

Ở các nước cũng đều thế cả hay chỉ một vài nơi?

Không phải tất cả. Vì không phải nền bóng đá nào cũng có cuộc bầu chọn Quả bóng Vàng. Hoặc có thì lại ở một tính chất khác.

Là nước nào thế nhà nghiên cứu?

Lý thú lắm. Cường quốc bóng đá như Brazil không có danh hiệu cầu thủ xuất sắc nhất. Chỉ có phần thưởng cho cầu thủ xuất sắc nhất chơi ở giải vô địch quốc gia nước này.

Nên Tevez, người Argentina, từng đoạt giải khi khoác áo Corinthians. Có một giải thưởng nữa là Samba Gold dành cho các cầu thủ Brazil ở nước ngoài, nhưng nó là sản phẩm giàu tính thương mại hơn là chuyên môn.

Ở Anh có danh hiệu Cầu thủ xuất sắc nhất năm thì do các cổ động viên bình chọn. Đức cũng làm theo cách này.

Pháp thì tạp chí France Football sau khi bị “thôn tính” vào cùng giải của FIFA thì họ hiện chỉ còn bình chọn cầu thủ người Pháp xuất sắc nhất.

Năm vừa rồi, danh hiệu đó được trao cho Karim Benzama. Anh có biết người ta trao giải cho Benzama thế nào không?

Họ đưa cái giải đó cho ông HLV Real Madrid là Carlo Ancelloti rồi hai người đưa nhau lên khán đài trống trơn, chụp vài tấm hình là xong.

Argentina lại tách giải thưởng ra làm hai, cầu thủ chơi ở giải quốc nội xuất sắc nhất và cầu thủ đang chơi ở nước ngoài xuất sắc nhất.

Lý do đằng sau của xu thế nói trên là gì?

Trình độ và tham vọng phát triển quyết định. Họ đề cao sự cạnh tranh ở phạm vi quốc tế nhiều hơn là trong nước.

Anh cứ thử tưởng tượng xem, một cầu thủ cỡ như Neymar thì việc được tôn vinh ở trong nước thì phỏng có danh giá gì không khi cậu ta hướng tới việc cạnh tranh với Ronaldo, Messi ở danh hiệu Quả bóng Vàng do FIFA và France Football bình chọn.

Ở Đức, thủ môn Neuer dù chỉ được tôn vinh ở vị trí thứ ba của Quả bóng Vàng FIFA 2014 nhưng vẫn danh tiếng hơn so với Toni Kroos, người được các cổ động viên Đức bầu Xuất sắc nhất năm của bóng đá Đức.

Rồi Rooney cũng thế, anh ta sẽ không thể vươn lên đẳng cấp cao hơn nữa nếu chỉ đoạt danh hiệu Cầu thủ Anh xuất sắc nhất do cổ động viên bình chọn mà không thể một lần được tôn vinh ở tầm thế giới.

Vậy phải hiểu Quả bóng Vàng Việt Nam thế nào?

Nó vẫn là giải thưởng quan trọng cho tới khi nào bóng đá Việt Nam phát triển hơn.

Còn một khi tất cả đều coi đó là đỉnh cao của vinh quang cá nhân của một cầu thủ Việt tức là chúng ta chậm phát triển. Chậm phát triển trong thời đại này tức là thụt lùi.

BĐVN cũng có những cầu thủ đoạt danh hiệu cá nhân ở các giải thưởng quốc tế rồi, anh quên những cái đó sao?

Tất nhiên. Thủ môn Kiều Trinh cách nay hai năm đoạt giải Cầu thủ nữ xuất sắc nhất Đông Nam Á. Tiền vệ tài hoa một thời Hồng Sơn của Thể Công từng được bầu là xuất sắc nhất tháng 8 năm 1998 của bóng đá châu Á.

Và Vũ Như Thành được đề cử trong danh sách hơn 40 cầu thủ xuất sắc nhất châu Á năm 2008. Những thành tựu cá nhân đó nó cũng phản ánh đồng thời về thành tựu của cả nền bóng đá trên đấu trường khu vực hay quốc tế.

Còn nếu chỉ có bóng Vàng Việt Nam với nhau, nhiều người dễ tưởng bóng đá ta vẫn đang phát triển mạnh mẽ.

Nhưng như thế là dân bóng đá có vẻ khiêm tốn hơn so với mặt bằng xã hội. Họ từng được ghi nhận mà âm thầm hơn so với nhiều lĩnh vực ngành nghề khác.

Chúng ta phải nhất Đông Dương, nhất Đông Nam Á, nhất châu Á, rồi thế giới, trong khi những cuộc chạy đua này không phản ánh đúng thực chất phát triển và dễ lãng phí. Và có nhiều danh hiệu được cho là tự phong.

Ông chủ quán nói cũng đúng. Chúng ta vừa mới khánh thành tượng đài lớn nhất Đông Nam Á ở Quảng Nam. Chúng ta có tượng phật bằng đồng lớn nhất Đông Nam Á ở Nam Định.

Chúng ta đang chuẩn bị xây tháp truyền hình cao nhất thế giới ở Hà Nội. Chúng ta đã xây nhà máy bia Tiệp lớn nhất châu Á, rồi đủ các loại bánh chưng, bánh tét, tô hủ tiếu… dài và lớn nhất thế giới nữa.

Tại sao chúng ta chưa có trường đại học, bệnh viện, trại dưỡng lão, các trung tâm nghiên cứu khoa học, các công viên giải trí, các thư viện lớn nhất Đông Nam Á?

Chúng ta nên quay trở về chủ đề bóng đá. Tôi không muốn lạc đề.

Anh có biết những tiêu chuẩn nào quan trọng nhất để bầu chọn được các cầu thủ xuất sắc Việt Nam không?

Chắc chắn không phải ở đóng góp vào thành tích của CLB. Vì CLB vô địch V-League 2004 không có cầu thủ nào vào danh sách rút gọn ba người cuối cùng.

Hà Nội T&T là á quân năm ngoái, nhưng Thành Lương, người được coi ứng viên sáng giá của Quả bóng Vàng 2014, lại không có ảnh hưởng lớn ở đây.

Việc xem nhẹ thành tích CLB đã có truyền thống, thế nên thủ môn Hồng Sơn năm 2008 khi đang cùng HN T&T chơi ở giải hạng Nhất vẫn giành Quả bóng Vàng.

Còn thành tích cá nhân cũng không hẳn vì hiếm khi chúng ta thấy Vua phá lưới lại là người giành Quả bóng Vàng, từ Quang Hải cho tới Đình Tùng, những chân sút nội có nhiều bàn thắng nhất V-League ở một số mùa cụ thể.

Nếu Văn Quyết, Công Vinh lần này không được Quả bóng Vàng thì điều đó càng đúng bởi Quyết có 11 bàn chỉ riêng ở V-League, còn Vinh có 9 bàn ở V-League và 4 bàn cho đội tuyển ở AFF Cup.

Nhiều khi tiêu chí quan trọng lại là đạo đức, như năm 2007, người ta băn khoăn ai sẽ thắng thì Tài Em lại trúng với giải thích là anh là người đứng ra tố cáo tiêu cực trong đội tuyển.

Còn năm nay, hình ảnh Thành Lương chăm sóc các fans Việt Nam bị hooligan Mã tấn công đang được ca ngợi.

Thế thì tôi và anh cùng chờ xem rồi lại đúc dịp khác nhé.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại