Ẩn ý sau việc "cấm" Tuấn Anh ghi bàn của Yokohama FC

Đoàn Dự |

HLV của Yokohama FC đang muốn Tuấn Anh tập trung tối đa vào việc kiến tạo cho đồng đội ghi bàn, hơn là tự mình lập công dù tài năng HAGL rất giỏi việc này.

Những ai theo dõi trận U23 Việt Nam 2-3 U23 UAE đều biết, Tuấn Anh không chỉ giỏi kiến thiết, tổ chức trận đấu mà còn có khả năng săn bàn đáng sợ như thế nào.

Giữa vòng vây của 4, 5 cầu thủ đối phương, “Pirlo Việt Nam” vẫn có thể bình tĩnh xử lý bóng ở tốc độ cao rồi dứt điểm khiến thủ môn đối phương “bó tay”.

U23 Việt Nam có thể bị loại sớm khỏi giải đấu ở Qatar, nhưng pha lập công của Tuấn Anh sẽ còn đọng lại lâu trong trí nhớ NHM túc cầu trẻ.

Vậy thì vì sao HLV Yokohama FC lại bỗng dưng “cấm” Tuấn Anh ghi bàn? Liệu có phải vị chiến lược gia này đang muốn mưu tính điều gì sâu xa?

Tuấn Anh được khuyến khích chuyền bóng kiến tạo cho đồng đội thay vì tự mình ghi bàn.

HLV Wenger từng nhận xét Tuấn Anh là viên ngọc thô quý hiếm của châu Á. Giáo sư đánh giá cao tiền vệ này hơn hẳn Công Phượng hay Xuân Trường.

Thực ra, câu trả lời vốn dĩ cũng đầy rẫy trong đời sống bóng đá hàng ngày, ở cả Việt Nam lẫn quốc tế.

Còn nhớ Công Phượng từng có hồi bị kéo về đá lùi khá sâu tại chính HAGL, chứ không chơi cao nhất trên hàng tấn công để ghi bàn.

Khi đó, HLV Graechen cũng công khai chia sẻ mục đích là để Công Phượng tự học cách kiềm chế bản thân, tránh sa đà vào những pha ham bóng quá mức khi tấn công.

Hạn chế khả năng ghi bàn của Công Phượng là hạn chế sức mạnh tấn công của cả HAGL, nhưng bù lại điều đó mang đến nhiều tác dụng tích cực khác.

Như ở VL U23 châu Á, ông Miura cũng không cho Công Phượng là cầu thủ chỉ đảm nhiệm vị trí sở trường tấn công như trung phong, mà còn phải ưu tiên kiến tạo cho đồng đội.

Kết quả trước U23 Malaysia, Công Phượng kiến tạo 1 bàn thắng cho Huy Toàn, rồi tự mình lập công để chiến thắng 2-1.

U23 Malaysia 1-2 U23 Việt Nam

Bản thân Công Vinh khi sang Nhật thi đấu cho CLB Sapporo cũng từng bị “cấm” săn cơ hội ghi bàn, mà đá dạt cánh phải, chỉ phụ trách việc chuyền bóng bổng vào trong.

Dù không cao lớn nhưng ai cũng biết với sự tinh tế, nhanh nhạy của mình, Vinh lợi hại thế nào trong vùng cấm địa đối phương.

Nhưng khi CV9 khá cao tuổi và bước vào môi trường bóng đá J-League 2 đầy khoa học, Sapporo muốn có sự chuyên môn quá rõ ràng. Hệ quả là Công Vinh bị đẩy ra đá biên, bị yêu cầu hạn chế "săn" bàn để tập trung vào một nhiệm vụ chuyền và chuyền.

Một khi Công Vinh đã làm tốt điều đó, anh lại được quyền thi đấu thoải mái hơn và cũng đã ghi 2 bàn sau 9 trận cho CLB J-League 2.

Trở lại trường hợp của Tuấn Anh, khả năng lớn là HLV của Yokohama FC cũng chỉ “cấm” tiền vệ này tìm kiếm bàn thắng cho riêng mình trong 1 khoảng thời gian nhất định, để tập trung toàn bộ tâm trí, sức lực hoàn thiện khả năng kiến tạo cũng như phòng ngự.

Khi đã làm tốt hơn 2 nhiệm vụ này, Tuấn Anh sẽ được thả lỏng trong thi đấu. Với 1 ngôi sao mà ghi bàn đã trở thành bản năng, sự kìm hãm chỉ khiến nó trở nên sắc lạnh và khó lường hơn mà thôi!

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại