Thắng và tạo ra tranh luận
Về kết quả trận đấu, HLV Miura đã hoàn thành chỉ tiêu là có 3 điểm. Đối với một HLV làm việc theo hợp đồng ngắn hạn (2 năm) như ông Miura thì tiêu chí chiến thắng luôn đặt lên hàng đầu vì nó đảm bảo vững chắc chiếc ghế của ông đang ngồi.
Ở khía cạnh này, không ai chê trách được HLV Miura bởi ông đã làm tốt công việc của mình.
Tuy nhiên, sau trận thắng U.23 Malaysia đã đặt ra một vấn đề khá thiết thực: với lối chơi mà HLV Miura đang áp dụng thì có đưa đội tuyển U.23 VN có tiến xa được hay không?
Đối với những người có kinh nghiệm làm nghề như HLV Vương Tiến Dũng, cựu trung vệ Nguyễn Mạnh Dũng, cựu cầu thủ Vũ Mạnh Hải… đều tỏ ra dè dặt vì điều khiến họ đặt niềm tin là bản sắc của một đội bóng, lối chơi phù hợp cho một đội bóng thì U.23 VN vẫn chưa thấy.
Đối với người hâm mộ lại chia ra hai trường phái là một bên chỉ cần thành tích, tức thắng là đủ và một bên vẫn trông chờ vào màn trình diễn có hồn, có nét của tuyển U.23 VN.
Dù ý kiến khác nhau như thế nào song tất cả các bên đều khá thống nhất nhau ở điểm U.23 VN chỉ mới thỏa mãn về mặt tỷ số (chiến thắng) chứ chưa thỏa mãn về mặt thị giác (lối chơi).
Khi đặt ra chuyện lối chơi của tuyển U.23 VN có nghĩa ai cũng ngầm hiểu rằng với cách đá hiện tại mà HLV Miura đang áp dụng (nhồi bóng dài) thì rất khó để U.23 VN có thể thắng được các đối thủ Thái Lan, Myanmar, Indonesia và chính Malaysia ở sân chơi SEA Games 28 sắp tới.
Nếu chấp nhận lối đá mà HLV Miura đang áp dụng và coi đây là miếng đánh sở trường của tuyển U.23 VN (và ĐTVN nữa) thì phải khẳng định rằng lối đá này sẽ không thể vượt qua được đỉnh cao của HLV Calisto trong giai đoạn 2008-2009.
Không vượt qua được vì lối đá “phòng thủ chặt tấn công nhanh” của HLV Calisto đặc sắc, hiệu quả hơn rất nhiều so với kiểu đá nhồi bóng dài hiện tại của HLV Miura.
Bên cạnh đó, chất lượng cầu thủ mà HLV Miura đang có hiện tại không thể bằng những gì HLV Calisto hay trước đó HLV Reidl từng sở hữu.
HLV Calisto đã vươn lên đỉnh cao với BĐVN bằng chức vô địch AFF Cup 2008 và HCB SEA Games 2009. HLV Miura có vượt được vị tiền nhiệm người Bồ Đào Nha?
Đâu rồi mô hình "Nhật hóa" bóng đá VN?
Quay ngược trở lại thời gian cùng thời điểm này năm ngoái, câu hỏi đặt ra khi đó là: Tại sao VFF lại thuê HLV người Nhật Bản mà không phải là HLV đến từ châu Âu hay Brazil như trước?
Lúc đó, các quan chức VFF như chủ tịch Lê Hùng Dũng đều trả lời rằng vì mô hình và lối chơi mà của bóng đá Nhật phù hợp với bóng đá Việt Nam.
Sự phù hợp đó nằm ở chỗ bóng đá Nhật Bản lựa chọn lối chơi kỹ thuật theo trường phái của Brazil để xây dựng nên bản sắc cho xứ sở Mặt trời mọc và đấy chính là điều mà Việt Nam cần học hỏi.
Điều đó có nghĩa khi chọn HLV Miura làm HLV trưởng ĐTQG và U.23 VN thì trong tâm tưởng của hầu hết chúng ta đều hướng đến điều mong muốn là bóng đá VN cũng học Nhật Bản về cách thức xây dựng lối chơi để phát huy điểm mạnh về sự nhanh nhẹn, khéo léo nhưng kém về thể hình của cầu thủ Việt Nam.
Ở SEA Games 28 vào tháng 6, nhiều khả năng U.23 VN sẽ gặp lại U.23 Malaysia và lúc đó sẽ là một câu chuyện khác
Lứa cầu thủ Học viện JMG xuất hiện và nhận được ủng hộ cuồng nhiệt của khán giả, CĐV không phải vì họ là đội bóng bách chiến bách thắng mà người hâm mộ thấy ở đội bóng trẻ này một lối đá mà họ cảm thấy phù hợp, đầy triển vọng với người Việt.
Tức là người ta thấy ở đó một lối ra cho tương lai.
Trong khi đó với những gì mà HLV Miura đang áp dụng ở tuyển U.23 VN hiện tại, rõ ràng đã không giống với những gì mà đa số CĐV hình dung về một phong cách kỹ thuật “Nhật Bản hóa” sẽ xuất hiện.
Mà ngược lại chỉ là một lối đá xa lạ, rất khó để tiêu hóa dù là tiêu hóa một... chiến thắng.
Câu hỏi mở một lần nữa đặt ra: Theo bạn, với lối chơi hiện tại mà HLV Miura đang áp dụng thực sự có phù hợp với bóng đá VN?