U19 Việt Nam và bài học làm bóng đá trẻ

Hữu Quý |

Người ta dám nghĩ, dám làm và dám vượt qua những nỗi sợ hãi cố hữu của người lớn. Bóng đá ta muốn phát triển, dứt khoát phải cần những người trẻ, đặc biệt tư duy là bóng đá tươi tắn, thánh thiện hơn.

Nỗi niềm hai lứa U19 QG

Trước trận đấu với U19 Singapore, tôi hỏi HLV Hoàng Anh Tuấn rằng vào lúc này việc nào ông ưu tiên nhất cho các học trò?

Ông Tuấn trả lời rất nhanh rằng không phải là chuyên môn mà là vấn đề tư tưởng. Bóng đá Việt Nam đến lúc phải quyết liệt cách mạng khâu này.

Nếu tư tưởng các cầu thủ chúng ta tốt, giờ nền bóng đá đã không ra nông nỗi này. BHL dành nhiều thời gian để giúp các em phải có tư tưởng thuần khiết nhất. Tư tưởng mới là chìa khóa thành công.

Và rồi, ông Tuấn kể BHL đã phân tích cho các cầu thủ phải biết cách vượt qua cái bóng U19 lứa Công Phượng.

Đá đẹp là cần thiết, nhưng hiệu quả mới là tối quan trọng nên cần phải hài hòa, đừng quên ưu tiên việc đánh chiếm kết quả.

Có ai đó bảo: Bàn thắng đẹp là bàn thắng bóng… lăn vào lưới!

Có thể hiểu nỗi niềm của ông Tuấn và các cầu thủ trẻ, cũng như nhiều HLV khác, bi kịch giữa bóng đá đẹp và hiệu quả, luôn dày vò trong quá trình làm nghề. Nhưng hôm qua, U19 đá đẹp đấy chứ, các bàn thắng cũng khá chuẩn mực!

Cả hai lứa U19 QG đều đáng quý. Họ trải qua trong một môi trường đào tạo lẫn thời thế khác hơn. Một cầu thủ tốt, một lứa cầu thủ tốt, mọt cách làm tốt, có tác động tích cực trên diện rộng.

Chúng ta cảm nhận rất rõ Công Phượng và quân bầu Đức đã lan tỏa, tác động không nhỏ đến các cầu thủ địa phương khác ở U19 và U23 QG, về mặt cảm hứng, tư tưởng, ý thức chơi bóng.

Cho đến khi bê bết, cầu thủ HAGL vẫn không “làm càn”, vẫn khó để các thế lực “chích” được, đấy kết quả của một nền tảng đào tạo tư tưởng tốt.

Bóng đá Việt phải làm lại từ bóng đá trẻ một cách tử tế, nhất là tư tưởng.

Bài học HAGL xới tung cả nền bóng đá để tuyển nhân tài, Công Phượng không “có cửa” ở lò SLNA, nói lên một điều nếu các nhà tuyển trạch có tâm, dứt khoát tài năng không thiếu.

Nói đến U19 hiện nay, kể cũng tội nghiệp khi sự quan tâm, đầu tư khác hẳn lứa Công Phượng. Nếu thầy trò Hoàng Anh Tuấn vào chung kết, chắc lãnh đạo VFF cùng truyền thông lại “ùn ùn” kéo sang Lào?

Trẻ người chưa hẳn non dạ

HLV Trần Bình Sự bảo rằng hết mùa này sẽ treo sa bàn nghỉ cuộc chơi ở tuổi 68. Đấy là quyết định nên làm, bởi ai cũng không thể cưỡng lại được thời gian.

Thế hệ ông Sự “gỗ”, hầu hết đều đã chia tay với nghề. Không ai quên sự nghiệp của ông Sự, cũng như những giai thoại có tốt lẫn xấu bên lề sân cỏ của ông, của một thời bóng đá Việt Nam rất buồn cười như câu vè:

“Ke như Phán (Quảng Nam- Đà Nẵng), láng như Thì (Nghĩa Bình), lì như Lộc (Phú Khánh), cộc như Tám Đông (Tiền Giang), long đong như Tư Minh (Sông Bé)".

Cái cách ông Sự nhận xét HAGL thay tướng để tăng quan hệ, hoặc tự ông bỏ tiền túi 100 triệu treo thưởng học trò không phải là những động thái tích cực!

Ai cũng phải thừa nhận bóng đá chuyên nghiệp giờ khác xa thế hệ trước. Tư duy của HLV thế hệ trẻ cũng khác rất nhiều.

Họ phải học nhiều, trình độ cao, không thể theo chủ nghĩa kinh nghiệm, tư duy xơ cứng. Đấy là sự khác biệt rõ nhất.

Thực tế, nhiều HLV không cần qua nhiều kinh nghiệm với nghề vẫn có thể thích nghi nhanh, như Phan Thanh Hùng, Huỳnh Đức, Hữu Thắng, mới đây là Trương Việt Hoàng, Nguyễn Đức Thắng, Hoàng Thanh Tùng, Nguyễn Quốc Tuấn…

Thế nhưng cũng thấy lạ khi những HLV có năng lực như Hoàng Anh Tuấn, Nguyễn Hữu Thắng lại đang thất nghiệp ở môi trường CLB.

Những tài năng trẻ thường không biết tự bảo vệ. Thậm chí, như lứa Công Phượng, người ta tung hô đó rồi không biết dìm xuống bùn lúc nào!

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại