U19 Việt Nam: Đừng ảo tưởng với chỉ một chiến thắng

U19 Việt Nam cần sự bình thản. Để không bị những lời tụng ca làm cho kiêu ngạo, đứng vững khi thất bại, để luôn là chính mình mà tiến bước.

Cuộc chiến của Công Phượng

Gọi là cuộc chiến có lẽ không phải quá lời, dù tất cả đều đang rất vui với bàn thắng của Công Phượng vào lưới U19 Australia, một pha lập công bùng nổ ở đẳng cấp Thế giới. Một bàn thắng cho thấy rất nhiều điều để lạc quan về em: Sự táo bạo, nhanh nhẹn, quyết đoán, và cái tôi của một ngôi sao có thể làm nổ tung cầu trường, cộng với kỹ thuật tuyệt vời để biến ý tưởng của mình thành hiện thực.

Nhưng cuộc chiến với những điều gì ư? Công Phượng hẳn là rất hạnh phúc với bàn thắng ấy, nhưng những gì diễn ra sau đó mới quan trọng. Pha lập công ấy mang lại cho Phượng rất nhiều điều, nhưng cũng sẽ bắt em phải một mình đối diện với rất nhiều rắc rối: Những lời khen chê, tâng bốc, và cả “dìm hàng” vô lý; những thị phi ác ý, và cả những cám dỗ.

Một lời bình luận so sánh em với Lionel Messi Diego Maradona trên truyền hình cũng có thể biến em thành “nạn nhân” bị động của những phán xét. Một lời chê bai cay nghiệt vô lối, nếu em đọc được, cũng có thể là một tổn thương, dù nhỏ thôi. Bóng đá không chỉ là cuộc chơi của 90 phút, và khi bước ra khỏi sân, khi “chia tay” các hậu vệ, sẽ có vô khối thứ khác muốn làm em mất thăng bằng, và thậm chí là gục ngã.

Công Phượng hẳn là rất hạnh phúc với bàn thắng ấy, nhưng những gì diễn ra sau đó mới quan trọng

Công Phượng hẳn là rất hạnh phúc với bàn thắng ấy, nhưng những gì diễn ra sau đó mới quan trọng

Vết xe đổ của những thần đồng bóng đá Việt Nam

Con đường từ một thần đồng đến siêu sao còn rất dài. 19 năm trước, tiền đạo 21 tuổi Trần Minh Chiến tỏa sáng rực rỡ với một bàn thắng để đời vào lưới Myanmar ở bán kết SEA Games 18, một cú vô lê với đầu gối quấn băng vì chấn thương dây chằng.

Từ năm 19 tuổi, anh đã là Vua phá lưới kiêm Cầu thủ trẻ xuất sắc nhất giải VĐQG. Nhưng rồi Minh Chiến phải từ giã sân cỏ ở tuổi 22 vì chấn thương, dù được đưa sang Đức điều trị và trải qua 4 lần mổ gối. Bóng đá rất khắc nghiệt, như chính lời của anh năm 2011: “Trời đã phụ tôi...”

Phạm Văn Quyến, một thần đồng thực sự của bóng đá Việt Nam, cũng có không ít khoảnh khắc để đời, từ màn trình diễn chói sáng giúp U16 Việt Nam đứng thứ tư chung cuộc ở VCK U16 châu Á, pha lập công vào lưới đội tuyển Hàn Quốc trong khuôn khổ vòng loại châu Á năm 2004, cho đến giải đấu để đời SEA Games 22.

Nhưng Quyến không tránh khỏi cám dỗ: Sự nghiệp của anh coi như khép lại sau án tù vì “đại án” ở SEA Games 23. Anh vừa giải nghệ, khi chỉ mới 30 tuổi.

Phan Thanh Bình giành được một suất đá chính ở SEA Games 23 khi mới 17 tuổi, nhưng giờ thì người ta biết đến anh với tư cách là một người đàn ông mẫu mực của gia đình hơn là một ngôi sao bóng đá. Bình cũng mới 28 tuổi, độ tuổi đáng ra phải là “chín” nhất trong sự nghiệp.

Bóng đá Việt Nam nói riêng và xã hội Việt Nam nói chung không phải là môi trường tốt cho những cầu thủ trẻ, và đặc biệt là những “thần đồng”. Một môi trường thiếu chuyên nghiệp, không có định hướng và giáo dục tốt, không hỗ trợ, chăm sóc và tạo cho cầu thủ hành trang nào khác ngoài chuyện bóng banh.

Với bóng đá hiện đại, ngay cả một thiên tài cũng cần những kỹ năng sống, cần phải học làm người. Cần phải biết cái gì đúng sai, đủ bản lĩnh để nói không với ma quỷ thay vì đi theo “đàn anh”. Cần phải biết bảo vệ mình và nghĩ đến cái chân của đồng nghiệp trên sân. Cần cả sự chuyên nghiệp để có thể trở thành một ngôi sao, và giữ cho ngôi sao ấy tỏa sáng lâu dài. Cần cả may mắn, để không phải chấm dứt sự nghiệp trong dang dở.

Công Phượng mới 19 tuổi, và mong rằng em đã đủ hành trang để bước vào hành trình đầy lo lắng của những cầu thủ mà tài năng phát lộ từ khi còn rất trẻ còn bóng đá Việt Nam. Và mong em hãy giữ được sự bình thản trước mọi thị phi để luôn là chính mình. Những lời tâng bốc quá đáng không làm tăng giá trị của em, thì những lời chê bai vô lối cũng không thể dìm em xuống bùn, một khi không may thất bại xảy đến.

Cuộc chiến của U19 Việt Nam

Đội U19 Việt Nam nổi lên từ giải U19 Đông Nam Á năm ngoái, non trẻ và đầy ngỡ ngàng. Từ đó đến nay, Công Phượng và các đồng đội đã đi qua đủ mọi cung bậc cảm xúc, đã chiến thắng tưng bừng và cũng thảm bại đến tủi nhục, đã đương đầu với sự nhấm nhẳng và trở mặt của dư luận, đã đón nhận đủ khen chê và thị phi.

Cho đến giờ, điều đáng mừng là tất cả đều giữ được sự bình tâm cần thiết. Không có ai phản ứng với những thị phi, không ai lớn tiếng về những mục tiêu sắp tới, tất cả những gì các em làm chỉ là đá bóng. Trận đấu vừa qua cũng thế: Đã có những khoảnh khắc rất thất vọng, như cú dứt điểm vụng về của Công Phượng khi đối mặt thủ môn đối phương, như những lúc hàng thủ rối loạn chỉ sau vài quả đá phạt góc và những đợt tấn công đơn giản của U19 Úc.

Không ai biết khoảnh khắc đẹp nhất sắp đến, nhưng nó đã đến, trong một phút xuất thần, nhưng trước phút xuất thần ấy là những giây phút bền bỉ, chịu đựng. Sự gan lì ấy còn đẹp hơn cả bàn thắng rất đẳng cấp của Công Phượng, bởi nó là nền tảng của sự lao động trong bình thản.

Có lẽ đó là chiến thắng lớn nhất của đội bóng này trong một năm qua, khi những ồn ào đã cuốn họ đi, khi phút giây chiến thắng đã thử thách xem họ có kiêu ngạo không và những lúc thảm bại đã giải đáp băn khoăn xem họ mạnh mẽ đến mức nào. Sự trưởng thành về tâm lý ấy là điều tuyệt vời nhất.

Cuộc chiến ấy còn cả một chặng đường dài phía trước, còn chông gai và đầy thử thách hơn những gì diễn ra một năm qua. Chúng ta có lẽ nên theo dõi họ lớn lên với sự bình thản học được từ chính những cầu thủ trẻ này.

Một pha bóng xuất thần, dù là pha bóng mà phải qua nhiều thế hệ cầu thủ Việt chúng ta mới được chứng kiến, không biến Phượng thành Messi hay Maradona ngay lập tức, và một trận đấu không tốt của cả tập thể này không có nghĩa là họ không thể tiến bộ. Chính họ mới hiểu rõ hơn ai hết giá trị thực sự của hành trình đã qua, và điều đáng mừng nhất là họ đã không “chết yểu” trong một năm sôi động và đầy giông bão vừa qua.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại