Truyền nhân tuyệt kỹ Quyền ba chân hổ khét tiếng giang hồ
Võ sư Hà Trọng Sơn (1920 - 2010) được giới võ học Bình Định biết đến với tư cách là truyền nhân của Quyền ba chân hổ, một tuyệt kỹ võ thuật cổ truyền, bí hiểm gần như thất truyền trước đó.
Đây là một loại võ công hoàn toàn bắt nguồn từ Việt Nam và đặc biệt lợi hại với tính sát thương vô cùng lớn và đòi hỏi sự khổ công rèn luyện.
Quyền ba chân hổ được khai sinh tại khu vực núi Bà thuộc huyện Phù Cát, tỉnh Bình Định.
Tương truyền tại đây, trên 200 năm trước xuất hiện một con cọp 3 chân to lớn và hung dữ.
Người dân nơi đây thường xuyên bị hổ vồ, ăn thịt. Trong một thời gian dài, hổ dữ là nỗi khiếp đảm của cả vùng.
Cho tới một ngày, có một người tiều phu vào rừng kiếm củi và trở về làng khi trời đã gần tối.
Người tiều phu chưa kịp rời rừng đã nghe mùi tanh bốc ra, khi quan sát thì kinh hoàng phát hiện một con cọp to lớn đứng trên 3 chân to tướng, nhe nanh chực vồ. Chưa kịp định thần, con cọp đã lao đến.
Nhưng nhanh như cắt, người tiều phu nhảy người né tránh và xoay người dùng đòn gánh gủi quật ngang vào mạn sườn con thú. Trúng đòn, mãnh hổ quay người, thủ thế, sẵn sàng tung những cú đòn chí mạng.
Trước sự hung hãn của mãnh hổ, người tiều phu rút đòn sóc đã được vuốt nhọn để làm vũ khí chống đỡ.
Hai bên giao đấu suốt một hồi sau đó. Người tiều phu dựa vào thân pháp cực kỳ nhanh lẹ và biến hóa để tránh những đòn hiểm, nhưng vẫn không thể tránh hết những đòn vả kinh hoàng của mãnh hổ.
Cuối cùng, khi sức cùng lực kiệt, cả thân người và vật đều thấm đẫm mồ hôi và máu tươi, người tiều phu đành ngồi xếp bằng ôm đòn gánh nhọn chống lên với hi vọng mong manh từ một cú phóng tới chộp mồi của cọp giữ.
Không ngờ sự tưởng tượng lại trở thành sự thật, con mảnh hỗ lao người lên không trung rồi định chồm lên gã tiều phu, nhưng đã bị dính bẫy.
Trở về làng, người tiều phu nhớ lại cảnh chiến đấu cùng cọp dữ và nhận thấy những cú vồ của mãnh hổ như những đòn thế võ học tuyệt kỹ.
Người ấy đã nhớ và ghi lại thành những thế võ rồi dụng công tập luyện để nó trở thành tuyệt kỹ Quyền ba chân hổ lừng danh.
Cho tới nay, người ta vẫn không biết người tiều phu ấy thực chất là ai và tuyệt kỹ Quyền ba chân hổ cũng tưởng chừng thất truyền.
May mắn thay, võ sư Hà Trọng Sơn đã kế thừa được môn võ công này. Sau nhiều năm luyện tập và hoàn thiện, ông đã truyền nó cho đệ tử Hà Trọng Ngự.
Để nắm được quyền ba chân hổ, võ sư phải luyện thành 5 pháp khác nhau bao gồm: thân pháp, tấn pháp, thủ pháp, cước pháp, nhãn pháp và cuối cùng là thần sắc.
Đặc biệt, võ sư còn cần thành thạo thiết sa chưởng, để có đôi bàn tay cứng chắc, mang uy lực như móng vuốt của mãnh hổ.
Bị gãy xương không biết đau và những trận tỉ thí nhớ đời
Trên võ đài miền trung giữa thế kỷ 20 của thế kỷ trước, tên tuổi Hà Trọng Sơn nổi lên như một quái kiệt xuất chúng.
Sinh ra tại đất võ Bình Định và học võ từ năm lên 8, Hà Trọng Sơn bắt đầu thượng đài từ khá sớm, ở tuổi 16.
Mới 17 tuổi, Hà Trọng Sơn đã được giới võ thuật khắp nơi biết đến từ những giải đấu lớn.
Ngày ấy, một quan ba người Pháp là đồn trưởng đồn Mang Cá ở Huế xem võ đài có ông Sơn thi đấu, nhận thấy ông đúng là cao thủ nên mời về Huế dạy quyền Anh....
Tên tuổi của ông bắt đầu nổi như cồn vào năm 1943, khi đánh bại võ sĩ F.Nicolai (Pháp) tại Đại hội quyền thuật Đông Dương diễn ra ở Nha Trang.
Một năm sau, để “lấy lại danh dự”, các ông bầu người Pháp đã tung tay đấm bất bại Esperpaire ra đấu với Hà Trọng Sơn.
Nhưng với ưu thế vượt trội, nhất là các cú móc tay trái “xuyên tâm” cực độc, ông đã nhanh chóng giành phần thắng.
Sau đó, tại các Hội chợ được tổ chức ở Bình Định và Đà Nẵng, chức vô địch miền Trung tiếp tục lọt vào tay ông.
Võ sư Hà Trọng Sơn còn có trận đánh bất phân thắng bại với cao thủ vô địch Đông Dương là Kid Demsey. Sau lần thượng đài đó, báo chí đã đặt cho ông biệt danh “Hùm xám miền Trung”.
Trận đấu hiện vẫn được truyền tụng trong giới võ thuật là trận ông đấu với võ sĩ Ku Xam Thum (người Việt, gốc Thái Lan) vào năm 1960 diễn ra tại Bồng Sơn (Hoài Nhơn, Bình Định).
Theo lời kể của nhiều lão võ sư, đêm chung kết năm ấy, Ku Xam Thum đã thắng đo ván võ sĩ Đỗ Thanh Trì, khiến các võ sư địa phương ấm ức.
Các võ sư kỳ cựu của làng võ miền Trung kiến nghị xin mở thêm một võ đài đặc biệt chỉ dành riêng cho Ku Xam Thum và Hà Trọng Sơn.
Vốn người mê tín nên khi đấu võ Ku Xam Thum thường ngậm lá bùa trong miệng. Sau hơn 10 phút quần thảo, bước vào hiệp quyết định, Hà Trọng Sơn sử dụng chiêu “Đề khí thiết công phục lôi hổ giáng” (gióng trảo bấu vai, lật đầu tháo khớp).
Dính độc chiêu quá hiểm, võ sĩ Ku Xam Thum ngã quỵ xuống sàn. Hà Trọng Sơn chiến thắng trong sự thán phục của tất cả mọi người.
Trong giới võ lâm khi đó, võ sư Hà Trọng Sơn với vóc dáng cao lớn, rất mạnh mẽ khiến nhiều đối thủ chưa đấu đã sợ.
Giới giang hồ từng đồn rằng, dẫu ông có bị đánh gãy xương vẫn không thấy đau vì ông thường ngâm người trong chum thuốc mã tiền, cộng với thể trạng như mãnh hổ nên hồi phục rất nhanh.
Lần đả bại “cáo già miền Nam”
Sau nhiều năm liền không đối thủ, không chỉ các võ sĩ kỳ tài trong nước mà cả nhiều tay đấm thượng thặng của Pháp cũng phải bái sợ, không dám so găng với ông.
Mãi đến năm 1952, tại Hội chợ Đà Nẵng, ban tổ chức mới cân nhắc và quyết định đưa tay đấm số 1 miền Nam Huỳnh Tiền, người được giới hâm mộ mệnh danh “Đệ nhất anh hùng” hay biệt danh “con cáo già miền Nam” thượng đài để xô ngã thành trì bất khả chiến bại.
Song với bản lĩnh và sự lì lợm đến kinh ngạc, ông đã hạ đo ván võ sĩ Huỳnh Tiền (vốn chưa một lần nếm mùi thất bại), bảo vệ xuất sắc ngôi vô địch trước sự thán phục của hàng ngàn người hâm mộ.
Suốt hàng chục năm sau đó, nhiều trận đài giữa hai võ sư này đã diễn ra tại nhiều tỉnh, thành khác nhau trong nước, thắng, thua, hòa đều có.
Trận đài cuối cùng giữa hai người diễn ra vào năm 1983 tại tỉnh Gia Lai, võ sư Hà Trọng Sơn giành chiến thắng.
Theo lời kể của một cao thủ làng võ, khi đấu trận đài cuối cùng, trong khi võ sư Hà Trọng Sơn cao to, nặng trên 80 kg thì võ sư Huỳnh Tiền chỉ tầm trên 50 kg nhưng hai người thi đấu rất cân tài, cân sức.
Điều đặc biệt là dù thi đấu rất căng trên võ đài nhưng ngoài đời thì hai võ sư này lại chưa bao giờ coi nhau là kẻ thù, thậm chí còn nảy sinh tình bạn rất thắm thiết.
Trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp, võ sư Hà Trọng Sơn ngoài việc thượng đài còn cùng với một số bạn hữu nghiên cứu, rút tỉa những thế kiếm bí truyền từ các bài kiếm pháp độc đáo của dân tộc, xây dựng thành bài kiếm mang tên “Mười hai” nổi tiếng.
Bài kiếm này về sau được ông huấn luyện cho lực lượng vũ trang, dân quân du kích.
Bài này chỉ có 12 thế kiếm liên hoàn nhưng cực kỳ hóc hiểm, mang tính sát thương cao, đã nhiều phen làm cho quân Pháp phải hoang mang, khiếp sợ.
Về sau, lão võ sư Hà Trọng Sơn cũng mở các võ đường và truyền dạy hàng ngàn môn sinh, trong đó có các võ sĩ vang bóng một thời như: Huỳnh Bông, Trần Cang, Hà Trọng Ngự.
Những người con của ông như Hà Thị Phi, Hà Thanh Mao, Hà Đăng Quyền, Hà Nhất Linh… cũng nối nghiệp cha và trở thành những cao thủ trong làng võ.