Sự kiện Tuấn Anh xin rời U23 Việt Nam vì chấn thương đã gây nhiều tiếc nuối cho NHM. Dưới đây là bài viết rất hay của tác giả Bảo Thắng, đăng trên một trang mạng xã hội về cầu thủ HAGL. Chúng tôi xin được trích nguyên văn:
"Cùng với Công Phượng, Xuân Trường, Tuấn Anh là ba cái tên xuất sắc nhất của Học viện HAGL Arsenal JMG.
Ngay từ khi thông tin về Tuấn Anh còn nhỏ giọt, người ta đã biết đến phố Núi có một cầu thủ được đích thân HLV Arsene Wenger tiến cử sang thử việc ở Olympiakos.
Phía đội bóng Hy Lạp cũng thể hiện thiện chí tích cực khi nhận được đánh giá rất cao từ chiến lược gia đang dẫn dắt Arsenal.
Chuyện này không đùa chút nào khi danh tiếng của Giáo sư người Pháp chẳng phải thứ mà ông dễ dàng đánh đổi.
Tuấn Anh – nếu không phải một tài năng mang dáng dấp của bóng đá châu Âu, thật khó có chuyện “tình cảm” từ một trong những HLV nghiêm khắc nhất thế giới.
Ngày Tuấn Anh chuẩn bị lên đường thì tai họa ập đến. Cú rướn trái kèo trên sân tập ẩm ướt trước Tết 2013 tại Hàm Rồng đã khiến đầu gối của tiền vệ này chấn thương nghiêm trọng.
Dây chằng đứt, sụn chêm tổn hại, Tuấn Anh đau đớn gác lại giấc mơ “phá lệ” cho bóng đá Việt Nam: Một cầu thủ trẻ chưa tốt nghiệp, nhưng được CLB tên tuổi châu Âu chấp nhận thử việc.
Thời điểm đó, nhiều người tưởng Tuấn Anh đã phải chia tay với sân cỏ như các đồng đội cũng rất tài năng trước đó nhưng không có “duyên” với nghiệp.
Nhưng may thay, Tuấn Anh cũng gặp vận khi bầu Đức không tiếc tiền, mời đúng thầy đúng thợ chữa lành chấn thương cho anh. Nói theo đúng phong cách của ông bầu phố Núi thì:
“Thằng nhỏ mà không chữa được thì nó đau 1, tui đau 10, bóng đá Việt Nam lại mất đi một nhân tài”.
Sau đó một thời gian, Tuấn Anh liên tục tỏa sáng trong màu áo U19 VN, trực tiếp khẳng định nhãn quan nhìn người không nhầm lẫn của HLV Wenger, và gần nhất, là bầu Đức.
Cầu thủ gốc Thái Bình được xem là hạt nhân quan trọng nhất trong lối chơi đậm đặc Arsenal mà HAGL xây dựng.
Ở đấy, tất thảy đều đánh giá cao Tuấn Anh hơn bất cứ cầu thủ nào, kể cả Công Phượng, Xuân Trường hay phần nào là Hồng Duy, Văn Toàn đều… dưới cơ Tuấn Anh.
Bầu Đức – cũng lại là ông – nhiều lần khẳng định với báo giới và người hâm mộ, rằng, Tuấn Anh là tài năng hay nhất của Học viện JMG lứa đầu. Giới chuyên môn trong nước cũng thừa nhận điều này khi chứng kiến khả năng chơi bóng của Tuấn Anh.
Thậm chí, trước khi V.League khởi tranh, đương kim QBV VN 2014, Phạm Thành Lương còn tỏ rõ sự tôn trọng với đàn em và khát khao được đối đầu với Tuấn Anh càng sớm càng tốt.
Nhắc lại chuyện của Tuấn Anh hơi ngược dòng một chút để thấy, bản thân cầu thủ này là một nhân tài. Những gì hay nhất, tốt nhất, tiềm năng nhất đều đã được thể hiện. Đấy là gì? Là khả năng cầm bóng, làm chủ không gian ở mức lý tưởng.
Là những cú chạm đầy cảm giác và những đường chuyền “không phải ở lứa tuổi U”. Nói không quá, Tuấn Anh chính là một trong số ít những cầu thủ mang lại cảm xúc xem bóng đá cho đông đảo NHM.
Thế nhưng, Tuấn Anh đột ngột vụt tắt khi bước chân lên U23 VN. Phong độ ở V.League của tiền vệ số 8 tuy không cao, nhưng chẳng phải tồi, điều quan trọng là trong màu áo “tiến cấp”, Tuấn Anh lại chưa tỏa sáng.
Vấn đề Tuấn Anh được đưa ra mỏ xẻ và nhiều người cho rằng, cầu thủ này cần hoàn thiện nhiều thứ mới có thể đứng trong hàng ngũ của HLV Miura.
Điều này không sai, vì cơ bản, Tuấn Anh là cầu thủ trẻ thì tất nhiên cần thời gian để hoàn thiện. Đỉnh cao nhất của anh đã đến đâu?
Tuy nhiên, nhắc đến chuyện đủ hay không đủ thuyết phục thì cần phải nhìn từ hai phía. Tuấn Anh có khả năng, được ghi nhận gọi lên U23 VN, nhưng liệu anh đã được tạo điều kiện đúng mức hay chưa?
Điều này, khó mà trả lời thích đáng. HLV người Nhật có lý của mình và cái lý ấy đã hình thành phong cách của ông từ lâu rồi, giờ sang Việt Nam chỉ là giai đoạn áp dụng. Vấn đề là Tuấn Anh không nằm trong tư tưởng xây dựng đội hình của ông Miura.
Trong số các tiền vệ được nhà cầm quân xứ Phù tang lựa chọn, không có cầu thủ nào chơi giống hoặc gần giống Tuấn Anh. Đa phần là sức vóc tốt, tranh chấp như… trung vệ và sẵn sàng lao vào gầm giày đối phương bất chấp hiểm nguy.
Tuấn Anh thì sao? Anh không có dáng vẻ mạnh mẽ như Hữu Dũng, Huy Hùng, Duy Mạnh, Thanh Hiền hay Quế Ngọc Hải.
Tiền vệ này tranh chấp khôn ngoan nhưng thiếu yếu tố “cảm tử”. Người ta chỉ nhìn thấy Tuấn Anh trội hơn ở tư duy tấn công và khả năng kiểm soát bóng. Điều ấy, lối chơi của U23 VN hiện nay… ít dùng.
Tuấn Anh hiểu được hạn chế bản thân ấy một cách sâu sắc, sâu sắc hơn bất cứ ai từng biết đến cái sự “không hợp” của anh ở đội tuyển.
Tuần trước, Tuấn Anh báo cáo chấn thương và quyết định đơn phương xin về. Mức độ trầm trọng của chấn thương ấy là có, nhưng nó không đến mức “mất cả giải”. Nhưng anh đã quyết định!
Sự vắng mặt của Tuấn Anh không gây xôn xao như hồi U19 VN còn nắm giữ trái tim NHM. Nó cũng chẳng khiến HLV Miura phải quá phân tâm vì thiếu anh. Đội tuyển U23 VN – với ông – còn nhiều cầu thủ khác ưa thích hơn.
Thế nên, câu chuyện xin về của Tuấn Anh nên được nhìn nhận tích cực từ cả hai phía. Nhà cầm quân người Nhật nhẹ lòng vì ông không phải nói lời tạm biệt học trò. Còn Tuấn Anh, về lại CLB và tĩnh tâm với những khoảng lặng đích thị là một sự giải thoát!
>>> Miura “chốt sổ”, sát thủ xứ Nghệ ngậm ngùi chia tay U23 Việt Nam