Sau 11 năm, từ một nhà vô địch chỉ biết đến đường chạy, nội tướng của cựu HLV trưởng ĐTQG bóng đá nữ Steve Darby đã trở thành một quý bà trên cả nghiệp kinh doanh lẫn sân golf.
Kỷ lục gia điền kinh thành... bà Darby
Vân Anh bảo quyết định khó khăn mà cũng ngọt ngào nhất của chị chính là đã dám yêu, dám cưới, rồi theo chồng ra nước ngoài bỏ đường chạy - nơi chị đang giữ kỷ lục quốc gia chạy rào - khi mới tròn 20 tuổi.
Mối tình duyên tuyệt đẹp và sóng gió của chị với cựu HLV trưởng ĐTQG bóng đá nữ Steve Darby bắt đầu ở chính “vườn ươm” Nhổn, với cầu nối chính là Hiền Lương - học trò cưng của ông xã.
Phải rất lâu, nhà vô địch điền kinh mới dám nhận lời yêu, rồi chính chị cũng choáng khi Darby cầu hôn, còn gia đình dĩ nhiên phản đối quyết liệt, vì khoảng cách chênh lệch tới 25 tuổi, ông lại ở mãi tận Anh sang Việt Nam làm thuê, biết thế nào.
Thế nhưng, chính những nhịp đập đồng điệu của trái tim hai người, hay nói cách khác là duyên phận định mệnh, đã giúp cô gái trẻ thể hiện bản lĩnh khó tin để vượt lên tất cả.
Đến 2003, sau hai năm yêu đương nồng nàn và đấu tranh, hai người đã lên xe hoa trong một lễ cưới đúng truyền thống Việt Nam của vùng quê Đông Anh ở ngoại thành Hà Nội.
Kể từ đó, bà Vân Anh Darby đã bắt đầu một hành trình dài song hành với nghiệp huấn luyện của chồng trải khắp từ Singapore, Malaysia đến Thái Lan.
Làm người mẫu & bén duyên golf
Như tiết lộ của Darby, lý do khiến ông làm việc ở các nước Đông Nam Á chứ không phải nước Anh quê nhà cũng bởi... chiều vợ - người cá tính và tự chủ đến mức bướng bỉnh.
Không chỉ đóng vai xuất sắc của một “nội tướng”, sinh cho ông một cô con gái vô cùng dễ thương, từng hỗ trợ mảng thể lực cho CLB của ông, mà Vân Anh còn luôn ý thức về chuyện mình phải có công việc, đam mê riêng.
Vì thế, chị đã tranh thủ mọi thời gian để theo học các khóa chuyên kinh doanh, thời trang, ngoại ngữ kể cả nấu ăn.
Trong suốt 3 năm tại Singapore, nhờ hình thể lý tưởng, khuôn mặt góc cạnh, lại có thể nói giỏi cả tiếng Anh lẫn tiếng Hoa nên chị còn được mời làm người mẫu độc quyền cho một thương hiệu thời trang hàng đầu tại đây, rồi còn xuất hiện trên cả tạp chí lừng danh FHM.
Vừa tạo niềm vui, sự tự tin, mà chính nó cũng mang đến nguồn thu nhập rất khá, mà như chị nói vui “không phải phụ thuộc vào chồng mà còn có tích lũy” cho mục tiêu trở lại quê hương đầu tư.
Những lúc rảnh rỗi, Vân Anh cũng cùng chồng đến sân golf, rồi được ông hướng dẫn chơi. Lúc đầu cũng chẳng thích thú gì với việc cầm gậy vụt vào trái bóng tưởng như rất đơn điệu, song càng chơi càng hiểu, chị mê mệt golf lúc nào chẳng hay.
Với tổ chất thể thao sẵn có, chỉ mất mấy tháng, cựu tuyển thủ điền kinh Việt Nam đã làm cho ông chồng phải kinh ngạc vì tuần nào cũng ra sân vài buổi, bỏ cả 5.000 USD sắm một bộ đồ “xịn” và đáng nói hơn trình độ vượt xa mình - vốn là một tay golf rất cừ.
Bà “Tây” làm chủ khách sạn H’mong Sa Pa
Cách đây 2 năm, qua cả một quá trình rất dài, Vân Anh đã thuyết phục được chồng đồng ý định cư, lập nghiệp lâu dài ở Việt Nam.
Chị cùng con gái về trước, còn Darby một mình tiếp tục du mục huấn luyện khắp Đông Nam Á, thi thoảng nếu thu xếp được thì về quê vợ, còn không, mẹ con Vân Anh lại bay sang thăm.
Vừa chân ướt chân ráo về nước, Vân Anh đã bắt tay ngay vào triển khai dự án mà chị ấp ủ từ lâu là mở một khách sạn ở vùng đất yêu thích Sa Pa để thỏa chí kinh doanh.
Không thuê lại địa điểm sẵn có, chị đã kỳ vọng trong cả tháng trời chọn lựa và đàm phán mua lại một mảnh đất vàng 1.000m2 ở con phố đẹp nhất Thác Bạc, rồi đưa cả nhóm thiết kế, đội thợ “xịn” từ Hà Nội lên thi công.
Cuối 2013, một khách sạn có cái tên rất đặc thù H’Mong Sa Pa của bà chủ Vân Anh đã khai trương gồm 6 tầng và 30 phòng hiện đại, đạt tiêu chuẩn 3 sao.
Rất kỳ thú, thuê hẳn chuyên gia nước ngoài về làm quản lý điều hành, song chị lại ưu tiên sử dụng nhân lực là người dân tộc bản địa với số lượng chiếm tới 70%.
Không chỉ tạo hiệu ứng tức thời, với chất lượng dịch vụ cao, phong cách riêng lại nhờ cái tên của bà chủ “như Tây” nên H’mong Sa Pa lập tức hút khách đặc biệt.
Các phòng ở đây luôn kín chỗ 90%, lúc cao điểm thậm chí còn “cháy” phòng, mang về lợi nhuận cao. Hiện tại bà chủ khách sạn cũng thành lập thêm Công ty TNHH Ngọc Ngân để mở rộng lĩnh vực và địa bàn kinh doanh.
Quý bà vô địch quốc gia hai môn thể thao
Bận rộn và di chuyển liên tục như thế, song Vân Anh vẫn không để ảnh hưởng đến nếp quen chơi golf, nhất là mỗi khi ở Hà Nội.
Cựu kỷ lục gia điền kinh chơi đều và ngày một hay, ấn tượng đến mức lãnh đạo golf thủ đô đã tha thiết mời chị vào đội tuyển theo diện đặc cách, với chế độ tập luyện thi đấu hoàn toàn “mở”.
Có thêm dấu ấn của sự bài bản, kỹ thuật, lại thường xuyên được đấu cọ xát với nhiều đối tượng khác nhau nên “trình” của doanh nhân này lên cực nhanh.
Riêng về khả năng di chuyển, cảm giác bóng và sức bền, chị còn cho các em trẻ… đuổi dài. Chỉ làm golf thủ “tranh thủ”, chị vẫn luôn nằm trong nhóm 5 gương mặt nữ xuất sắc nhất Việt Nam, bên cạnh các… cháu đối thủ.
Và tại giải Đại hội TDTT toàn quốc, quý bà này đã đóng vai trụ cột giúp nữ Hà Thành đoạt tấm HCV đồng đội.
Các nhà tuyển trạch cũng đã nhắm sẵn tài năng “trẻ” tuổi 34 cho một vị trí ở ĐTQG. Vân Anh đã trở thành nữ VĐV Việt Nam duy nhất vô địch quốc gia ở hai môn thể thao khác nhau điền kinh và golf, với khoảng cách thời gian kỷ lục 16 năm.
Giờ đây, nhiều nữ doanh nhân và tuyển thủ nữ thể thao đều nhìn Vân Anh trong sự ngưỡng mộ giống như một hình mẫu, đặc biệt về sự đa năng hiếm có và sức sống dồi dào.
Chị có thể một mình lái xe trên hành trình xuôi ngược Hà Nội - Lào Cai mỗi tuần vài lần, và trên xe lúc nào cũng có một bộ đồ golf.
Ngay trên sân golf, chị cũng luôn kè kè 1 chiếc ipad, 2 chiếc điện thoại sẵn sàng xử lý cả “núi” công việc từ xa. Bà chủ kiêm golf thủ còn là một đầu bếp cừ, có thể nấu rất nhiều món ăn cả Âu, Á và Việt Nam.
Chị còn tích cực làm từ thiện, chủ động liên kết mở các lớp học văn hóa, dạy nghề cho con em đồng bào dân tộc, thậm chí còn có cả mấy cô con gái nuôi người Mông, bên cạnh cô con gái ruột có cái tên thuần Việt - Ngân Thương.