Vụ tranh cãi giới tính đầu tiên đã xuất hiện tại SEA Games 2015, sau khi đội tuyển bóng chuyền Philippines yêu cầu các quan chức kiểm tra giới tính vận động viên (VĐV) bóng chuyền nữ của đội Indonesia. Họ cho là Aprilia Santini Manganang, nữ VĐV 23 tuổi của Indonesia, là... nam.
Chuyện thường ngày ở huyện
"Cô ta quá khỏe, cứ như là đàn ông mà đánh bóng với đàn bà vậy". HLV đội bóng chuyền nữ Philippines nói. Đội bóng chuyền của ông chịu thua Indonesia 0-3 sau 3 set trắng với các tỉ số 22-25, 20-25 và 14-25.
Trận đấu diễn ra trong cảnh các CĐV Philippines trong nhà thi đấu OCBC liên tục la ó Aprilia khi cô ghi điểm. "Dáng đi của cô ta như đàn ông, còn cơ thể thì đậm nét nam tính", CĐV Starr Alamo của Philippines bức xúc. " Tôi cam đoan 98% cô ta là đàn ông".
Đây là sự cố đầu tiên liên quan đến giới tính các VĐV ở SEA Games này, nhưng vấn đề này đã phổ biến ở các đại hội thể thao thế giới.
VĐV điền kinh sinh năm 1991 Caster Semenya người Nam Phi,nổi lên từ tấm HCV cự ly 800m ở Đại hội thể thao khối thịnh vượng chung 2008, bị Hiệp hội điền kinh quốc tế (IAAF) điều tra giới tính, sau khi cải thiện được tới 25 giây ở cự ly 1500m, và 8 giây ở cự ly 800m.
Ba giờ trước chung kết cự ly 800m ở giải điền kinh thế giới 2009, IAAF bí mật kiểm tra giới tính của Semenya.
Dutee Chand, người Ấn Độ, được mô tả "chắc chắn giành HCV Olympic", bị loại đột ngột khỏi Đại hội thể thao khối thịnh vượng chung, sau một bản báo cáo cho biết cô có nồng độ hormone testosterone như nam giới.
Cô gái này bị loại khỏi đội Điền kinh Ấn Độ dự Asian Games 2014, vì không đồng thuận với giải pháp bơm hormone ức chế hoặc thậm chí phẫu thuật bộ phận sinh dục, do IAAF và Ủy ban Olympic quốc tế (IOC) yêu cầu.
Giới tính cũng chỉ là... tương đối
IOC bắt đầu kiểm tra giới tính các VĐV từ năm 1968. Giải pháp ban đầu là yêu cầu các nữ VĐV cởi bỏ đồ lót để xác minh bằng mắt, nhưng sau đó được thay bằng các cuộc thí nghiệm để phát hiện nhiễm sắc thể XX (nữ) hay XY (nam).
Giải pháp này không triệt để vì các trường hợp rối loạn giới tính.
Cuộc kiểm tra năm 1985 bất ngờ cho thấy VĐV Maria Jose Martinez-Patino là "đàn ông" (XY), bởi nhiễm sắc thể Y của cô là sản phẩm của một hội chứng di truyền hiếm gặp.
Maria mất 3 năm để đấu tranh, đánh mất những năm tháng đỉnh cao phong độ. Tại các kỳ Olympic từ 1972 đến 1984, có 13 "nữ VĐV" đã trượt bài kiểm tra giới tính.
Một nghiên cứu của Peter Sonksen, giáo sư khoa nội tiết Bệnh viện St Thomas ở London cho thấy, 16% tổng số nam VĐV có nồng độ hormone testosterone thấp hơn chuẩn, trong khi 13% tổng số VĐV nữ có hàm lượng testosterone cao hơn chuẩn, tức là đạt ngưỡng đủ để coi là nam giới!
Cuốn sách "Gien thể thao" của kí giả David Epstein chỉ ra rằng, bất cứ một ranh giới nào giữa thành tích của nam với nữ trong thể thao đều chỉ là tương đối.
Epstein đồng ý với giải pháp xác định giới tính bằng nồng độ hormone testosterone, nhưng "bởi vì giới tính sinh học không thể rõ ràng như một hệ đếm nhị phân, nên chẳng có gì chắc chắn cả".
Nhà vật lý học Joanna Harper có thể chạy marathon liên tục trong 2 giờ 23 phút như một chàng trai trẻ, nhưng thật ra bà là nữ. Vào năm 2004, trong một thí nghiệm thay đổi giới tính, bà đã tự làm giảm nồng độ testosterone của mình xuống ngưỡng của nam giới.
"Thể thao nữ giống như một cuộc chơi của nồng độ testosterone", bà nói. "Không thể có bình đẳng trong các môn thể thao của nữ. Bởi không có giải pháp hoàn hảo xác minh vấn đề này".