Năm 2006, Nguyễn Thị Ánh Viên tham dự giải bơi học sinh Cần Thơ và nổi lên như một cái tên gây ấn tượng nhất giải.
Là con gái cưng của gia đình, bố mẹ Ánh Viên không muốn để cô thành VĐV bơi lội.
Nhưng với tình yêu với đường đua xanh cùng với sự thuyết phục của các thầy, cô đã quyết định đi theo con đường chuyên nghiệp đầy khắc nghiệt chông gai.
Mới 10 tuổi, Ánh Viên đã xa gia đình để bắt đầu bước vào những giáo trình tập luyện nặng nề.
Thành tích đến rất nhanh với cô bé người Cần Thơ. 15 tuổi, ngay tại kì SEA Games đầu tiên, Ánh Viên đã đoạt ngay 1 HCB, 1HCĐ.
Nhìn thấy tiềm năng rất lớn của cô, những người có trách nhiệm đã nhanh chóng thảo luận và thống nhất: Đưa Ánh Viên sang Mỹ. Nhưng khoản tiền cần thiết 100.000 USD/năm quá lớn, khiến mọi người lo ngại tính khả thi của kế hoạch.
Thật may khi vừa đề xuất lên, kế hoạch đã được đồng ý ngay với phương án đôi bên cùng hợp sức, ngành thể thao chi 60.000 USD, còn đơn vị chủ quản quân đội chi 40.000 USD.
Bơi Việt Nam trước đây, chỉ một vài trường hợp đặc biệt như Xuân Hiền hay Hữu Việt mới có HLV riêng, và cũng chỉ 1.
Thế nhưng bây giờ, sang đến đất Mỹ, riêng Ánh Viên khi rèn tập lại được kèm cặp hàng ngày bởi 3 ông thầy.
Ngoài HLV trưởng ĐTQG Đặng Anh Tuấn còn có 2 chuyên gia ngoại “xịn”. Trong đó, 1 người lo về chuyên môn, 1 người chuyên về thể lực.
Với sự hợp sức của bộ ba HLV này, Ánh Viên đã có một quy trình tăng tốc phát triển hết sức bài bản, kỹ lưỡng, khoa học về mọi mặt, và được cụ thể hóa một cách chặt chẽ và hiệu quả theo từng đợt, từng tuần rồi đến từng ngày.
Điều đáng nói, cũng nhờ tố chất hiếm có, ý chí và sự khổ luyện, nên gương mặt đất Cần Thơ luôn có thể đáp ứng ở mức cao nhất mọi bài tập chuyên môn và thể lực, theo đúng tiêu chuẩn của các kình ngư trẻ hàng đầu thế giới.
Nhiều người đã thực sự thích thú khi thấy hình ảnh Ánh Viên bơi ngửa lướt trên đường bơi xanh với một cốc nước đặt ở vị trí giữa trán, và kinh ngạc hơn nó không hề nghiêng ngả, thậm chí chẳng rung rinh một chút nào.
Đây là một minh chứng thật sinh động cho sự kỳ công và khổ luyện của Viên trong nửa năm, với mục tiêu rèn cho cơ thể và tư thế đảm bảo một cách ngặt nghèo nhất, gần như tuyệt đối cho đòi hỏi của bơi ngửa - vốn là mũi nhọn sở trường.
Chi tiết này tưởng như rất nhỏ song lại có thể là yếu tố đầu tiên mang tính quyết định cho Viên tăng tốc.
Không phải ngẫu nhiên mà ở thời điểm hiện tại, các chuyên gia quốc tế đã đánh giá Viên là một trong vài kình ngư nữ có kỹ thuật bơi ngửa tốt nhất châu lục, bên cạnh các chỉ số hình thể lý tưởng.
Điều đặc biệt, chỉ khi sang Mỹ tập huấn, Viên mới lần đầu được áp dụng các liệu pháp công nghệ đào tạo hiện đại, rõ nhất với bài tập chuyên biệt trong bể nước ngược.
Ở đó, tuyển thủ VN sẽ phải ra sức bơi ngược với dòng nước nhân tạo đang chảy với tốc độ cực cao. Qua đó, Viên có thể rèn cả sức mạnh lẫn sức bền, cùng khả năng chịu đựng và sức bứt phá.
Ngoài thời gian tập riêng, Ánh Viên còn liên tục được tập và thi đấu cọ xát cùng nhóm VĐV xuất sắc nhất của CLB, không chỉ các đồng nghiệp nữ mà cả nam, thuộc nhiều trình độ và trường phái khác nhau.
Ngoài ra còn là chuyện ăn cũng vô cùng li kỳ cực khổ với một bữa ăn có 1 cân thịt bò, 50 con tôm, 1 đĩa mì to, 1 đĩa rau trộn, 1 lít sữa tươi. Đó cũng chỉ là một phần trong thực đơn khổng lồ và phức tạp.
Thực đơn của bữa chính trong ngày, phải mất nửa năm, Ánh Viên vừa ăn vừa nước mắt lưng tròng vì cực quá, hay phải vừa ăn vừa nghỉ, nghỉ lại ăn mỗi bữa mất gần 2 tiếng đồng hồ.
Ngoài ra, còn có 3 bữa khác, nhiều lúc có khi đang tập nhà bếp lại gọi Viên lên bờ để phục vụ bữa ăn đặc biệt là một nhúm thức ăn cùng thực phẩm thuốc chuyên biệt đắng đến mức chỉ ăn bằng cách… nuốt thẳng.
Với những khác biệt trong phương thức tập huấn, dinh dưỡng tại Mỹ, kình ngư có sải tay dài 1m99 này đang gây những tiếng vang lớn tại SEA Games 28 khi liên tiếp phá vỡ kỉ lục.
Chắc chắn, trong tương lai, người ta lại tiếp tục chờ đợi vào những vinh quang của Ánh Viên tại những giải đấu lớn tầm cỡ châu lục và thế giới.