Thích Diễn Lỗ - người đi tìm công lý hay "kẻ phản đồ Thiếu Lâm Tự"?
Bên cạnh sự “nổi danh” của phương trượng Thích Vĩnh Tín xung quanh những scandal gần đây thì một nhân vật liên đới cần phải nhắc tới chính là Thích Diễn Lỗ - người đã tố cáo các việc làm sai trái.
Thích Diễn Lỗ từng được coi là "nhân vật số hai" ở Thiếu Lâm Tự.
Nói về phương diện võ công, ông tinh thông nhiều tuyệt kỹ và là người trực tiếp dạy cho rất nhiều cao tăng Thiếu Lâm.
Cũng chính Thích Diễn Lỗ đã dựa vào uy danh của mình để mở cả một hệ thống cơ sở đào tạo võ thuật với số lượng môn sinh lên tới hàng ngàn người.
Tập đoàn đào tạo võ thuật của ông trở thành một doanh nghiệp thực sự, với 8 đơn vị con gồm Cơ sở võ tăng, Trường bóng đá quốc tế Thiếu Lâm, cơ sở đào tạo diễn viên cho chương trình "Thiền tông Thiếu Lâm âm nhạc đại điển"...
Chính trang web của tập đoàn này đã ca ngợi Lỗ là "Tổng giáo đầu võ tăng Thiếu Lâm Tự, người đã gia nhập Tung Sơn Thiếu Lâm từ năm 1985, là đệ tử nhập môn tu thiền tập võ của phương trượng Thích Vĩnh Tín".
Tuy nhiên, ít người biết rằng có một nhân vật phụ trách của Thiếu Lâm Tự tên Lưu Hòa từng tiết lộ với với tờ báo The Paper rằng Thích Diên Lỗ bị loại khỏi danh sách của Thiếu Lâm Tự bởi ông này đã phá giới khi… kết hôn và có con.
Sau đó, văn phòng Võ tăng của Lỗ bị đóng cửa từ năm 2013. Cách đây không lâu, do những mâu thuẫn ngày càng lớn nên Thích Diễn Lỗ cũng đã vứt bỏ đạo nghĩa sư môn để đứng lên tố cáo người “thầy” của mình là phương trượng Thích Vĩnh Tín.
Kể từ đây, Thích Diễn Lỗ bị người Thiếu Lâm dưới trướng của Thích Vĩnh Tín coi là một “kẻ phản đồ” do góp phần hủy hoại uy danh lừng lẫy của chùa cũng như võ công Thiếu Lâm.
Võ Thiếu Lâm - công cụ để lợi dụng và hệ lụy đáng buồn
Xâu chuỗi những tình tiết về Thích Vĩnh Tín, Thích Diễn Lỗ và một nhân vật tưởng chừng “không liên quan” tới câu chuyện này là vị “cao thủ” Yi Long thì có thể thấy uy danh của võ Thiếu Lâm thực sự đang bị ảnh hưởng và làm hoen ố một cách quá nghiêm trọng.
Đầu tiên phải nhắc tới Thích Vĩnh Tín. Mặc dù là phương trượng nhưng ông thường bị nghi ngờ là không biết chút công phu Thiếu Lâm nào.
Nếu như ở nhiều lĩnh vực khác thì người quản lý có thể không cần quá giỏi về chuyên môn, tuy nhiên với ngôi chùa Thiếu Lâm thì lại khác.
Từ ngàn năm nay, Thiếu Lâm được coi là Thái Sơn Bắc Đẩu của làng võ, được gần xa mến mộ. Đặc biệt võ Thiếu Lâm được coi là niềm tự hào của người dân Trung Quốc.
Trong quá khứ, người đứng đầu Thiếu Lâm thường là những người không chỉ được đánh cao về nhân cách mà đó đều là những cao thủ thực sự với trình độ võ thuật ở cảnh giới thượng thừa.
Nhưng đến “triều đại” Thích Vĩnh Tín thì khác. Mang danh phương trượng Thiếu Lâm từ năm 1999 mà đến nay người ta còn chưa từng thấy ông thi triển võ công bao giờ. Rõ ràng cái uy danh bấy lâu của Thiếu Lâm Tự đã bị ảnh hưởng đi rất nhiều.
Lại nói tới “kẻ phản đồ” Thích Diễn Lỗ, ông này cũng chẳng hơn người “thầy” của mình khi đã biến võ Thiếu Lâm để trở thành một công cụ để… kiếm tiền thay vì đào tạo những võ tăng có trình độ thực sự..
Rất nhiều bài báo đã chỉ trích rằng trong quá trình nắm giữ những cương vị cốt cán nhất, cả Thích Diễn Lỗ và Thích Vĩnh Tín đã mở các trung tâm tuyển sinh võ thuật một cách ồ ạt với mức học phí không hề rẻ để nhằm mục đích kiếm tiền.
Đáng nói là các trung tâm này chỉ được phát triển theo chiều rộng, với số lượng môn sinh ngày càng lớn nhưng lại đào tạo một cách thiếu chuyên sâu.
Hơn nữa, những buổi trình diễn cũng được tổ chức thường xuyên và có thu phí đối với người xem để đảm bảo nguồn lợi nhuận. Và theo một số khán giả lớn tuổi tại Trung Hoa thì những công phu mà các võ tăng Thiếu Lâm trình diễn ngày càng… nhạt.
Lại nói tới trường hợp Yi Long, anh chàng này có thực sự là một cao tăng Thiếu Lâm hay không vẫn còn gây tranh cãi tuy nhiên rất nhiều tờ báo tại Trung Quốc đã từng gọi anh là “kẻ mạo danh”, hay là “cáo mượn oai hùm” để trở nên nổi tiếng.
Nhưng chắc chắn một điều là Võ Thiếu Lâm đã bị mang ra làm phương tiện để lợi dụng.
Cách đây không lâu, một số đơn vị quân đội ở Trung Quốc cũng đã thay đổi cách thức tập luyện đối với các binh sĩ.
Những chiêu thức mang nặng tính trình diễn của võ công Thiếu Lâm phải nhường chỗ cho các môn võ mạnh về thực chiến hơn.
Rõ ràng chỉ trong một thời gian ngắn ngủi, uy tín và vị thế của võ Thiếu Lâm đã bị ảnh hưởng quá nhiều.
Nếu vẫn còn những Thích Vĩnh Tín, Thích Diễn Lỗ, dùng võ Thiếu Lâm để trục lợi, hay những võ sĩ cứ “mượn” danh Thiếu Lâm để thách đấu khắp nơi như Yi Long, thì không biết đến bao giờ võ Thiếu Lâm mới lấy lại được hình ảnh như ngày xưa?
Có lẽ sẽ còn lâu lắm!