Chiến thắng để được mua áo mới
Cả bố lẫn mẹ đều có năng khiếu và đam mê tennis, thế nên cũng không quá khó hiểu khi cậu con trai duy nhất trong gia đình là Lý Hoàng Nam bắt đầu biết đến quả banh nỉ sớm đến như vậy.
Ông Hoàng Việt và bà Thanh Yến (bố mẹ Nam) cứ mỗi lần đi thi đấu và tập luyện đều dẫn Nam theo, rồi cậu bé hiếu động bắt đầu nhiễm đam mê của bố mẹ và đòi được thử sức.
Ông Việt kể lại: "Lúc Nam mới 7 tuổi, ngay cạnh nhà tôi có mở sân tennis, vợ chồng tôi đi chơi thường xuyên nên dắt Nam đi cùng.
Cháu học rất nhanh, chỉ thời gian ngắn đã chơi tốt rồi được giới thiệu cho đi thi giải U10 quốc gia. Gia đình cũng có đầu tư chút đỉnh nhưng chỉ là thuê thầy về dạy tuần/buổi để Nam nắm được luật và các kĩ thuật cơ bản."
Năm 8 tuổi, ông Việt dắt con lên TPHCM để tham dự giải U10 Quốc gia. Nhưng lần đầu tiên ấy đã thất bại, khi Nam bị loại ngay từ vòng đầu tiên.
Không nản lòng, một năm sau ông vẫn tiếp tục dẫn Hoàng Nam đi Khánh Hòa tham dự giải.
Chuyến đi này, Nam vẫn chỉ mang theo cây vợt cũ giá rẻ mà như ông Việt nói là "vợt chơi đùa cho vui", nhưng trong thâm tâm, ông Việt tin tưởng rằng với nỗ lực tập luyện 1 năm qua thì chắc chắn con mình sẽ đạt thành tích tốt hơn.
Có điều lạ, là dù đi xa nhà nhưng ông Việt lại không mang theo quần áo cho Nam mà chỉ duy nhất có 1 bộ, đến khi cậu bé hỏi: "Sao ba không mang đồ cho con thay", thì nhận được câu trả lời đầy khích tướng:
"Con thua như năm ngoái thì đánh xong về nhà luôn, chứ đâu cần đồ chi nhiều. Con mà thắng thì ba ra siêu thị mua đồ mới cho con mặc."
Không biết có phải vì thích được mặc áo mới hay không mà Hoàng Nam đã chơi cực hay, giành ngôi vô địch thuyết phục mà không thua một set nào.
Chính màn thể hiện ấn tượng của Nam đã khiến HLV Trần Đức Quỳnh ngay lập tức ngỏ ý muốn Becamex Bình Dương chiêu mộ VĐV trẻ này.
Sự nghiệp của Hoàng Nam bắt đầu thay đổi khi có sự dẫn dắt của người thầy Trần Đức Quỳnh và sự hỗ trợ của nhà tài trợ.
Vô địch Wimbledon nhờ dám... vi phạm kỷ luật
Trong vòng 2 năm qua kể từ thời điểm Lý Hoàng Nam bắt đầu vô địch ở các giải trẻ quốc tế, cũng là lúc nội bộ của Liên đoàn quần vợt Việt Nam (VTF) và phía đơn vị chủ quản của Nam nảy sinh những mâu thuẫn.
Năm 2014, Nam đã bị VTF cấm thi đấu suốt 1 năm và không được phép dự ASIAD tại Incheon (Hàn Quốc) do trước đó HLV Trần Đức Quỳnh đã xin cho Nam được vắng mặt để đi tập huấn và thi đấu các giải đấu trong hệ thống ITF và ATP.
Năm nay, điều tương tự suýt nữa đã diễn ra khi HLV của Hoàng Nam đề nghị không thi đấu SEA Games và đã bị phía VTF cảnh cáo. Rất may, sau đó phía đơn vị chủ quản của Nam là Becamex Bình Dương đã phải dàn xếp để mọi chuyện được ổn thỏa.
Theo ông Việt thì từ HLV, gia đình đến đơn vị chủ quản đều rất đồng ý với phương án không tham dự SEA Games:
"Lúc ấy, Nam đang thi đấu ở bên Thụy Điển, rồi chuẩn bị cho giải Roland Garros ở Pháp, nếu từ châu Âu bay qua Sing rồi sau đó bay qua Pháp thì Nam sẽ rất mệt, đã thế khả năng chấn thương cao. HLV cũng bảo nếu như vậy chẳng thể giành được huy chương.
Thế nên, chúng tôi có hứa với lãnh đạo rằng hẹn 2 năm nữa, Nam sẽ cố gắng giành HCV SEA Games, còn bây giờ tập trung để cháu tích lũy điểm thăng hạng trên hệ thống ATP và ITF".
Có lẽ, cũng chính nhờ sự quyết đoán ấy Lý Hoàng Nam mới có thể thăng tiến điểm liên tục trên hệ thống ITF và ATP, cũng như giành được ngôi vô địch nội dung đôi nam giải trẻ Wimbledon 2015.
Ông Việt cũng khẳng định mục tiêu trong 5 năm tới của Nam vẫn là kiếm điểm để lọt vào top 200 ATP, chứ chưa phải kiếm tiền.
"Nhiều người thấy Nam vô địch nhiều, cứ hỏi tôi là cháu được thưởng nhiều không. Nói thật, từ khi Nam bắt đầu thi đấu đến nay, tổng số tiền giải thưởng của cháu vào khoảng trên - dưới 2.000 USD, từ các giải Men's Future, chứ các giải trẻ đều không có thưởng tiền.
Mục tiêu của Nam bây giờ là kiếm điểm tích lũy để thăng hạng chứ không phải kiếm tiền."
Trong câu chuyện với phóng viên, vợ chồng ông Việt và bà Yến đều nhiều lần nhắc đi, nhắc lại lời cảm ơn đối với nhà tài trợ Becamex Bình Dương.
"Nam may mắn khi được đầu quân cho một đơn vị mà nhiệt tâm với thể thao thực sự. Họ không cần danh tiếng hay bất cứ điều gì khác, Nam thi đấu cũng không phải mặc áo có logo công ty, được giải thưởng thì Nam tự giữ.
Mỗi tháng được cấp 20 triệu đồng tiền tiêu vặt. Trong khi kinh phí thuê HLV ngoại, rồi tập luyện, du đấu ở nước ngoài chắc chắn là rất cao. Sắp tới, để Nam hoàn thành mục tiêu vào top 200 ATP thì số tiền bỏ ra phải gấp 5, gấp 10 lần như bây giờ."
Theo phía lãnh đạo B.Bình Dương thì mỗi năm họ đầu tư cho Nam số tiền lên đến gần 200 nghìn USD, bao gồm chi phí trả lương cho HLV (5 nghìn USD/ tháng), tiền du đấu và tập huấn ở châu Âu, Mỹ và Australia.
Trong khi, suốt những năm qua phía đơn vị tài trợ cũng chưa yêu cầu bất kỳ điều gì từ gia đình, ngay cả việc bình thường nhất là quảng cáo hay gắn tên thương hiệu trên áo đấu.
- May quá có cái cúp để kỷ niệm:
Điều khiến gia đình Nam thấp thỏm nhất sau khi con mình giành chiến thắng ở trận chung kết đôi nam Wimbledon 2015 đó là việc họ chỉ thấy có 1 chiếc cúp thì không biết Nam có được nhận không.
Cuối cùng, trước khi lên máy bay từ London về Việt Nam, Lý Hoàng Nam thông báo về là BTC tặng cho mỗi người một chiếc cúp để làm kỷ niệm.
-Cả ngày chỉ... bận nghe điện thoại:
Câu chuyện giữa chúng tôi bị ngắt quãng liên tục bởi những cuộc điện thoại chúc mừng dồn dập từ người thân, công ty, báo chí...
Bà Yến liên tục phải xạc pin điện thoại, và dù đêm trước đó thức nguyên đêm để xem Nam thi đấu thì hôm nay cũng không thể chợp mắt, vì những cú điện thoại liên tục gọi đến.
-Hoàng Nam muốn gia đình giấu kín chuyện về nước:
Trước khi lên máy bay từ London về Việt Nam, Lý Hoàng Nam gọi điện cho bố mẹ dặn đi, dặn lại đừng để ai biết Nam về thời gian nào để mọi người không phải ra sân bay đón.
Tuy nhiên, thông tin thời gian chuyến bay đều được báo chí cập nhật, nên Nam chỉ có thể hạn chế phần nào mà thôi.
-Thua giải đơn vì chưa quen vợt:
Hoàng Nam đã thất bại ở giải đơn Wimbledon ngay từ vòng 1. Theo Nam, thì nguyên nhân chính ngoài việc chỉ có 3 ngày chuẩn bị thì việc thi đấu với cây vợt mới hoàn toàn so với 8 năm nay đã quen đấu với cây vợt cũ khiến Nam không quen.
Bởi theo Nam, đối thủ đánh bại cây vợt quê Tây Ninh dù đã vào đến bán kết giải đấu này nhưng trước đó cũng đã từng bị Nam hạ gục nhiều lần.