Là người ai chẳng biết yêu và ghét
Đội bóng nào cũng có những fan lịch sự, hiểu biết và những fan nóng tính, thích cãi cọ, đúng là đội nhiều fan hơn thì số fan thích cãi cọ chắc cũng sẽ đông hơn, song tỷ lệ thì chắc như nhau. Lỗi chẳng phải ở ai cả, đó là chuyện đương nhiên, ghét một đội vì fan của đội đó là một trong những lý do “trời ơi” nhất có thể nghĩ ra được.
Chẳng đi đến đâu khi người này dè bỉu đội bóng của người kia rồi ai cũng đổ cho đối phương “gây sự” trước, mất thời gian và bất khả kiểm chứng. Chỉ biết rằng, trong thế giới nào thì kẻ thành công nhiều hơn cũng có đông người tung hô hơn kẻ thành công ít, chỉ có sự khó chịu khi thất bại dẫn đến bới móc, gièm pha thì chắc chắn phía “thành công ít” phải đông hơn.
Cũng có những lý do thuần túy xuất phát từ sự công tâm, thích công bằng, ghét dối trá và sự thiên vị. Đồng ý với những quan điểm này, song đó chỉ là một khía cạnh nhỏ. Còn ngoài ra, nhiều người ghét chỉ vì… thấy ghét.
Manchester United là một trong những CLB có lượng fan đông đảo nhất thế giới
Thành công hay không, thành công ở mức độ nào chủ yếu bao gồm hai yếu tố, sự nỗ lực và sự may mắn. Kẻ thắng không có nghĩa là anh hơn hẳn kẻ bại và có quyền coi thường, khinh bạc, mà kẻ bại cũng chẳng có gì phải tủi hổ, họ còn nguyên quyền cố gắng, so sánh là vô vị vì mỗi người có một điều kiện, hoàn cảnh khác nhau.
Nói về Man United, nếu có một số đông fan Quỷ đỏ ỷ vào những vinh quang để chê cười những đội thành tích không bằng thì hẳn là rất đáng ghét, nhưng ở chiều ngược lại, những antifan cứ lẽo đẽo ngày qua ngày khích bác mọi thứ về Man United cũng không khá gì hơn cả.
Dành nhiều thời gian cho thứ mình thích thì đem lại tình yêu, sự vui vẻ, nhưng dành quá nhiều thời gian cho thứ mình ghét chỉ có thể là việc của những người sống quá rảnh rỗi, nhàn hạ, thiếu những cảm xúc tích cực để hướng về.
Áp lực truyền thông và dư luận dành cho một đội bóng lớn là chuyện bình thường. Khi chưa được đầu tư mạnh tay và lột xác, có bao giờ thấy ai tranh cãi về chuyện Chelsea thắng có đẹp không, có được hưởng lợi từ trọng tài, hay cầu thủ A cầu thủ B của họ thế này thế kia? Trước khi mạnh như hiện nay, Man City chắc chỉ có tên trên báo khi các trận derby diễn ra, còn đâu có ai bận lòng về một tình huống họ ghi bàn trong thế việt vị, được tặng một quả pen, hay bất cứ cái gì tương tự, mọi người đều dễ dàng quên hết.
Khi anh chưa thành công, người ta chỉ dõi theo và xem anh có thành công được không, chỉ khi anh thành công rồi, người ta mới “phân tích” tại sao anh được thế, có may mắn gì, đã xứng đáng chưa… Không chỉ bóng đá, mà cuộc đời là vậy. Không chỉ chê “người dưng”, người ta hay chê đối thủ trực tiếp hoặc đối thủ truyền kiếp của mình.
Chelsea vừa vô địch Champions League thì có một làn sóng phản đối lối chơi phòng ngự, công kích họ đá tiêu cực, hèn nhát, chắc hẳn fan Barca chiếm đa số. Rồi fan Liverpool hay Arsenal nhiều người sẽ ghét Man United, fan Barca và Real thì đấu đá liên tục, họ tự có cái lý để hợp thức hóa những tình cảm ấy.
Vì sao antifan Man United đông nhất
Nếu yêu bóng đá và chấp nhận những quy luật mạnh yếu, thắng thua tự nhiên của nó, hầu như sẽ rất khó căm ghét một câu lạc bộ nhất định, trong điều kiện cạnh tranh công bằng. Nhìn trở về trước, Arsenal của những Bergkamp, Henry vô địch Anh với phong thái hoa mỹ khiến người ta tôn trọng, hay Chelsea của những Drogba, Lampard làm điên đảo cả châu lục với sắc thái lì lợm, thích thắng 1-0, cũng chẳng có gì để phê phán.
Man United thì thật ra không có nhiều thời điểm sở hữu nguyên một đội hình hoàn hảo, có chăng là những năm cuối thế kỷ trước và giai đoạn 2007 – 2008 mà thôi, song thành công của họ không chỉ kéo dài đơn thuần nhờ vào điều ấy.
Họ cũng có lúc lên ngôi suýt soát, chật vật khi Sir Alex chạy đua với những kỳ phùng địch thủ, mà cũng có lúc lại bứt xa, vô địch sớm tới 4 vòng dù lực lượng không thể sánh bằng đối phương. Đẳng cấp bền vững, tham vọng bền vững, phát triển bền vững mới là những thứ giúp Man United tồn tại trên đỉnh cao, được nhiều người hâm mộ năm này qua năm khác.
Bên cạnh những fan chân chính, Quỷ đỏ cũng có lượng antifan khá hùng hậu
Man City có sự hào nhoáng của một đội hình mạnh, có những đường bóng nịnh mắt từ các siêu sao, nhưng hai chức vô địch mà họ có được sau khi đổ cả núi tiền liệu có thuyết phục hơn so với những lần lên ngôi của Man United, Chelsea, hay Arsenal trước đó?
Mùa 2011-2012, Man City đánh bại Man United trong cả hai lượt trận, gây bão Giải Ngoại hạng với thế tiến như thủy triều, nhưng trong khi dàn binh hùng tướng mạnh của họ liên tục mất điểm trước các đối thủ yếu hơn, tự bôi xấu với những xích mích đồng đội, thầy trò ở giai đoạn về sau, thì Man United kiên trì chiến đấu với khả năng “giật gấu vá vai” của Sir Alex.
Mancini đã phải chờ đến những giây cuối cùng của mùa giải mới được Aguero “cứu thoát”, nhưng cũng chẳng tránh được bị sa thải đúng một năm sau. Nếu Man United cũng vô địch trong một mùa bóng họ vượt trội về lực lượng so với phần còn lại, đồng thời chỉ hơn đối thủ ở hiệu số thắng thua, có lẽ họ đã lại tiếp tục mang tiếng “ăn rùa”. Nhưng vì đó là Man City, chẳng ai nhắc nhiều làm chi cả.
Nhiều người ủng hộ Man City chỉ vì... ghét Man United
Họ đã phải chờ 44 năm, nếu họ đã quen thường xuyên vô địch thì chắc người ta mới bắt đầu soi xét xem họ vô địch như thế nào. Đến mùa vừa rồi, hầu hết các đại gia Premier League đều thiếu hoàn thiện, nhiều vấp váp, sự tái sinh của Liverpool là vật cản duy nhất đối với Man City.
Nắm trong tay một tập thể chất lượng, ổn định, kỷ luật hơn thời Mancini, nhưng Pellegrini cũng không gây ấn tượng gì đặc biệt trong cuộc đua đường trường, Liverpool ném điểm đi thì đúng hơn là Man City tích được nhiều điểm. Man City vẫn mạnh nhất trên lý thuyết, nhưng họ cần cảm ơn Liverpool là chính trước khi hài lòng về màn trình diễn của bản thân.
Pellegrini chỉ làm người ta dễ chịu vì tỏ ra thâm trầm và thận trọng hơn Mancini, còn về kết quả, điểm số của tân vương thậm chí còn thấp hơn lần nâng cúp trước đó. Premier League kết thúc, biết bao người nói về sự sa sút của Man United, biết bao người nuối tiếc cho The Kop, nhưng chẳng thấy mấy ai bình luận về Man City cả, người thích họ chưa quá nhiều mà người ghét họ cũng chẳng đông đúc cho lắm. Sẽ rất khác, nếu đó là Man United.
Ở La Liga, Barca và Real cũng ghét nhau, nhưng chỉ có hai đội so kè nên lượng antifan qua lại cũng vừa phải. Ở Đức, cả giải đấu quen với việc Bayern là độc bá, sự lớn mạnh của họ thuộc về chiến lược phát triển quốc gia, các đội khác có mục tiêu hoàn toàn khác, chẳng hơi đâu đi quan tâm hay ghét bỏ Hùm xám.
Sự thống trị của Man United làm CĐV các đội khác thấy khó chịu!?
Nhưng Premier League không như thế, Man United thống trị suốt hơn 20 năm với hàng loạt các kình địch thay nhau tranh đấu, ngay hiện tại cũng có 5, 6 đội va chạm liên tục ở nhóm đầu, lượng fan là rất lớn.
Để dễ hình dung, nếu ở Anh chỉ có hai đội mạnh xuyên suốt lịch sử còn La Liga lại có 5 ứng cử viên vô địch mỗi mùa, thì bài viết này có lẽ đang nói về Real hoặc Barca chứ không phải Man United. Vấn đề về số lượng mà chúng ta vừa đề cập được minh họa rõ ngay trên các trang báo, các diễn đàn.
Các tin mục có tên Man United luôn được quan tâm nhiều nhất, tranh luận nhiều nhất, chính vì thế nó được đăng lên nhiều nhất. Sự quan tâm ấy đến từ đâu? Dĩ nhiên là từ cả fan và antifan.
Tóm lại, với tất cả quá trình phát triển, những diễn biến đương đại của bóng đá thế giới, Man United sẽ phải chấp nhận là câu lạc bộ dẫn đầu về lượng antifan. Đây là thực tế khó lòng thay đổi, sẽ còn đúng trong nhiều năm tới, trừ khi Man United suy yếu và tụt hẳn khỏi đỉnh cao trong thời gian dài. Lúc ấy, những trận đấu hay nhất, được chú ý nhất, những thông tin đặc sắc nhất trên đài báo, truyền hình sẽ không còn thuộc về Man United nữa, những ai ghét họ sẽ bớt đi “nguyên liệu” để anti. Ngày đó chưa biết khi nào sẽ đến…