Ánh Viên vừa giành HCB và HCĐ ở Cúp Thế giới diễn ra tại Nga. Tuy nhiên, giải đấu này chưa thực sự danh giá như cái tên có gắn chữ “Thế giới”.
“Giải Vô địch Thế giới tại Kazan (24/7-9/8) là to nhất rồi mới đến Olympic. Còn giải Cúp Thế giới cùng nhiều sân đấu khác chỉ là hạng 3 mà thôi.
Trước đó, Ánh Viên thi đấu tại giải VĐTG rồi sang luôn Cúp thế giới do khá gần về địa lý. Thực chất Cúp Thế giới chỉ là giải đấu nhỏ, ai thích thì thi đấu thôi” – nhà báo Nguyễn Lưu nhận định.
Sự khác biệt giữa giải VĐTG và Cúp Thế giới có thể dễ dàng nhận biết qua rất nhiều yếu tố, như lượng VĐV tham gia, cơ cấu giải thưởng...
Nếu tại giải VĐTG, mỗi nội dung có hàng chục VĐV tham gia, phải chia vòng loại, rồi Bán kết, Chung kết để xác định người vô địch, thì ở Cúp Thế giới, có nội dung chỉ vỏn vẹn 5 cái tên tham dự.
Nội dung 400m hỗn hợp nữ ở Cúp Thế giới có 6 VĐV đăng ký, một người bỏ giải nên còn 5 kình ngư tranh tài.
Với mỗi HCV ở giải VĐTG, VĐV được nhận tới 20.000 USD. Nhưng tại Cúp thế giới, người đăng quang chỉ có 1.500 USD.
“Cúp Thế giới vừa rồi, VĐV chất lượng chỉ có cô Katiaka Hossu người Hungary và một cô người Pháp, có thể tham gia vì không mạnh kinh tế. Còn những VĐV khá giả họ đều bỏ”.
Tại nội dung 200m hỗn hợp nữ, Katiaka Hossu tiếp tục đăng quang, sau khi giành HCV ở giải VĐTG. Tuy nhiên thành tích của cô tại Cúp thế giới kém trước đó vài ngày tới xấp xỉ... 4s.
Điều đó cho thấy với những VĐV đỉnh cao, Cúp Thế giới cũng chỉ là mặt trận để “dạo chơi” và kiếm chút phần thưởng.
“Ở nội dung sở trường 400m hỗn hợp nữ, Ánh Viên có thành tích kém tại Kazan tới 2 giây mà vẫn đoạt HCB. Thành tích đó thực tế là rất thấp. Chúng ta nên có nhận thức rõ về giải đấu này” – nhà báo Nguyễn Lưu tiếp.
Đánh giá đúng tầm cỡ của Cúp Thế giới tuy nhiên nhà báo Nguyễn Lưu vẫn rất trân trọng giải đấu này, vì thực tế bơi lội Việt Nam luôn rất cần các cơ hội cọ xát.
“Nhưng dù sao cũng có chữ “Thế giới” ở đó, cũng là nơi cọ xát. Việt Nam ta kém, càng cọ xát nhiều càng tốt, cứ cọ xát là tốt”.