Tìm kiếm trên Internet với cụm từ: “Giải đấu hấp dẫn nhất hành tinh”: Có tới gần 1 triệu kết quả sau chỉ 0,38 giây và đa phần là nói về Premier League. Có rất nhiều lý do có thể chứng minh Premier League đích thực là giải đấu đáng xem nhất thế giới bóng đá.
Nhưng đáng xem không có nghĩa là hấp dẫn và càng không có nghĩa đây là một giải đấu tập hợp toàn những CLB hàng đầu thế giới.
Champions League đang giúp NHM kéo tấm màn nhung hạ xuống, và phía sau sự hòa nhoáng mà chúng ta thường thấy ở Premier League, lại là một thực trạng đáng báo động.
Vài năm gần đây, Premier League gần như mất dạng trên sân chơi danh giá nhất châu Âu, và đây rõ ràng không phải một hiện tượng nhất thời.
Man City thất bại trước Barca dù chơi trên sân nhà
Nhiều người thắc mắc: Nếu Premier League là một giải đấu kém chất lượng, thì tại sao sự thật ấy sau gần 2 thập kỷ mới lộ ra?
Rất đơn giản: Vì Premier League phát triển theo mô hình trái ngược hoàn toàn so với những giải đấu lớn khác.
Khi những người làm bóng đá Anh muốn nâng tầm giải hạng Nhất Anh lên thành Premier League, họ ném hàng tấn tiền tạo cho giải đấu này một vỏ bọc cực kỳ hào nhoáng.
Nó giống hệt như việc một ngôi nhà thay vì hoàn thiện phần nội thất bên trong, lại cầu kỳ sơn bức tường bên ngoài thật lộng lẫy.
Thời điểm đó người ta tư duy thế này: Chỉ cần tạo nên một vỏ bọc thật đẹp, các nhà tài trợ sẽ kéo cả đến Premier League rót tiền, các CLB lớn rồi sẽ mua siêu sao để xứng tầm với phần vỏ lộng lẫy.
Premier League trái ngược hoàn toàn với Bundesliga. Như chúng ta đều biết, để ĐT Đức vô địch World Cup, người Đức phải xây dựng nền tảng suốt 10 năm qua. Người Đức xây kiên cố phần bên trong mới trang hoàng bên ngoài.
Sự thật đã chứng minh, gần như tất cả các trụ cột hiện tại của nhóm đại gia Anh đều là những cầu thủ ngoại nhập. Người Anh không chú trọng đào tạo, hoặc họ có để tâm, nhưng làm hời hợt, tặc lưỡi cho xong.
Để đến ngày hôm nay, khi phải tìm một thế hệ kế cận, ngay cả Chelsea, Man City cũng chỉ biết trông chờ vào các nền bóng đá khác sẽ tạo ra một siêu sao để họ ném tiền tấn đưa về Premier League.
Những ngôi sao của Premier League đa phần đều ngoại nhập
Thử nhìn sang Barca và đặt câu hỏi: Tại sao Gã khổng lồ xứ Catalan vững mạnh lâu như vậy? Vì sau khi Ronaldinho hết phép, ngay lập tức Barca đôn Messi trở thành linh hồn mới và thực tế thì họ đã thành công.
Còn các ông lớn Premier League thì sao? Man United sau thời của Scholes, Roy Keane, Beckham… vật vã mãi chả tìm ra những phiên bản 2 của các cựu danh thủ này.
Arsenal sau khi chia tay thế hệ Henry-Pires-Vieira cũng không tìm nổi bộ 3 đã tạo nên mùa bóng kỳ diệu năm 2003.
Người Anh đã quá ảo tưởng về sức hút của Premier League, về những lời ca tụng của thế giới mà lãng quên mất rằng, khi vỏ bọc sờn rách, cũ kỹ theo thời gian, phần đổ nát bên trong sẽ lộ ra.
Và chính sự thoái hóa tất yếu này đánh dấu đà đi xuống của các CLB Anh trên sân chơi Champions League.