Số phận bi đát của những thần đồng bóng đá Việt

Song Nhi |

Khi nghi án Công Phượng gian lận tuổi bất ngờ nổ ra, không ít người hâm mộ chợt nhớ đến lứa cầu thủ U16 Việt Nam từng gây chấn động châu Á năm 2000.

Năm 2000, VFF đã mạnh dạn đăng cai VCK giải U16 châu Á và SLNA, vốn nổi tiếng về đào tạo trẻ trên cả nước đã được chọn vào Đà Nẵng tham dự giải đấu. Trong 8 đội bóng dự giải đấu năm ấy, U16 Việt Nam bị xem là đội bóng yếu nhất.

Nhưng dưới tay của HLV Nguyễn Văn Thịnh, lứa cầu thủ được xem là thế hệ vàng thời bấy giờ như Văn Quyến, Lâm Tấn, Như Thuật, Minh Đức, Ánh Cường, Thế Hùng, Mạnh Huy, Quang Tuấn, Văn Vinh… đã đưa NHM cả nước đi từ bất ngờ này đến bất ngờ khác.

Chiến thắng ngược 3-2 trước Trung Quốc đã giúp U16 Việt Nam vào bán kết. Giải đấu năm ấy, U16 Việt Nam chỉ đứng vị trí thứ 4, nhưng tên tuổi của Văn Quyến và đồng đội đã được lan tỏa và trở thành niềm hy vọng cho bóng đá Việt, kể từ sau thế hệ của Hồng Sơn, Huỳnh Đức, Công Minh….

VCK U16 châu Á tại Đà Nẵng năm 2000 đã trở thành bệ phóng cho Văn Quyến, Lâm Tấn, Ánh Cường, Như Thuật…, chỉ tiếc rằng phần lớn trong số họ đều không thể chớp lấy cơ hội vàng ấy để làm bàn đạp. Thay vào đó, ngã rẽ cuộc đời đã đưa họ vào những ngõ cụt không lối thoát ngoài bóng đá.

“Thằng béo” Văn Quyến là cái tên nổi danh nhất khi ấy. Trên khắp các nẻo đường, con phố, cái tên Văn Quyến được nhắc đến như “Cậu bé vàng” của bóng đá Việt Nam. Quyến bán độ, bán đứng ĐTQG và sau án tù, lang bạt khắp nơi, thậm chí phải nhờ lòng hảo tâm của bầu Trường, trước khi tuyên bố giải nghệ cuối mùa giải vừa qua.

Như Thuật cũng là một niềm hy vọng thời đó, khi giới chuyên môn và NHM đánh giá tiền vệ này sẽ là bản sao của Hồng Sơn. Tiếc rằng Như Thuật “mãi không chịu lớn”, không lấy được suất ở SLNA, dạt qua đội hạng Nhất Bình Định và rốt cuộc phải tìm vui ở những sân bóng phủi.

Trong lứa vàng U16 năm 2000, Ánh Cường sau một thời gian đá khá hay trong màu áo HP.HN cũng quyết định Nam tiến tìm cơ hội mới. Tuy nhiên, đến K.Khánh Hòa, cầu thủ gốc Hà Tĩnh này cũng không phát huy được nhiều và nhạt nhòa theo thời gian. Năm 2010, nghe tin quê nhà có thành lập đội bóng hạng Nhì mang tên Xuân Thành. Hà Tĩnh, Cường về quê xin gia nhập. Tuy nhiên, ước vọng đổi đời của bóng đá Hà Tĩnh bị phá sản, Ánh Cường cũng mất hút luôn từ đó.

Trương Quang Tuấn thì vào đầu quân cho Đà Nẵng nhưng bởi mức độ cạnh tranh quá lớn nên cũng không tìm được chỗ đứng. Anh bị đẩy xuống đá cho đội trẻ SHB. Đà Nẵng, sang QNK.Quảng Nam thử việc theo tiếng gọi của ông thầy cũ Nguyễn Văn Thịnh và giờ cũng chẳng biết trôi dạt ở nơi đâu.

Nhưng bi đát nhất phải kể đến trường hợp của hậu vệ Lâm Tấn. Sau vinh quang cùng U.23 VN tại SEA Games 22, hậu vệ này cũng vật vờ. Một thời gian chia tay HN.ACB, người ta thấy Tấn thường xuyên xuất hiện trên các sân phủi thành Vinh. Khi ông Nguyễn Hồng Thanh trở lại xứ Nghệ năm 2010, Lâm Tấn được cưu mang và trao cơ hội. Tuy nhiên, bởi chuyên môn đi xuống, Tấn buộc phải nhường vị trí cho các đàn em. Mùa giải 2012, dù vẫn đăng ký thi đấu trong màu áo SLNA nhưng vị trí quen thuộc của hậu vệ này là trên khán đài và sau đó Lâm Tấn tuyên bố giải nghệ.

Lâm Tấn cũng phải sớm giải nghệ dù được đánh giá rất cao trong lứa U16 Việt Nam gây ấn tượng ở Đà Nẵng năm 2000
Lâm Tấn cũng phải sớm giải nghệ dù được đánh giá rất cao trong lứa U16 Việt Nam gây ấn tượng ở Đà Nẵng năm 2000

Có một điểm chung, phần lớn lứa cầu thủ vàng này như Ánh Cường, Văn Vinh, Khánh Hùng, Văn Nghĩa… đều chia tay sự nghiệp vào năm 2012. Nếu theo đúng những gì đã ghi trong giấy tờ, họ mới chỉ ở tuổi 28, độ tuổi sung mãn nhất của đời cầu thủ. Còn tính đến hiện tại, họ mới chỉ ở tuổi 30, tức vẫn đủ khả năng thi đấu đỉnh cao.

Vậy thì hãy nhìn trường hợp của Nguyễn Minh Đức, trung vệ sau đó thừa nhận đã khai man sinh năm 1984 nhưng thực chất anh sinh năm 1983. Có ai đảm bảo được rằng chỉ duy nhất Minh Đức là người gian lận tuổi ở lứa U16 Việt Nam năm đó?

Tổng hợp

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại