Cảnh tượng rùng rợn
Hậu vệ Goncaves tiết lộ: “Ronaldo bị sùi bọt mép, thở rất gấp và khó khăn”. Edmundo nói: “Khi tôi thấy cậu ấy như thế, tôi tuyệt vọng. Đó là cảnh tượng thật sự gây sốc. Cậu ta chạy qua đập tay vào các cửa phòng và hét lên cho mọi người lao tới”.
Hậu vệ Cesar Sampaio là người đầu tiên thực hiện các động tác cấp cứu. Anh để Ronaldo nằm xuống, Edmundo giữ tay anh và đưa tay kia vào miệng Ronaldo, ngăn anh nuốt lưỡi. Ronaldo sau đó ngủ thiếp đi. Theo Edmundo, các bác sĩ đội quyết định rằng tốt nhất là nên giả vờ rằng không có gì đã xảy ra khi anh tỉnh dậy.
Đó là cảnh tượng rùng rợn tại khách sạn tuyển Brazil trú ngụ trước ngày trận chung kết Cúp thế giới 1998 diễn ra. Đội tuyển Brazil được đánh giá cao hơn hẳn chủ nhà Pháp khi ấy, bởi họ có Ronaldo “béo”. Anh là tay săn bàn hàng đầu của giải, đã ghi 4 bàn cho đến trận chung kết, và đặt mục tiêu giành Quả bóng vàng. Nhưng vụ Ronaldo bị động kinh xảy ra, làm đảo lộn mọi thứ.
72 phút trước trận, bản danh sách hai đội được gửi cho báo chí. Ronaldo bị loại khỏi đội hình xuất phát. Các phóng viên nhao lên vì không hiểu tại sau cầu thủ xuất sắc nhất thế giới sẽ không thi đấu. Cảnh tượng càng hỗn loạn hơn khi 30 phút trước trận, HLV Zagallo nộp lên một bản danh sách khác, với Ronaldo đá chính thay Edmundo. “Tôi chưa từng thấy bất cứ điều gì tương tự trong sự nghiệp”, phóng viên John Motson của BBC nói. “Các bình luận viên hỗn loạn trong studio, đưa tin về vụ việc”.
Ronaldo phải đá trận chung kết World Cup 1998 dù trước đó “suýt chết”
Tại sao Ronaldo phải ngồi ngoài? Và tại sao việc hy hữu, loại rồi điền tên anh vào danh sách đăng ký, lại xảy ra? Sau này, trong cuốn “The Brazilian Way of Life”, nhà báo Alex Bellos tiết lộ rằng HLV Mario Zagallo đã triệu tập cuộc gặp toàn đội để thông báo về tình hình nhân sự, 40 phút trước khi trận đấu bắt đầu: “Chúng ta cần đối mặt với tình hình”, Zagallo nói với toàn đội. “Tôi chọn Ronaldo. Chuyện gì sẽ xảy ra nếu tôi không cho cậu ấy thi đấu và đội bóng thua? Chắc chắn không thể được”.
“Nếu tôi không cho Ronaldo thi đấu và sau đó đội thua 0-3, mọi người sẽ nói Zagallo cứng đầu khi không cho cầu thủ hay nhất thế giới thi đấu”. Trong khi đó, bác sĩ đội tuyển Lidio Toledo nhấn mạnh áp lực ông phải chịu nếu không để Ronaldo ra sân: “Hãy tưởng tượng nếu tôi không cho cậu ấy chơi và đội thua. Lúc đó tôi sẽ phải chạy trốn và sống ở Bắc Cực”.
Cuối cùng thì Ronaldo đá trọn 90 phút và Brazil vẫn thua 0-3. Đó là một cú sốc, có thể gọi như vậy. Đội Pháp toàn cầu thủ trẻ, với tiền đạo Stephane Guivarc'h không ghi được bàn nào cả giải và có lần bị tờ Daily Mail liệt vào danh sách tiền đạo tồi nhất lịch sử Premier League. Brazil có Ronaldo, cầu thủ xuất sắc nhất thế giới, người ngoài hành tinh. Nhưng cuối cùng thì Zidane đi lên thành một trong những cầu thủ xuất sắc nhất thế giới từ cú đúp vào lưới Brazil. Trong khi đó, Ronaldo tuột mất cúp thế giới theo cách đầy bí ẩn.
Bí ẩn lớn nhất World Cup
Bạn cùng phòng với Ronaldo, hậu vệ trái Roberto Carlos đổ lỗi cho những áp lực mà Ronaldo phải gánh chịu trong suốt thời gian diễn ra giải đấu, khiến anh bị như vậy. “Cậu ấy sợ hãi vì những gì sắp diễn ra. Áp lực trên vai quá lớn. Cậu ấy đã không thể ngừng khóc. Đây là một cầu thủ 21 tuổi bị bao vây bởi những kỳ vọng, những hợp đồng quảng cáo. Khi mọi thứ đi quá giới hạn, bất ổn xảy ra, và nó xảy ra đúng vào ngày diễn ra trận chung kết Cúp thế giới”.
Cho đến giờ, vẫn không ai lý giải được hôm ấy đã xảy ra chuyện gì, và sự thật thì Ronaldo đã gặp phải vấn đề gì về sức khỏe. Các giả thuyết được đưa ra: 1) Nhà tài trợ Nike ép Ronaldo ra sân theo một thỏa thuận trong hợp đồng với Liên đoàn bóng đá Brazil; 2) Brazil bán độ, mà Ronaldo là người duy nhất không theo “kèo”; 3) Ronaldo bị đánh thuốc mê…
Sau này, bác sĩ Bruno Caru của Inter xới lại hồ sơ của Piero Volpi, bác sĩ Inter được giao nhiệm vụ để mắt đến tài sản quý Ronaldo ở trận chung kết, và kết luận rằng, anh đã bị kê đơn nhầm. “Ronaldo nằm xem trận đua xe trên truyền hình nhưng bất ngờ bị co giật vì một vấn đề tim mạch”, ông Caru nói. “Ronaldo được các bác sĩ cho uống thuốc động kinh, một quyết định sai lầm với người bị tim mạch. Đó là lý do vì sao anh hiền như một đứa trẻ trong trận, hầu như không thể giữ thăng bằng”.
Tuy nhiên, Ronaldo sau đó bác bỏ hoàn toàn giả thuyết trên. Anh nói: “Tôi rất buồn. 14 năm sau, World Cup 1998 vẫn là chủ đề tranh cãi. Tôi là nhân chứng đảm bảo mọi giả thuyết ấy đều là bịa đặt”.
Ba chấn thương đầu gối kinh hoàng
Ronaldo tái phát chấn thương đầu gối trận gặp Lazio năm 2000
Sự nghiệp của Ronaldo Luís Nazário de Lima, Ronaldo đầu tiên và duy nhất của nhiều người trong bóng đá, đã bị hủy hoại đáng kể vì những chấn thương tàn khốc. Anh từ giã sân cỏ ở tuổi 34, trong nước mắt, bởi “những cơn đau cứ nhói lên mỗi khi tôi bước chân lên cầu thang”. Cái đầu gối hành hạ Ronaldo ít nhất 3 lần, cướp đi của anh 3 năm sự nghiệp. Bên cạnh đó,còn nhiều chấn thương bí ẩn khác. Ngày 13/2/2008, hậu Milan-Livorno. Kết quả chụp chiếu MRI trên đầu gối trái của Ronaldo khẳng định anh đã bị rách dây chằng. Đó là một pha tranh chấp bình thường trong vòng cấm. Oddo tạt bóng, Ronaldo lao vào tranh chấp, trước khi ngã vật ra vì tác động của một cầu thủ Livorno. Phạt đền cho Milan. Nhưng người ta thấy Ronaldo nằm vật ra đau đớn, ôm mặt, không ngừng khóc. Thủ môn Marco Amelia của Livorno thậm chí tiết lộ, anh đã nghe thấy tiếng gãy xương từ đầu gối của Ronaldo. Một âm thanh kinh dị. Jean-Pierre Meersseman, người đứng đầu bộ phận y tế của Milan quyết định chuyển thẳng anh lên bệnh viện Galeazzi (một trong những bệnh viện chỉnh hình tốt nhất châu Âu) để phẫu thuật. Đó là chấn thương nghiêm trọng thứ ba trong sự nghiệp của Ronaldo, nằm ở đầu gối trái. Hai lần trước đều tại Inter Milan, ở đầu gối phải.
Ngày 21/11/1998, Ronaldo đổ gục trên sân trong trận gặp Lecce ở Serie A. Ronaldo được phẫu thuật bởi Giáo sư Saillant tại Paris. Anh tái xuất trận gặp Lazio ở Roma ngày 12/4/2000. Các khán giả tặng anh tràng pháo tay nhiệt liệt. Nhưng chỉ mất 6 phút, để cái đầu gối phải của Ronaldo giết anh một lần nữa trong các cơn đau. Anh đảo bóng. Hậu vệ Lazio không hề tác động. Nhưng Ronaldo vẫn ngã vật ra và kêu thét. Tất cả hoảng loạn, kể cả phía đối thủ. Sau này, các chấn thương còn hành hạ Ronaldo nhiều lần nữa (tất nhiên không nặng như 3 chấn thương đầu gối anh gặp ở Inter và Milan).
Khi chơi cho Real, Ronaldo một lần nữa dính chấn thương dây chằng mắt cá chân trái, trong một trận đấu với Atletico Madrid, khiến anh phải ngồi ngoài 3 tháng. Sự nghiệp của anh chấm dứt năm 34 tuổi vì những chấn thương hành hạ. Anh đã vô địch thế giới 2 lần, giành nhiều danh hiệu cao quý cấp CLB, 2 lần giành Quả bóng vàng châu Âu. Nhưng ở giai đoạn 1999-2000 ấy, nếu không có 2 chấn thương thảm khốc tại Inter, Ronaldo thậm chí có thể giành nhiều thành công hơn thế.