Rồi có lúc Thái Lan chẳng là gì...

Hà Thành |

Đó là khẳng định của ông Hoàng Anh Tuấn, HLV U19 Việt Nam, người đã phải nhận thất bại 0-6 trước U19 Thái Lan ở chung kết U19 Đông Nam Á 2015.

Sau khi dẫn dắt U19 Việt Nam giành vé dự vòng chung kết U19 Châu Á 2016, ông Tuấn đã tạm nghỉ làm việc tại VFF để lên đường sang Thụy Sỹ lo việc tốt nghiệp chương trình Pro.license để đạt chứng chỉ hành nghề chuyên nghiệp.

Để hoàn thành Pro.license, HLV Hoàng Anh Tuấn đã trải qua 5 học kỳ lần lượt được tổ chức tại Malaysia, Trung Quốc, Hàn Quốc và kỳ cuối là tại Thụy Sỹ.

Với tấm bằng Pro.license, nhà cầm quân người Khánh Hòa sẽ trở thành HLV đầu tiên tại Việt Nam đủ tiêu chuẩn dẫn dắt mọi câu lạc bộ trên thế giới.

Và trên phương diện bằng cấp, không ai khác, HLV Hoàng Anh Tuấn là nhà cầm quân có trình độ cao nhất ở Việt Nam hiện tại.

Trong quá trình theo học Pro.license, ông Tuấn được tiếp xúc với nhiều nền bóng đá tiên tiến trên thế giới, với nhiều HLV lão luyện, thậm chí là cả huyền thoại như Marcelo Lippi và học được từ đó rất nhiều điều.

Gần 2 tháng sau thất bại của U19 Việt Nam do ông dẫn dắt trước U19 Thái Lan ở chung kết giải U19 Đông Nam Á, ông Tuấn vẫn khẳng định, U19 Việt Nam có chất lượng con người không thua kém Thái Lan nhưng thất bại vì không có được điều kiện và thời gian chuẩn bị tốt hơn.

Từ những chia sẻ trên, ông mở rộng ra các vấn đề của cả nền bóng đá Việt Nam. Chiến lược gia người Khánh Hòa nói: “Nếu xem vùng trũng Đông Nam Á giống như một lớp học thì Việt Nam mình luôn có những lứa học sinh có xuất phát điểm rất tốt.

Nhưng so trong lớp học mình không bao giờ đứng đầu cả. Bóng đá, xét về xuất phát điểm, tố chất mình không thua kém so với Malaysia, Thái Lan, Singapore, Indonesia... Cái mình thua là phương pháp phát triển, đào tạo, định hướng.

Bởi vậy, mình mãi không thể làm ông chủ Đông Nam Á giống như Thái Lan được. Đương nhiên còn nhiều yếu tố khác, nhưng xuất phát điểm, về mặt chuyên môn tôi khẳng định Việt Nam mình trội hơn người ta”.

Riêng với người Thái, ông Hoàng Anh Tuấn có những nhận định rất khác, nhất là sau những phản ứng của người hâm mộ nước nhà lẫn các chuyên gia về thất bại 0-3 của tuyển Việt Nam trước tuyển Thái Lan ở trận lượt về, vòng loại World Cup 2018.

“Nói về Thái Lan, đa số đều nói phải thắng họ. Quan điểm cá nhân tôi cho đó là ích kỷ. Mình đâu nhất thiết phải thắng Thái Lan?

Mình nên học họ cách định hướng, rồi đến một lúc nào đó Thái Lan cũng chả là cái gì đó với mình. Giống như ngày xưa họ chấp nhận bỏ 10 năm thua kém ở vùng trũng Đông Nam Á, chấp nhận từ AFF Cup đến SEA Games để Singapore, Malaysia hoành hành.

Để rồi khi người Thái trở lại, những đội kia không là cái gì với họ nữa. Đừng nhìn Thái Lan theo kiểu một hai phải thắng họ. Hãy nhìn họ, học họ cách làm với tầm nhìn ra châu lục. Rồi đến một lúc nào đó Thái Lan cũng không là cái gì của mình cả.

Tôi tin thế. Tự động điều đó sẽ đến chứ nó sẽ không đến bằng những suy nghĩ phải quyết đá thắng họ. Xét cho cùng, giá trị của 1 trận đấu thắng Thái Lan và Iran, Iraq cái nào quan trọng hơn? Thắng Thái Lan chỉ thỏa mãn mặt tâm lý mà tôi gọi là ích kỷ.

Kiểu ghét nó nên phải thắng. Chứ 1 chiến thắng trước Iran, Iraq giá trị hơn chứ vì đó là tầm vóc châu lục khác hoàn toàn”.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại