"Nước trong thì không có cá, mà người tốt quá thì không ai chơi"

Đức Phan |

Trước thềm trận đấu giữa Iraq và Việt Nam ở vòng loại World Cup 2018, trang chủ của FIFA đã có một bài viết ví Công Vinh là Beckham của Việt Nam nhưng...

LTS: Chuyện thứ Ba là một góc ngẫm và “đi” cùng bạn đọc từ câu chuyện xã hội để "bắt bệnh" và hiểu thấu các vấn đề thể thao trong nước cũng như quốc tế dưới góc nhìn của những cây bút hàng đầu hiện nay.

Bài Chuyện thứ Ba sẽ được đăng tải vào sáng thứ Ba hàng tuần, mời độc giá chú ý đón đọc.

Về cơ bản, sự so sánh của FIFA là tương đối hợp lý. Bởi tuy ở 2 đẳng cấp khác nhau, nhưng giữa BeckhamCông Vinh có khá nhiều điểm tương đồng.

Chuẩn mực và chuyên nghiệp

Beckham không hẳn là một tài năng bẩm sinh. Theo dõi anh thi đấu, ngay cả ở thời điểm đỉnh cao phong độ, người ta cũng hiếm khi thấy Beckham có những pha qua người, hay những màn biểu diễn kỹ thuật lắt léo.

Beckham không được trời phú cho kỹ thuật điêu luyện thiên bẩm, nhưng anh vẫn trở thành một cầu thủ hàng đầu nhờ khổ luyện những kỹ năng khác như: những quả tạt, những cú đá phạt chuẩn đến từng cm, cùng tư duy chơi bóng khoa học để bù đắp khiếm khuyết của bản thân.


Công Vinh là hình mẫu tại Việt Nam về sự thành công trong bóng đá, nhờ chăm chỉ, nỗ lực và tài năng.

Công Vinh là hình mẫu tại Việt Nam về sự thành công trong bóng đá, nhờ chăm chỉ, nỗ lực và tài năng.

Không chỉ trên sân bóng, mà bên ngoài sân cỏ Beckham cũng rất chỉnh chu, chuyên nghiệp. Anh không để mình dính vào những vụ scandal lãng nhách.

Beckham rất biết cách xây dựng hình ảnh một người của công chúng và đặc biệt giỏi kiếm tiền. Trước khi những tên tuổi như Ronaldo hay Messi vươn lên đến đỉnh cao, thì Becks thực sự là ông vua kiếm tiền của thế giới bóng đá.

Tất cả, những đường đi nước bước của anh đều hoàn hảo. Từ việc gia nhập Real Madrid, rồi cập bến nước Mỹ hay trình làng thương hiệu thời trang, nước hoa mang tên mình đều rất hợp lý, có sự tính toán cao.

Về phía Công Vinh, ngoài việc giống Becks cùng có một cô vợ đẹp, là một ca sĩ nổi tiếng, Vinh cũng chẳng có năng khiếu đặc biệt. Dù vậy anh vẫn vươn tới đỉnh cao bằng một nghị lực phi thường (người ta vẫn nói: Quyến bẩm sinh - Vinh khổ luyện).

Nhìn chung Vinh có thái độ cực kì chuyên nghiệp với nghề nghiệp. Anh là cầu thủ duy nhất tự bỏ tiền túi thuê chuyên gia thể lực nước ngoài để hướng dẫn tập phục hồi sau chấn thương.

Ngoài lứa cầu thủ được đào tạo bài bản của Hoàng Anh Gia Lai Arsenal JMG, Công Vinh là cầu thủ hiếm hoi có thể tự tin giao tiếp bằng tiếng Anh. Vinh từng có nhiều cuộc trả lời phỏng vấn các hãng truyền thông quốc tế hoàn toàn bằng tiếng Anh.

Vinh cũng miễn nhiễm với những vụ nhậu nhẹt, bay lắc phá sức, ngay cả thuốc lá anh cũng tránh xa. Tất cả, những điều đó dù nhỏ nhặt, nhưng rõ ràng là rất đáng quý trong môi trường bóng đá còn thiếu sự chuyên nghiệp như Việt Nam hiện nay.

Vinh cũng là vua kiếm tiền trong giới cầu thủ Việt. Chưa tính tiền thu được từ kinh doanh, quảng cáo, chỉ riêng số tiền chuyển nhượng của Vinh ước tính đã lên tới 30 tỷ.


Từ trong ra ngoài sân cỏ, Công Vinh đều rất giỏi kiếm tiền và gây dựng hình tượng.

Từ trong ra ngoài sân cỏ, Công Vinh đều rất giỏi kiếm tiền và gây dựng hình tượng.

Khác với nhiều đồng nghiệp khi có tiền thì tung tẩy, rồi chìm vào thú vui cá độ để rồi cảnh sống dở, chết dở, Vinh rất biết căn cơ, vun vén. Vợ chồng Công Vinh - Thủy Tiên từng khiến dư luận “lác mắt” khi trình làng ngôi biệt thự trị giá 22 tỷ.

Tiền đạo người xứ Nghệ đã chuẩn bị sẵn cho cuộc sống hậu sân cỏ, khi bắt đầu theo học tại chức Đại học Luật.


Câu nói nổi tiếng đang vận vào Công Vinh?

Câu nói nổi tiếng đang vận vào Công Vinh?

Sống sao cho vừa lòng người?

Lẽ ra với tính cách và một cuộc sống viên mãn như thế: vợ đẹp, con khôn, giàu có, sự nghiệp đỉnh cao, Vinh xứng đáng được ngưỡng mộ, là tấm gương sáng. Hoặc ít ra là cũng phải được yêu mến như Beckham mới đúng.

Nhưng điều kì lạ là số người anti cầu thủ xứ Nghệ này lại rất đông đảo? Mới đây, khi Công Vinh dính vào sự lùm xùm phát ngôn liên quan đến Anh Đức, lập tức đã có một làn sóng chỉ trích mạnh mẽ hướng vào anh.

Áp lực đè nặng lên Vinh lớn đến mức, anh này đã phải đăng đàn trên trang cá nhân, phản ứng một bài viết của báo giới. Không bàn đến tính xác thực trong cuộc tranh cãi này. Người ta vẫn có thể dễ dàng thấy có nhiều ý kiến chê bai Vinh rất vô lý.

Ví dụ người ta cho rằng Vinh gặp thời, nhờ Quyến rơi vào vòng lao lý nên mới có thể vượt ra khỏi cái bóng của người đàn anh. Thực tế, sự so sánh ấy chẳng có chút giá trị gì. Quyến là Quyến, Vinh là Vinh. Vinh không chơi xấu, đẩy Quyến vào vòng lao lý để ngoi lên.

Quan trọng hơn là hiện tại, Vinh đích thực là tiền đạo số 1 của bóng đá Việt Nam (ít nhất ở những con số thống kê). Người ta chỉ trích Vinh lắm chiêu trò, làm giá bản thân. Nhưng ngay cả khi Vinh làm như thế thật, thì xét cho cùng nó vẫn là một phần của sự chuyên nghiệp.


Công Vinh bị ghét vì quá tốt?

Công Vinh bị ghét vì quá tốt?

Bóng đá giờ không phải là trò chơi, mà đã trở thành một ngành công nghiệp. Vì thế việc PR, truyền thông cũng là dễ hiểu. Hãy thử hình dung, trong bán hàng, liệu có ai cấm người ta quảng cáo, thậm chí sử dụng một số tiểu xảo để kích cầu?

Tương tự như thế, việc Vinh lật kèo Hà Nội T&T trong quá khứ để về với bầu Kiên cũng chỉ là 1 phần của bóng đá chuyên nghiệp. Khi mà cầu thủ có quyền cân nhắc bản hợp đồng có lợi nhất cho mình.

Có lẽ, chẳng có ở đâu kì lạ như Việt Nam. Những người “nhúng chàm” như Văn Quyến thì dễ dàng nhận được sự cảm thông, tiếc nuối của dư luận. Còn một hình mẫu thành công như Công Vinh lại luôn phải đối diện với cái nhìn khắt khe.

Phải chăng đó chính là thứ đặc sản “nước trong thì không có cá, mà người tốt quá thì không ai chơi”, “Giàu thì nó ghét, đói rét thì nó khinh mà thông minh thì nó tiêu diệt” chẳng giống ai, từng được đúc kết trong Chương trình gặp nhau cuối năm?

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại