Tiếc ở chỗ chúng ta đánh mất vàng hoặc thi đấu dưới phong độ bắt nguồn từ những lý do đầy bất ngờ và có trường hợp nằm ngoài vấn đề chuyên môn.
Trường hợp đầu tiên phải kể tới chính là sự cố kỷ lục gia Nguyễn Văn Lai thất bại ở nội dung 10.000m vì lý do …đau bụng.
Sau khi gây sốc với việc phá kỷ lục SEA Games tồn tại suốt 22 năm ở nội dung 5.000m, Văn Lai được kỳ vọng rất cao ở khả năng sẽ bảo vệ thành công tấm HCV tại nội dung sở trường 10.000m.
Tuy nhiên mục tiêu này đã hoàn toàn phá sản bởi bước vào nội dung 10.000m, Lai bất ngờ gặp phải sự cố đau bụng dữ dội để rồi từ nhóm dẫn đầu anh nhanh chóng bị tụt lại phía sau và chỉ có thể cán đích ở vị trí thứ 6 với thành tích 32 phút 25 giây 43.
Đây là sự cố đáng tiếc và thật khó có thể ngờ tới. Sau khi kết thúc phần thi, Văn Lai cũng đã tỏ ra rất tiếc nuối bởi anh không thể bảo vệ thành công tấm HCV ở nội dung sở trường của mình.
Trường hợp đầy đáng tiếc khác xảy ra ở môn wushu với gương mặt vốn được đánh giá cao - Nguyễn Thanh Tùng.
Mặc dù từng giành nhiều thành tích vàng ở cấp châu lục và thế giới nhưng Tùng vẫn chưa một lần được nếm hương vị chiến thắng ở SEA Games.
Năm nay, Tùng dự thi 2 nội dung là Thái cực quyền, Thái cực kiếm và được đánh giá cao ở khả năng giành Vàng tuy nhiên kết quả lại hoàn toàn thất vọng.
Ở nội dung Thái cực kiếm, Tùng chỉ xếp thứ 8 trong 9 VĐV tham gia biểu diễn. Ở nội dung Thái cực quyền, Tùng cũng chỉ xếp thứ tư chung cuộc.
Ngay cả ông Lê Minh Hà, trưởng bộ môn wushu cũng “không hiểu nổi” điều gì đã xảy ra và có lẽ do Thanh Tùng không có duyên ở đấu trường Đông Nam Á.
Ông Hà cũng nhận định đẳng cấp của Thanh Tùng là nằm ngoài khu vực. Em luôn chọn những bài biểu diễn có độ khó cao, luôn tạo áp lực với bản thân dù thi đấu ở đấu trường nào.
Đáng tiếc là Tùng đã không thể hiện đúng khả năng của mình để rồi không thể đứng trên bục vinh quang ở SEA Games 28.
Trong khi đó một gương mặt sáng giá khác của đoàn TTVN là Quách Công Lịch cũng để lại tiếc nuối khi “mất” HCV.
Anh là niềm hy vọng vàng của tuyển điền kinh VN ở nội dung 400 m vượt rào. Anh cũng chính là người có vinh dự được cầm quốc kỳ ở lễ khai mạc SEA Games 28.
Tại chung kết nội dung 400 m vượt rào, Công Lịch thi đấu cố gắng, dẫn đầu ở phần lớn cuộc thi nhưng tại những mét nước rút, Công Lịch đã để cho đối thủ gốc Mỹ của Philippines - Eric Cray vượt lên.
Kết cục, Công Lịch ngậm ngùi với tấm HCB cùng thành tích 50 giây 29. Trong khi đối thủ đã giành vàng và phá kỷ lục SEA Games với thành tích 49,40 giây.
Tương tự như Công Lịch, Dương Thúy Vi là một trường hợp khác cũng mất vàng trong gang tấc ở nội dung sở trường. Sau tấm HCV đầu tiên ở bài thi Kiếm thuật, Thuý Vi tiếp tục được dự đoán sẽ mang về thêm một tấm HCV nữa ở nội dung sở trường là Thương thuật.
Phần thi đã được Vi thể hiện tốt tuy nhiên cô chỉ giành tấm HCB với điểm số 9,71. Giành HCV là Oo Sandi của Myanmar với 9,72 điểm, chỉ hơn Thúy Vi 0,01 điểm.
Đây là phần thi đấu mà cách chấm của các trọng tài có phần cảm tính, nên mọi chuyện đều có thể xảy ra. Đáng nói, đối thủ người Myanmar chưa bao giờ “có cửa” tranh HCV với Thuý Vi ở các kỳ SEA Games, nhưng lần này lại có chiến thắng sít sao.
Như vậy, đã có không ít trường hợp chúng ta mất vàng hoặc thi đấu dưới phong độ vì những lý do khác nhau. Hy vọng ở những ngày thi đấu tiếp theo, những trường hợp đen đủi này sẽ không đến với đoàn TTVN.