Thông tin cầu thủ Phan Thanh Bình và Thảo Trang chia tay đã khiến NHM ngỡ ngàng. Dưới đây là bài viết rất hay của tác giả Lê Thiếu Nhơn đăng trên một diễn đàn về bóng đá. Chúng tôi xin được trích nguyên văn:
“Phải ở trong chăn mới biết chăn có rận. Bất kỳ lời phán quyết nào về nguyên nhân gây đổ mái ấm của Phan Thanh Bình và Thảo Trang đều vội vàng và khiếm nhã.
Tuy nhiên, dù rất cay đắng, cũng phải thẳng thắn thừa nhận với nhau: sự rạn nứt của cặp đôi Phan Thanh Bình gần như đồng thuận với sự đi xuống về phong độ nghề nghiệp của chân sút một thời lừng lẫy nhất bóng đá Việt Nam.
Phan Thanh Bình thành danh khi còn rất trẻ. Tại SEA Games 2003, cầu thủ 17 tuổi Phan Thanh Bình đã được tôn vinh như một thần tượng mới trên sân cỏ.
Phan Thanh Bình gắn bó với đội bóng quê nhà Đồng Tháp cho đến năm 2008, thì bắt đầu cuộc chuyển nhượng bằng những bảng hợp đồng tiền tỷ.
Chỉ sau một năm cùng đồng đội vô địch AFF Suzuki Cup 2008, Phan Thanh Bình kết duyên với mỹ nhân đồng hương Thảo Trang trong sự chúc phúc hồ hởi của mọi người.
Có vợ đẹp lại có thêm cô con gái xinh xắn, ngỡ chừng Phan Thanh Bình có được chỗ dựa vững chắc để tiếp tục làm một tiền đạo xuất sắc.
Vợ chồng Phan Thanh Bình hồi mới yêu nhau.
Đáng tiếc, sân cỏ khước từ sự chậm chạp dần vì tuổi tác của Phan Thanh Bình. Không chỉ lu mờ ở đội tuyển quốc gia, Phan Thanh Bình phải chấp nhận thi đấu cho đội bóng hạng 2 với mức lương xấp xỉ 10 triệu đồng mỗi tháng.
Ở đời, quen sung sướng thì dễ, chứ quen chật vật rất khó. Thu nhập của Phan Thanh Bình không đủ lo cho gia đình, đã khiến người mẫu Thảo Trang phải quay lại showbiz hòng tìm sinh kế.
Một mối quan hệ được vun đắp bằng tiền tỷ, thì không thể duy trì bằng tiền triệu. Mâu thuẫn ngấm ngầm rồi mâu thuẫn hiện hữu. Cuộc chia tay của Phan Thanh Bình và Thảo Trang xảy ra như một định mệnh trái ngang.
Tiền không mua được hạnh phúc! Chân lý ấy chỉ đúng với người có rất nhiều tiền, hoặc người chưa bao giờ xem trọng tiền. Giới người mẫu và giới cầu thủ đều bị ám ảnh bởi tiền, đó là sự thật.
Dù người mẫu Thảo Trang không đòi hỏi, thì chính Phan Thanh Bình cũng chua chát vì thù lao ít ỏi của mình so với trước kia.
Phan Thanh Bình chấp nhận xa cách Thảo Trang một cách nghiêm túc, như một cầu thủ đến phút rời sân không thể níu thêm giờ!
Gia đình cầu thủ gốc Đồng Tháp hồi còn hạnh phúc.
Câu chuyện buồn của Phan Thanh Bình nhắc nhở chúng ta điều gì? Xin thưa, đó là tương lai của cầu thủ Việt.
Hầu hết cầu thủ đều không được học hành đến nơi đến chốn, và họ không có kiến thức gì để xoay sở khi đôi chân mệt mỏi trước quả bóng.
Đừng tưởng hết làm cầu thủ thì có thể làm huấn luyện viên. Nhầm, nghề cầu thủ và nghề huấn luyện viên hoàn toàn khác biệt. Không phải cầu thủ nào cũng là Phạm Huỳnh Tam Lang hoặc Lê Huỳnh Đức.
Vì vậy, mỗi cầu thủ khi đang ở đỉnh cao vẫn phải chuẩn bị trước cho mình con đường tương lai thật khéo léo và vững bền.
Thay vì thỏa chí ăn chơi lúc có được tiền tỷ, hãy biết dành dụm để buôn bán hoặc trau dồi thêm một lĩnh vực mà mình có chút đam mê.
Hoàn cảnh của Phan Thanh Bình chưa phải bẽ bàng. Rất nhiều cầu thủ thuộc thế hệ vàng của bóng đá Việt Nam nửa cuối thập niên 90 của thế kỷ trước, bây giờ rất vất vả để có được cuộc sống đạm bạc, bằng nghề bảo vệ hoặc bằng nghề thợ hồ.
Không tiện nêu tên, nhưng xin nêu một ví dụ. Khi anh X đang nổi tiếng ở đội tuyển quốc gia, thì hàng xóm xôn xao: “Con Y may mắn mới cưới được thằng X!”.
Hiện tại thì sao, người vợ có sạp trái cây để nuôi cả nhà, còn anh X thì… giữ xe cho khách và kiêm chức… sai vặt! Và hàng xóm lại xì xào kiểu khác: “Không có con Y thì thằng X chết đói!”.
Đau đớn lắm, xót xa lắm. Phía sau một pha bóng đẹp, đôi khi không phải những tiếng reo hò vang dội, mà là những giọt nước mắt ê chề cho thân phận cầu thủ ở xứ ta”.