Cao thủ được Diệp Vấn yêu quý hơn cả Lý Tiểu Long

Triệu Mẫn |

Lý Tiểu Long là một trong những người làm rạng danh Diệp Vấn nhất. Tuy nhiên, đệ tử mà ông nhắc tên trước lúc quy tiên lại không phải anh.

Kẻ đứng đầu “Thất đại đệ tử”

Năm 1940, có một cậu bé 18 tuổi kiên trì 3 lần đến nhà Diệp Vấn xin bái sư học nghệ. Sở dĩ việc được chấp thuận diễn ra khó khăn như thế là bởi Diệp sư phụ ngại tuổi tác cậu cũng hơi lớn, khó có thể dạy dỗ thành tài.

Tuy nhiên, do sự kiên trì quá mức, cuối cùng cậu cũng được chấp thuận, trở thành môn đồ thứ 7 của Diệp Vấn, người đó chính là Quách Phú.

Quách Phú sinh năm 1921 tại Quảng Đông (Trung Quốc) trong một gia đình nông dân nghèo. Bởi vậy nên ông phải ra ngoài làm việc từ rất sớm, năm 15 tuổi đã ra nhà kiếm việc làm.

Vào khoảng năm 1940 khi đang là người học việc tại một tiệm kẹo trên đường Vĩnh An, Phật Sơn, Quách Phú phát hiện tại cửa hàng bông vải sát bên, Nhất đại tông sư Diệp Vấn đang bí mật dạy Vịnh Xuân quyền cho 6 môn đồ.

Vốn là người đam mê võ thuật, hơn nữa thời đó lại rộ lên phong trào học võ bởi quân Nhật Bản đang dần tiến vào nhiễu loạn Phật Sơn nên ai cũng muốn có chút gì đó phòng thân.

Chàng trai họ Quách thời đó cũng không ngoại lệ, đã bị cuốn hút vào phong thái cùng những đòn đánh của Diệp sư phụ. Qúa mức mê mẩn, anh lập tức xin được làm học trò của ông.

Nhưng trái với sự mong chờ, ông nhìn chàng thanh niên đứng tuổi và kiên quyết từ chối. Không hề nản lòng, Quách Phú kiên quyết 3 lần đến cửa, xin học võ bằng được.

Nhận thấy sự quyết tâm quá lớn từ cậu trai trẻ tuổi, Diệp sư phụ nhận lời thu nạp thêm đệ tử thứ bảy.


Diệp Vấn và các đệ tử.

Diệp Vấn và các đệ tử.

Ngay ngày đầu tiên vào phòng luyện công, Diệp sư phụ đã cho anh giao đấu với các môn sinh khác để xem phản ứng, phản xạ, sở trường, sở đoản…

“Hầu như ngày nào tôi cũng bị đánh te tua. Nhưng cứ sau mỗi lần thì tôi càng lưu ý đến chiêu thuật và thế công thế thủ của đối phương để phản ứng hiệu quả”- Quách Phú kể lại.

Mặc dù tuổi tác không nhỏ, nhưng Diệp Vấn sớm đã nhìn ra tố chất ở cậu học trò thứ 7. Chỉ sau 3 năm, ông đã nắm vững tâm pháp Vịnh Xuân Quyền mà sư phụ cố công truyền thụ.

Năm 1945, Phật Sơn sụp đổ, võ đường buộc phải đóng cửa, Quách Phú phải bỏ về quê.

Tuy nhiên, Diệp sư phụ biết được khả năng của đệ tử, không quản ngại đường sá, thường đi bộ hàng chục cây số đến nhà anh ở Hạ Giáo Bảo để chỉ bảo riêng. Tiếp tục truyền thụ 2 năm nữa Vịnh Xuân cho họ Quách.

Đến sau đó, chính ông cũng phải thừa nhận rằng, dù gia nhập muộn nhưng khả năng của Quách Phú là nổi bật nhất. Cuối cùng, ông là người đứng đầu “Thất đại đệ tử” của Diệp Vấn, sở hữu võ công cao cường nhất.

Clip Quách Phú thi triển võ công:

Xem toàn bộ VIDEO HOT trên SOHA

Cao thủ ẩn dật

Khả năng Vịnh Xuân của vị đứng đầu “Thất đại đệ tử” này chẳng phải là danh bất hư truyền.

Sở hữu võ công cao cường song Quách Phú sống rất ẩn dật. Lần thượng đài duy nhất của ông là vào năm 30 tuổi, tuy chỉ một lần nhưng danh tiếng và sự kinh động của nó khiến người ta không thể nào quên.

Năm đó, sư phụ Diệp Vấn đã sang Hồng Kông, họ Quách vẫn tiếp tục ở lại Phật Sơn trông coi võ đường của sư phụ. Có một cao thủ đương thời nghe phong thanh danh tiếng đệ tử Diệp Vấn của ông mà liên tục tìm đến cửa khiêu chiến 3 ngày.

Ngại ồn ào, Quách Phú buộc phải nhận lời. Hai bên giao thủ qua 14 chiêu vị quyền sư kia không thể nào nhập sát vào để ra đòn được. Hơn thế còn bị Quách phát một ngón Đàn thủ khiến người bật ra sau đến chục bước, bèn xấu hổ cáo từ.

Từ đó Quách Phú nổi danh ở hai vùng Quảng Châu và Phật Sơn.


Quách Phú đứng đầu Thất đại đệ tử của Diệp Vấn.

Quách Phú đứng đầu "Thất đại đệ tử" của Diệp Vấn.

Tuy nhiên, nhìn bề ngoài không ai nghĩ đó là một cao thủ. Ông sống cực kì khiêm tốn, ẩn dật, nụ cười hiền lành và gương mặt nho nhã. Nhưng nếu nhìn kĩ, cước bộ của họ Quách luôn nhẹ nhàng, tâm thế ung dung hành động dứt khoát.

Đến khi đã hơn 90 tuổi, Quách Phú vẫn trông tráng kiện, hai mắt phát thần quang, kình lực phát thủ còn rất mạnh mẽ, khiến người ta e ngại.

Lại có chuyện kể lại rằng, Diệp Vấn từng trao bí kíp quyền phổ và sách thuốc của mình cho Quách Phú sao chép.

Theo truyền thống trong giới võ lâm thì quyền phổ không dễ gì trao cho người khác. Diệp Vấn làm như vậy là muốn truyền y bát Vịnh Xuân quyền cho Quách Phú.

Quách Phú tiết lộ rằng bí kíp quyền phổ trên gọi là “Vịnh Xuân quyền bí bản”, ngoài việc ghi chép tường tận 108 thức của bản môn còn có một phần rất quan trọng về điểm huyệt, gọi là “Điểm mạch pháp” hay “Đả mạch pháp”.

Loại công phu này rất hiểm, chỉ có người đạt được công lực thượng thừa và có võ đức mới nên luyện và vạn bất đắc dĩ mới sử dụng. “Sư phụ lúc sắp rời Phật Sơn đi Hồng Kông mới truyền thụ công phu này cho tôi”. – Quách Phú từng chia sẻ.


Quách Phú không tạo cho người ta cảm giác của một cao thủ.

Quách Phú không tạo cho người ta cảm giác của một cao thủ.

Hơn 60 năm không còn nhìn thấy mặt sư phụ, nhưng Quách Phú vẫn nhớ lại từng giây phút được ông dạy bảo : “Ông ấy rất bình tĩnh, luôn trầm ổn và sống rất quân tử. Đó thực sự là một con người vĩ đại”.

Trong suốt thời gian của mình, Diệp Vấn đã thu nhận hàng trăm đệ tử. Trong đó có những người nổi tiếng, thành danh như Lý Tiểu Long, Trương Trác Khánh.

Nhưng trước lúc qua đời, lời dặn của ông lại hướng về Quách Phú: “Sau này nếu ai muốn học công phu Vịnh Xuân chính tông thì hãy đến Phật Sơn, tìm Quách Phú”.

Trong nhiều năm qua, nhớ lời dạy của sư phụ, họ Quách rất tích cực chỉ điểm, dạy dỗ cho học trò mà chẳng thu lấy 1 đồng học phí. Bởi Diệp Vấn cùng dạy miễn phí cho ông, cớ gì ông lại thu tiền học trò.

Hiện nay, Tại khu Nam Hải, Bình Châu, TP Phật Sơn, tỉnh Quảng Đông có một ngôi nhà cổ, trên biển đề “Quách thị Vịnh Xuân quyền hội”.

Đây chính là nơi ẩn cư của đại sư Quách Phú, trong nhà vẫn treo tranh ảnh của Diệp Vấn, sư phụ mà ông tôn kính suốt đời.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại