Ngoại hạng Anh không dành cho… người Anh

Nguyễn Đỉnh |

(Soha.vn) - Công viên Regent ngày Chủ nhật hàng tuần, rất nhiều người dân London tập trung tại đây vì một mục đích duy nhất. Họ muốn giá vé giảm.

Khoảng 750 người tuần hành, với thông điệp rõ ràng: “£nough is Enough”. Những tấm biểu ngữ được làm công phu ấy là lần đầu tiên một câu hỏi như vậy được công khai thể hiện nơi công cộng. Tại sao các CĐV phải trả quá nhiều tiền để được xem một trận bóng đá của đội bóng địa phương?

Những người biểu tình thực sự không muốn làm việc này. Họ có việc làm, có gia đình, có những thứ quan trọng hơn bóng đá để mà quan tâm. Nhưng họ cảm thấy mình đang bị cướp đi một cái gì đó quý giá trong cuộc sống, nên đã quyết định không thể ngồi yên. Các nhóm CĐV nổi bật nhất nước Anh đều quy tụ thành viên của mình vào các cuộc biểu tình đòi giảm giá vé.

	CĐV Anh đổ ra đường phản đối việc tăng giá vé

CĐV Anh đổ ra đường phản đối việc tăng giá vé

Đối với CĐV nước Anh, bóng đá không đơn thuần chỉ là thể thao. Nó đại diện cho chủ nghĩa thoát ly, là thứ để những người lao động hàng ngày giải trí và có ý thức với cộng đồng của mình. Hơn thế nữa, các CĐV còn được coi như huyết quản của các đội bóng.

Trớ trêu làm sao, các CĐV người Anh giờ không còn được coi là huyết quản của các đội bóng nữa. Chính chúng ta, những người không mang quốc tịch Anh, những người xem Premier League qua tivi, và những người đang đọc bài viết này, lại đang thay thế cái vai trò đó.

Tăng phi mã

Giá vé xem bóng đá ở Anh năm 2013 đã tăng 716% so với năm 1989, và trong thời gian đó, mức thu nhập bình quân của người Anh tăng chỉ 186%, trong khi Ngân hàng Anh công bố mức tăng lạm phát trong giai đoạn 24 năm ấy là 77%.

Tiền vé không còn là nguồn thu nhập mang lại lợi nhuận cao nhất nữa cho các CLB Premier League. Hợp đồng phát sóng mới nhất được ký có trị giá 5,5 tỷ bảng, và phần lớn số tiền đó đến từ các đài truyền hình nằm ngoài lãnh thổ Anh. Các đài truyền hình ở châu Á trả rất hậu cho các hợp đồng phát sóng bởi đây là châu lục đông dân và múi giờ rất thuận lợi để khán giả xem bóng đá.

Nguồn thu truyền hình mỗi năm có thể mang tới ước chừng gần 300 triệu bảng cho mỗi CLB trong vòng 10 năm tới. Số tiền đó là cả một gia tài, và nếu Liverpool nhận chừng đó tiền thì họ có thể xóa nợ ngay lập tức. Khi mà nguồn thu từ ngoài nước Anh hời đến như thế, tội gì mà các CLB giải Ngoại hạng lại không nắm lấy?

	Premier League là cỗ máy in tiền

Premier League là cỗ máy in tiền

Những đội bóng hấp dẫn nhất của giải đấu không chỉ thu được tiền phát sóng, họ còn đút túi một khoản khá lớn doanh thu từ ngành du lịch khi các du khách nước ngoài tới mua vé xem đá bóng. Những người này không chỉ khiến các đội ăn nên làm ra mà còn khiến cả những cơ sở kinh doanh ăn theo nằm trong khuôn viên SVĐ (đồ lưu niệm, khách sạn, nhà hàng…) phát tài. Điều đó khiến chính những CĐV địa phương của các đội bóng lớn không có cơ hội được vào sân do du khách được ưu tiên.

Tại sao các CLB lớn như Arsenal hay Manchester United vẫn cố tăng giá vé, khi họ đã ổn định đầu vào?

Đó là bởi cách làm bóng đá của các CLB này. Hoặc là họ trả tiền chuyển nhượng rất cao ( Chelsea , Man City ), có quỹ lương lớn ( Chelsea , hai đội bóng Manchester ) hay cần tiền để xóa nợ và chi phí cho các dự án tương lai (Arsenal, Liverpool , Everton…). Lương và phí chuyển nhượng cầu thủ ở Premier League đã tăng khoảng 1.500% sau 15 năm, theo thống kê của ESPN. 64% số tiền lợi nhuận từ 20 đội bóng được dùng để trả lương cầu thủ, trong khi tỷ lệ của Bundesliga chỉ có 36%

Sắp tới, luật Công bằng Tài chính của UEFA sẽ đặt ra gánh nặng mới cho các CLB chi tiêu lớn. Cách dễ nhất cho các CLB tại Premier League tránh lỗ chính là tăng giá vé. Nguồn thu này dễ điều chỉnh bởi các đội bóng được tự định giá vé, còn các nguồn thu khác đều cố định trong một giai đoạn cụ thể ghi trong hợp đồng (quảng cáo, tài trợ áo đấu, v.v…). Họ sẽ tối đa hóa lợi nhuận để nhảy vào cuộc “chạy đua vũ trang” tranh giành những ngôi sao tốt nhất.

Sắp tới, bạn chỉ có thể tìm được một vài sân vận động ít ỏi không tăng giá vé. Norwich đã giảm giá vé để giúp khán giả địa phương đến sân đều đặn hơn, trong khi 8 đội bóng khác giữ nguyên mức hiện tại. Norwich sẽ không kiếm được bao nhiêu do là một đội bóng ít tên tuổi trong mắt người nước ngoài, mà bản thân họ cũng không định chạy đua “vũ trang”. Do vậy, cách tốt nhất là củng cố sự ủng hộ của người dân địa phương, tức củng cố nguồn thu của chính CLB.

Trong thời buổi công nghệ kỹ thuật số, việc người Anh ngày càng xa rời chính những đội bóng mà họ coi như máu thịt là một điều không tránh khỏi. Premier League hấp dẫn không chỉ vì chất lượng các trận đấu mà còn bởi các khán đài cuồng nhiệt, nhưng liệu điều đó còn tồn tại được bao lâu? Giải đấu này đã không còn là của người Anh để theo dõi nữa, vì tiền đang chảy vào từ một nơi khác.

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại