Mourinho & sự yên lặng đáng sợ ở Stamford Bridge

Khánh Tùng |

Jose Mourinho có lý do để cảm thấy bực bội khi Chelsea của ông gần như vẫn án binh bất động trên thị trường chuyển nhượng giữa lúc Liverpool và đặc biệt và Manchester United đều đang hoạt động hết sức tích cực.

Từ đầu mùa chuyển nhượng, Chelsea đã đón về 2 tân binh là tiền đạo Radamel Falcao (mượn lại từ Monaco) và thủ thành Asmir Begovic (Stoke City). Tuy nhiên, cả hai đều chỉ là những cái tên được đưa về để lấp chỗ trống ở... ghế dự bị.

Falcao đến thay Didier Drogba làm dự bị cho Diego Costa. Trong khi Begovic thế vai Petr Cech (đã chuyển sang Arsenal) ở vị trí thủ môn số 2 sau Thibaut Courtois. Nói rằng bộ đôi này là những sự "tăng cường" cho The Blues xem ra quá khiên cưỡng.

So với Liverpool và đặc biệt là Man United, Chelsea rõ ràng là đang im ắng quá mức cho phép.

Tất nhiên, The Blues, với tư cách nhà đương kim vô địch, có ít vị trí cần phải thay thế hay bổ sung hơn những đội bóng còn lại. Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là họ không cần thêm người mới.

Ngay từ tháng Năm, HLV Jose Mourinho đã nói rõ rằng ông cần thêm một hậu vệ và một tiền vệ mới.

Mourinho chưa đưa về được ngôi sao nào đáng giá mùa hè này.
Mourinho chưa đưa về được ngôi sao nào đáng giá mùa hè này.

Một hậu vệ để dự phòng cho John Terry đã lớn tuổi ở vị trí trung vệ, hoặc để thay thế Felipe Luis không đáp ứng được yêu cầu ở vị trí hậu vệ trái.

Một tiền vệ để giảm bớt gánh nặng và sự phụ thuộc vào Nemanja Matic. Mùa trước, cầu thủ người Serbia đã phải cày ải gần như liên tục trên mọi đấu trường của The Blues, và anh có dấu hiệu sa sút trong những trận cuối mùa.

Quan trọng nhất, Mourinho cần thêm những nhân tố mới để làm tươi mới đội bóng, và gây áp lực lên các cầu thủ đá chính.

Việc ngay cả Fabregas, Matic hay thậm chí Hazard nhận thức được rằng họ luôn có nguy cơ mất vị trí là điều hết sức quan trọng trong việc duy trì tính chiến đấu cho đội bóng.

Nhưng cho tới bây giờ, Mourinho vẫn đang phải chờ đợi những sự tăng viện mà ông mong muốn trong mòn mỏi.

Chelsea có vẻ vẫn chưa sẵn sàng tăng tốc trên thị trường chuyển nhượng. Họ cũng đã đưa ra vài lời dạm hỏi, nhưng thường lập tức bỏ đi ngay khi nhận được lời từ chối đầu tiên.

Một vài mục tiêu mà Mourinho ưa thích thì đều sớm có bến đỗ mới. Ví dụ Arda Turan đã chọn tới Nou Camp của Barca thay cho Stamford Bridge.

Đó là điều trái ngược hoàn toàn so với mùa Hè năm ngoái. Vào thời điểm này cách đây một năm, The Blues gần như đã có thể chốt sổ chuyển nhượng sau sự xuất hiện của Diego Costa, Cesc Fabregas, Felipe Luis và Loic Remy.

Mourinho đánh giá rất cao tầm quan trọng của việc sớm hoàn thiện đội ngũ. Thế nên, không có gì lạ khi những nguồn tin thân cận với HLV người Bồ khẳng định ông đã bắt đầu cảm thấy sốt ruột, thậm chí nổi cáu.

Kinh nghiệm cá nhân của Mourinho với chính Chelsea cho thấy sự chuẩn bị tồi trên thị trường chuyển nhượng có thể biến một nhà vô địch tuyệt đối thành kẻ thất bại chỉ sau một năm.

Liệu giữa Abramovich và Mourinho có tồn tại bất đồng nào?
Liệu giữa Abramovich và Mourinho có tồn tại bất đồng nào?

Kết thúc mùa giải 2005-06, Chelsea cũng vô địch Premier League với 8 điểm nhiều hơn đội xếp sau. Nhưng họ đã không thể bảo vệ được vương miện của mình.

Thất bại trong cuộc đua vô địch với M.U mở đường cho cuộc chia tay cay đắng của Mourinho không lâu sau đó.

Những bản hợp đồng mà Chelsea đã đưa về trong mùa Hè năm 2006, gồm Khalid Boulahrouz, Steve Sidwell, Claudio Pizarro, Tal Ben Haim, Slobodan Rajkovic, và Andriy Shevchenko, rõ ràng chỉ khiến cho The Blues yếu đi thay vì mạnh lên.

Đặc biệt, sự có mặt của Sheva được xem là nguồn cơn của những mâu thuẫn giữa Mourinho với ông chủ Roman Abramovich.

Mourinho đã có Drogba và không có nhu cầu tăng cường tiền đạo, nhưng Abramovich vẫn cố ép Mou sử dụng tiền đạo người Ukraine vốn là bạn thân của ông ta.

Mối quan hệ giữa Abramovich và Mourinho giờ đã nồng ấm hơn nhiều, nên khó có chuyện ông chủ người Nga lại ép Mourinho phải dùng người theo ý thích như trước. Nhưng cẩn trọng không bao giờ thừa.

Nhất là khi Mourinho có xu hướng mất kiểm soát trong năm thứ ba ở một đội bóng.

Các đội bóng của Mourinho, như ông thừa nhận, luôn lên tới đỉnh ở năm thứ hai. Porto và Inter đều đoạt giành chức vô địch Champions League trong năm thứ hai với Mourinho.

Chelsea và Real Madrid cũng giành chức VĐQG với điểm số kỷ lục trong năm thứ hai.

Với Porto và Inter, Mourinho đều bỏ đi sau khi lên đỉnh Champions League, nên người ta không biết năm thứ ba của ông với các đội bóng này có thể tệ như thế nào. Nhưng Chelsea và Real Madrid thì đều sa sút thấy rõ.

Chelsea mất chức vô địch vào tay M.U, trong khi Real Madrid trắng tay hoàn toàn. Đáng ngại hơn, Mourinho có xu hướng mất kiểm soát trong năm thứ ba. Ở Chelsea, ông va chạm với Abramovich. Ở Real, ông gây hấn với một loạt cựu thần.

Lịch sử không thể tái diễn Mourinho biết thế. Nhưng để làm được điều đó, ông cần sự hợp tác từ tất cả những người còn lại ở Chelsea, bắt đầu từ những người phụ trách công tác chuyển nhượng.

Sự yên ắng ở Stamford Bridge, do đó, quả thật đáng sợ!

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại