Lễ tổng kết mùa giải 2010 của Liên đoàn bóng đá Việt Nam diễn ra vào ngày 14/10 bị cho là không phù hợp. “Đã gọi là tổng kết mùa giải thì phải đợi tất cả các giải kết thúc mới tiến hành. Giải U21 năm nay chưa kết thúc nhưng đã bị bỏ qua dù đây là giải đấu quan trọng có lẽ chỉ kém V-League, hạng Nhất và Cup QG bởi nó là sân chơi quan trọng cho các đội bóng trẻ”, ông Hồ Văn Chiêm, Giám đốc điều hành đội Sông Lam Nghệ An nhận xét. Lễ tổng kết của VFF còn bị giới truyền thông chỉ trích bởi khác với thường lệ, báo giới đã không được trực tiếp tham dự. Vì lẽ đó Lễ tổng kết mà VFF tiến hành ngày thứ năm được ví von chẳng khác việc “người trong nhà đóng cửa bảo nhau”. Công việc tổng kết diễn ra sau khi mùa bóng vô địch quốc gia 2010 kết thúc gần hai tháng vì thế không còn tính thời sự. Những tranh cãi nóng bỏng về việc Quảng Ninh theo điểm số lẽ ra được thăng hạng V-League nhưng vẫn ở lại hạng Nhất sau khi thua Navibank Sài Gòn ở trận play-off, những trận đấu bị nghi “có mùi”, bạo lực sân cỏ, bạo lực trên khán đài không được mổ xẻ đúng mức.
Các đội bóng dự V-League mùa tới phải chịu quy định mới về kinh phí hoạt động và số ngoại binh. Ảnh:Hoàng Hà.
Bỏ qua những vấn đề nóng bỏng, Lễ tổng kết mùa giải 2010 của VFF vì thế chẳng khác nào cuộc họp công bố những thông tin của mùa bóng 2011. Theo đó về nguyên tắc, số lượng các đội bóng hạng Nhất theo mô hình chuyên nghiệp càng ít thì số suất lên hạng của giải đấu này càng ít, dù đã bị Bình Định, Quảng Ninh phản ứng dữ dội nhưng vẫn được giữ nguyên. Tất cả các đội dự V-League 2011 đều là CLB chuyên nghiệp, vì thế sẽ có 3 phương án lên xuống hạng như sau. Nếu đến thời hạn ấn định chỉ có 9 CLB hạng Nhất trở xuống là doanh nghiệp thì giải hạng Nhất sẽ chỉ 1,5 suất lên hạng; nếu có từ 10-12 đội hạng Nhất chuyên nghiệp thì số suất lên hạng sẽ là 2; nếu số đội hạng Nhất chuyên nghiệp hóa từ 13-14 đội thì giải đấu này sẽ có 2,5 suất lên hạng. Thời điểm chốt số đội là CLB chuyên nghiệp là ngày 31/7/2010.