Lý Hoàng Nam trở thành người Việt Nam đầu tiên được chơi một trận chung kết trong khuôn khổ một giải Grand Slam khi tối qua (12/7) Nam cùng với đồng đội Nagal (người Ấn Độ) chơi trên sân số 1 (sân lớn thứ nhì), đấu với cặp Reilly Opelka (Mỹ) và Akira Santilla (Nhật) ở Wimbledon.
Các giải trẻ ở Grand Slam thường quy tụ những tay vợt xuất sắc nhất ở độ tuổi từ 18 trở xuống.
Gọi là thường, bởi cũng có những tay vợt còn nằm trong độ tuổi nhưng tài năng chín sớm và họ chọn thi đấu ở các nội dung, giải đấu dành cho các tay vợt chuyên nghiệp.
Số này rất ít so với số lượng những tay vợt hàng đầu chọn đi hết chặng đường giải trẻ rồi mới “xuống núi”.
Grand Slam trẻ vì thế là môi trường thử thách lý tưởng để các tay vợt được cọ xát với những tay vợt trẻ hàng đầu, được hít thở, tập luyện và thi đấu trong môi giống như các tay vợt chuyên nghiệp.
Việc được tận mắt thấy các tay vợt đỉnh cao tập luyện và thi đấu cũng là một sự giúp ích khác, có thể mang lại chút kinh nghiệm xử lý tình huống sau này.
Chính bởi thế mà Grand Slam trẻ không cho các tay vợt trẻ tiền thưởng nhưng ai cũng muốn có mặt ở đó và muốn vào càng sâu càng tốt.
Thành công đôi có thể thất bại đơn
Trong vòng 20 năm qua, những người từng giành chức vô địch đôi nam trẻ ở các giải Grand Slam (với mỗi năm 4 giải) thì có 24 người sau đó trưởng thành, lọt vào top 100 bảng xếp hạng ATP những tay vợt đánh đơn.
Trong số này có Federer, huyền thoại tennis thế giới, người đã vô địch cả đơn nam và đôi nam Wimbledon trẻ năm 1998. Năm ấy, Federer sau khi vô địch đơn nam đã cùng Oliver Rochus (Bỉ) vô đich đôi nam trẻ.
Ngoài ra còn phải kể tới những tay vợt khác như Nalbadian và Coria (Argentina), Fernando Gonzalez (Chile), Jurgern Melzer (Áo), Tomas Berdych (Czech), Nishikori, Kyrgios, Donald Young.
Nhưng có một sự khác biệt khá lớn giữa đánh đơn và đánh đôi mà ở đẳng cấp trẻ hay chuyên nghiệp cũng đều chia sẻ một điểm là, đánh đôi có thành tích tốt nhưng chưa chắc đã làm nên chuyện ở đánh đơn (và ngược lại).
Tỉ lệ chỉ có 1/7 thành công nói trên là một thực tế không thể phủ nhận, nó thấp hơn hẳn tỉ lệ vốn không cao của những tay vợt sau khi thành công ở Grand Slam trẻ thì vào top 100 thế giới.
Vẫn là tín hiệu lạc quan
Lý Hoàng Nam lọt vào tới trân chung kết đôi nam trẻ Wimbledon không chỉ là bất ngờ mà nó còn là sự bù đắp cho việc anh thất bại ở nội dung đơn nam ngay từ vòng 1, mục đích chính của tay vợt số 1 Việt Nam.
Lý Hoàng Nam cũng như bất cứ tay vợt nào khác trên thế giới đều mong muốn thành công ở giải đơn, và chỉ xoay sang giải đôi vì lý do nào đó.
Sự đòi hỏi về mặt thể lực và kỹ thuật ở giải đơn có rất nhiều khác biệt so với đánh đôi, nếu không muốn nói là đòi hỏi cao hơn rất nhiều.
Cách đây 2 năm, huyền thoại John McEnroe (người Mỹ, giành 8 Grand Slam đơn và 4 đôi) nói rằng “việc còn duy trì nội dung đôi ở các giải Grand Slam là một điều bí hiểm.
Tiền chi cho nội dung đôi đáng ra dành cho các tay vợt đánh đơn, những người nằm ngoài top 200 không có khả năng tự nuôi mình bằng tennis. Tennis đánh đôi di chuyển chậm hơn, và họ hầu hết chỉ dí sát lưới để bắt volley”.
Người vừa vô địch nội dung đôi nữ chuyên nghiệp Wimbledon 2015 là Martina Hingis từng giã từ sự nghiệp đánh đơn năm 2006 vì chấn thương và Sania Mirza, một tay vợt Ấn Độ không thể làm nên chuyện lớn ở nội dung đơn.
Nhưng thực tế nói trên không phủ nhận được những bước tiến của Hoàng Nam thời gian qua.
Vào tới vòng 3 đơn nam Roland Garros là ấn tượng. Thất bại sớm ở đơn nam Wimbledon là khi Nam đấu trên mặt sân cỏ mà chưa được tập luyện thật nhiều, và thiếu chút may mắn.
Đứng thứ 14 thế giới trẻ là kết quả không chỉ đánh đôi mà chủ yếu từ đánh đơn.
Lạc quan rõ ràng là nhiều hơn hẳn!
Liên đoàn quần vợt thế giới (ITF) cách nay ít lâu đã thực hiện cuộc cách mạng về bảng xếp hạng trẻ.
Điểm đánh đôi và đánh đơn được cộng vào với nhau để tính điểm phục vụ cho bảng xếp hạng duy nhất. Lý do là trước đó, hầu hết các tay vợt trẻ đều không hứng thú tham dự nội dung đôi.