Trong số các đội bóng đá tham dự V-League 2014, có lẽ chỉ 3 đội được coi là ứng cử viên cho chức vô địch là Hà Nội T&T, B.Bình Dương và Thanh Hóa. Cả 3 đội bóng đều tậu được nhiều ngoại binh chất lượng cao, cộng với dàn cầu thủ nội đồng đều và đặc biệt là có các nhà cầm quân lão luyện cả trong và ngoài sân cỏ.
Nhưng khi bước vào giai đoạn hai của giải, Thanh Hóa bắt đầu khựng lại, cho thấy họ không “mơ” ngôi vua. Rồi đến khi Hà Nội T&T hòa liền 3 trận và chính thức nhường ngôi cho đối thủ qua trận thua trên sân Chi Lăng thì chức vô địch dù muốn dù không cũng phải được trao cho Bình Dương như một tất yếu của mùa giải nhiễu nhương bậc nhất từ ngày có V-League.
B.Bình Dương vô địch là hoàn toàn xứng đáng, nhưng cái cách Thanh Hóa và Hà Nội T&T “bỏ cuộc” cho thấy bóng đá Việt sẽ tiếp tục là cái bia xấu xí để những người độc mồm như Jose Mourinho “bắn” cho hả dạ và người hâm mộ thì chỉ còn nước chờ đất nứt ra để… trốn!
Đã không còn các trận đấu “kinh điển” hay derby như Thể Công – CAHN, rồi sau này như Gạch – Gỗ hay trận chung kết của cả mùa như SLNA – Hà Nội T&T. Để rồi kết thúc mùa giải này, đội bóng được đầu tư nhiều tiền của nhất, xây dựng mô hình bóng đá chuyên nghiệp đúng hướng nhất, sẽ sưu tập được nhiều nhất chiếc Cup vô địch. Nhưng chắc chắn đó không phải là đội bóng có nền tảng đào tạo trẻ tốt nhất, ban huấn luyện tốt nhất và mang nhiều bản sắc của bóng đá Việt nhất. Có chăng, đội bóng này chỉ được biết đến ở “độ giàu” khi mang biệt danh “Chelsea của Việt Nam”.
Tất nhiên sự cố gắng của thầy trò B.Bình Dương là rất đáng ghi nhận và thực tế cho thấy chỉ đội bóng này mới đủ lực “bơi” ra sân chơi châu lục sau khi giành ngôi nội địa. Vinh dự này thực tế đã là gánh nặng vô lý của nhiều đội vô địch các mùa trước. Hà Nội T&T đã từng “được” tiêu tiền trăm, tiền tỷ vào những trận đấu đi – về trong và ngoài nước. Các đội cũng từng có chuyện bê cả dàn dự bị đi đá trả nợ và tìm cách thua sớm giảm tốn kém. Thanh Hóa chưa có ngôi vô địch nào, không thể nói là không muốn, nhưng cũng không cần thiết phải cắn răng đá để vô địch, vui chưa xong đã lo âu bốn bề cơm áo…
Hơn nữa làng thể thao hẳn cũng có một nguyên tắc bất thành văn trong chuyện thắng thua, vay trả, chưa kể vận hạn, may rủi. Nhìn nhau mà đá, nể mặt nhau mà chơi thì bền vững. Còn qua mặt nhau ư, đợi đấy, mùa tới sẽ biết màn “ hội đồng” hiểm và kín và 4 phương 8 hướng như thế nào. Hoa thơm, mỗi người hưởng một tý. Bóng đá như chính cuộc đời, ai biết thì tồn tại, ai khờ thì sớm bỏ cuộc chơi…
Chả vậy mà bóng đá Việt khai cuộc hay mọi nhẽ, nhưng kết cuộc thì tàn tạ, không ai muốn nhòm. Jose Mourinho nói độc địa thì trào dâng giận dữ nhưng kể ra như thế lại hóa hay và cần thiết, nên mỗi năm tua lại dăm ba lần để cùng nhau thấm thía. Để mà sửa dần dần, để có sự khát khao và cống hiến khi nâng chiếc Cup vô địch.
World Cup vừa đây, xem thấy đội hàng đầu châu Á như Nhật Bản cứ hụt hơi, tụt hơi trước các đối thủ thì yên chí rằng ta còn lâu, cực lâu nữa mới mơ tới sân chơi đó. Hãy yên chí bơi trong ao làng, có điều là ao ra ao, nước ra nước, bơi chứ không phải ngụp lặn, về đích đúng với sức mình.