Số 10 của HLV Toshiya Miura ghi 4 bàn ở vòng loại giải U23 châu Á hồi tháng Ba. Anh về thứ ba trong cuộc đua Vua phá lưới vòng loại toàn châu Á, chỉ kém người đứng đầu Omar Khribin của Syria đúng 2 bàn.
Tại SEA Games, Phượng cũng có 3 bàn, chỉ xếp sau Mạc Hồng Quân và Võ Huy Toàn. Hai người đứng trên Phượng, một không thể dự giải vì quá tuổi, một vừa chia tay đội vì chấn thương.
Vai trò của Phượng vì thế là đặc biệt quan trọng. Vừa là số 10 dẫn dắt lối chơi, vừa là chân sút chủ lực, Phượng chắc chắn sẽ chiếm một suất không thể cạnh tranh trong đội hình U23 Việt Nam.
Nhưng dù rất xuất sắc, Phượng cũng còn những điểm yếu cố hữu. Lối chơi của anh rườm rà, lắt nhắt. Anh chơi bóng bổng kém, không phải mẫu tiền đạo “một phát ăn ngay”.
Phượng đặc biệt nguy hiểm khi được đá tự do, chơi sáng tạo trong 2/3 sân cuối cùng nhưng khi gặp phải những hàng tiền vệ mạnh và không để lộ khoảng trống, Phượng trở nên “vô hại”. Đó là lúc ông Miura cần hỗ trợ Công Phượng.
Trong danh sách 30 cầu thủ U23 Việt Nam được triệu tập, có tới 6 tiền đạo với đủ mọi phong cách khác nhau. Ngoài Phượng, 5 người còn lại là Phạm Văn Thành, Nguyễn Văn Toàn, Lê Thanh Bình, Hồ Tuấn Tài và Phạm Xuân Mạnh.
Trong số đó, Thanh Bình là người có thống kê bàn thắng tốt nhất với 3 bàn tại vòng loại U23 châu Á và 2 bàn nữa ở SEA Games. Lối chơi của Thanh Bình đơn giản, chuẩn mực nhưng thiếu đột biến. Anh có lẽ thích hợp với vai trò dự bị chiến lược hơn là đá chính.
Ngược lại với Thanh Bình, Văn Toàn và Hồ Tuấn Tài là những cái tên có thể tạo đột biến. Văn Toàn cũng chính là người đá chính bên cạnh Công Phượng ở vòng loại.
Điểm yếu của Toàn là hiệu suất ghi bàn khá thấp. Còn Tuấn Tài thậm chí chưa có cơ hội thể hiện do chấn thương.
Ở nhóm phía sau, Xuân Mạnh và Văn Thành gần như là các tân binh. Họ đều cho thấy tài năng và khả năng bủng nổ đáng nể ở giải U21 quốc tế.
Bản thân Xuân Mạnh có khả năng chơi ở rất nhiều vị trí và sở hữu hiệu suất ghi bàn khủng trong khi Văn Thành rất giàu kinh nghiệm thi đấu đỉnh cao.
Nếu tiếp tục duy trì được các điểm mạnh ấy, họ hứa hẹn sẽ trở thành những “vũ khí” mới của ông Toshiya Miura.
Nhiều khả năng, những cầu thủ có thể hình đẹp, đá đơn giản, dứt điểm vòng cấm nhanh gọn sẽ được ông Miura lựa chọn. Đó cũng là những tố chất cần thiết cho U23 Việt Nam trong cuộc đối đầu với các đối thủ Tây Á.
Luyện sức để đối đầu với Tây Á
Tiền đạo Lê Thanh Bình của U23 Việt Nam tiết lộ do đối thủ là những đội bóng tới từ Tây Á nên việc tập luyện của đội bóng có phần vất vả hơn.
Cụ thể, U23 Việt Nam nằm cùng bảng D VCK U23 châu Á 2016 với Jordan, UAE và Australia.
Với 2/3 đối thủ tới từ Tây Á cộng với Australia cũng sở hữu lối đá mạnh về thể lực, ông Miura sẽ có điều kiện áp dụng cùng một triết lý cho U23 Việt Nam trước 3 đối thủ.
Nhờ vậy, giáo án tập luyện và kế hoạch chuẩn bị của đội tuyển sẽ là tương đối đồng nhất.
Thanh Bình tiết lộ: “Đối thủ của U23 Việt Nam lần này đều là các đối thủ mạnh. Họ đều tới từ Tây Á nên ở đợt tập trung lần này, các bài tập luyện không có gì khác nhưng việc tập luyện có phần vất vả hơn.
Lúc tập luyện, huấn luyện viên yêu cầu mọi người phải tập trung hết sức còn khi không tập, mọi người đều được thoải mái”.
Nói về tình hình chấn thương của các cầu thủ, Thanh Bình lạc quan: “Việc tập luyện của các cầu thủ không tạo ra bất kỳ vấn đề gì. Phần lớn chấn thương tới trước đợt tập trung chứ không diễn ra trong thời gian ở đội tuyển”.